
Sức sống mới nơi rừng xanh
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân trong bảo vệ, phát triển, cũng như khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên rừng, tạo động lực quan trọng cho lâm nghiệp Quảng Ninh có những bước phát triển nhanh, bền vững.
Rừng được làm giàu
Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 19, toàn tỉnh đã trồng được 68.358ha rừng tập trung (bao gồm 3.546ha rừng phòng hộ và 64.812ha rừng sản xuất), bình quân mỗi năm Quảng Ninh trồng 13.672ha rừng, tăng 11,4% so với trước khi ban hành nghị quyết. Trong tổng diện tích rừng Quảng Ninh đã trồng được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 có 11.591ha rừng cây bản địa, 905ha rừng ngập mặn, 1.840ha rừng trồng thay thế là các loại cây gỗ lớn, 4.259ha lim, lát, giổi.
Việc trồng các loài cây gỗ lớn thay thế cho cây gỗ nhỏ mọc nhanh là một bước đi chiến lược, không chỉ gia tăng diện tích, mà còn nâng cao chất lượng rừng, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích và đảm bảo cho phát triển bền vững, lâu dài. Đây là hướng đi đúng đắn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, phù hợp với chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững của quốc gia.

\Quảng Ninh có tổng số 144 cơ sở giống cây lâm nghiệp, trong 5 năm qua đã cung cấp cho tỉnh 462 triệu cây giống lâm nghiệp các loại; có 125 cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, góp phần bảo tồn nguồn gen, đồng thời giảm áp lực từ việc khai thác trái phép động vật rừng. Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã thu 678 tỷ đồng từ các dự án, công trình thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế để giải ngân 124 tỷ đồng cho công tác trồng rừng.
Năm 2020, Quảng Ninh có 5 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích 25.046ha, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 19, toàn tỉnh có 7 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích 30.034,1ha. Dự kiến đến năm 2030, Quảng Ninh sẽ có thêm 4 khu rừng đặc dụng, nâng tổng diện tích rừng đặc dụng toàn tỉnh lên 47.504ha, tăng 190% so với kế hoạch.
Trong quá trình trồng mới rừng theo Nghị quyết 19, Quảng Ninh đã thành công khi nhân rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Cụ thể, tăng từ 15.000ha rừng cấp chứng chỉ rừng bền vững thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết 19 (năm 2020), lên 36.300ha rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững năm 2024, đạt 242% kế hoạch.
Phát triển kinh tế rừng gắn với sinh kế người dân
Triển khai Nghị quyết 19-NQ/TU, Quảng Ninh chủ trương phát triển các mô hình quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng có sự tham gia của cộng đồng thông qua chính sách khoán bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Điều này đã nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng, nâng cao độ che phủ rừng, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân khu vực đồng bào DTTS, miền núi. Đây là một trong những giải pháp gắn mục tiêu bảo vệ rừng với cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh đã giao khoán được 230.102 lượt ha rừng với tổng kinh phí hỗ trợ từ NSNN là gần 76 tỷ đồng. Diện tích giao khoán bảo vệ rừng bình quân đạt 46.020ha/năm.
Để phát huy tiềm năng đất và rừng, Quảng Ninh đã hoàn thành việc giao, cho thuê rừng. Đã có 165.892ha rừng, đất rừng được UBND cấp huyện giao, cho thuê đối với 36.872 hộ gia đình, cá nhân và 197 cộng đồng dân cư, thôn, bản. Đây là cơ sở để các chủ rừng yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế trên đất rừng.

Kể từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai chính sách dịch vụ môi trường rừng tại 15 lưu vực nội tỉnh; số tiền thu được là trên 28 tỷ đồng dành để chi trả cho 758.927 lượt ha tổng diện tích rừng. Ngày 24/3/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND và Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND về một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững. Chính sách này cũng đã giúp cho 1.197 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ được hưởng chính sách hỗ trợ với tổng số tiền là 28,975 tỷ đồng. Sau hỗ trợ, người dân trồng được 1.433,2ha rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa.
Điều đáng ghi nhận là xu hướng xã hội hoá nghề rừng đang hình thành. Trong 5 năm gần đây, doanh số cho vay lâm nghiệp tại Quảng Ninh đạt mức rất cao, kinh phí của chủ rừng bỏ ra để thực hiện trồng, chăm sóc bảo vệ rừng là rất lớn.
Với những nỗ lực đó, toàn tỉnh đã khai thác được 69.770ha rừng trồng; sản lượng khai thác gỗ đạt trên 4,5 triệu m3, tăng 145,7% so với trước khi ban hành Nghị quyết 19. Sản lượng khai thác gỗ bình quân đạt 907.526m3/năm (tăng 142% so với mục tiêu nghị quyết). Nhựa thông khai thác đạt 13.131 tấn; lâm sản ngoài gỗ (hoa hồi, vỏ quế, hạt sở) đạt 23.385 tấn. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất dược liệu với sản lượng khai thác hằng năm khoảng 1,5 tấn ba kích; khoảng 25 tấn trà hoa vàng tươi. Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ giai đoạn 2020-2024 đạt 2,5 tỷ USD.
Kết quả trên cho thấy Nghị quyết 19 đã làm thay đổi lớn về phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ tư duy quản lý đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Giữa các hoạt động quản lý sử dụng rừng - trồng rừng - khai thác, chế biến lâm sản, với công tác quản lý, bảo vệ rừng, chống tàn phá rừng, PCCCR… đã có sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả, ngày càng có tính bền vững cao.
Ý kiến ()