
Không để thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng
Hiện có nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường là rất lớn.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã xác định quy hoạch 17 mỏ đá làm VLXD thông thường với diện tích khoảng 182,6ha, trữ lượng khoảng 25,9 triệu m3, không có khu vực đầu tư mới; 6 khu vực mỏ cát xây dựng thông thường, trữ lượng khoảng 0,7 triệu m3; 58 khu vực mỏ sét, trữ lượng khoảng 65,4 triệu m3; 79 mỏ đất đồi làm vật liệu san lấp, trữ lượng khoảng 367,8 triệu m3; 32 khu vực bãi thải mỏ than, trữ lượng khoảng 965,8 triệu m3; 6 khu vực mỏ cát san lấp, trữ lượng 61,7 triệu m3.

Theo kết quả rà soát của Tổ công tác liên ngành của tỉnh, năm 2025 nhu cầu đá làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh khoảng 7,8 triệu m3, cát xây dựng 4,58 triệu m3, vật liệu san lấp 54,1 triệu m3. Dự báo năm 2026 nhu cầu VLXD đối với các loại khoáng sản trên lần lượt là 12,9 triệu m3, 7,2 triệu m3, 89,4 triệu m3; giai đoạn 2027-2030 nhu cầu lần lượt là 24,94 triệu m3, 20,27 triệu m3, 563,4 triệu m3.
Mặc dù trữ lượng khoáng sản làm đá xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh rất lớn (xác định 17 khu vực), song hiện nay có 8 khu vực được cấp phép khai thác đã đóng cửa mỏ do hết thời hạn khai thác, 9 khu vực mỏ còn thời hạn khai thác nhưng thực tế chỉ còn 3 mỏ đá đang có hoạt động khai thác với tổng công suất 0,598 triệu m3/năm. Do đó, chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu sử dụng đá làm VLXD thông thường. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ dân và các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn, chủ đầu tư và người dân phải mua từ các tỉnh, thành phố khác.
Việc thiếu hụt cát xây dựng trên địa bàn tỉnh rất lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện không có mỏ cát xây dựng đang khai khác nên toàn bộ khối lượng cát xây dựng đều được mua bán, vận chuyển từ các tỉnh khác... Việc thiếu hụt nguồn VLXD đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và tăng chi phí xây dựng…

Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp đáp ứng nhu cầu VLXD trên địa bàn, tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp quản lý, bình ổn giá VLXD; gắn với thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 1208-KL/TU ngày 26/4/2025 của BCH Đảng bộ tỉnh trong công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản...
Trước tình hình giá cả VLXD có những diễn biến phức tạp, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung rà soát, tìm hiểu rõ nguyên nhân tăng giá VLXD, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ. Một loạt giải pháp được triển khai, như: Tăng cường quản lý công tác kê khai, niêm yết giá VLXD; rà soát, cập nhật kịp thời và công khai chỉ số giá VLXD; công bố giá VLXD định kỳ bám sát diễn biến thực tế… Đặc biệt, siết chặt công tác quản lý, khai thác khoáng sản làm VLXD; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, phát hiện, xử lý sớm các hành vi đầu cơ, nâng giá, trục lợi.
Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Sở NN&MT đã chủ trì Tổ công tác liên ngành rà soát, khảo sát tổng thể các mỏ khoáng sản làm VLXD trên địa bàn; tham mưu đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022, Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 25/6/2024 của BCH Đảng bộ tỉnh liên quan đến quy hoạch, cấp phép, gia hạn, hoạt động các mỏ đá làm VLXD, các vấn đề cảnh quan, môi trường, hạ tầng giao thông... Đề xuất cụ thể việc tổ chức triển khai đối với từng loại mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường, vật liệu san lấp, san nền trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở kết quả báo cáo của tổ công tác, Sở Xây dựng tham mưu các giải pháp đáp ứng nhu cầu VLXD trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, đồng thời đang nghiên cứu tham mưu, đề xuất cập nhật điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch của tỉnh, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.
Ý kiến ()