
Sản xuất xi măng gắn với bảo vệ môi trường
Xi măng là một trong những vật liệu xây dựng quan trọng nhất, góp phần kiến tạo hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngành sản xuất này cũng là một trong những ngành tiêu thụ nhiều nguyên liệu, năng lượng,đồng thời tạo ra lượng lớn khí thải. Nhận thức rõ điều đó, các doanh nghiệp sản xuất xi măng tại Quảng Ninh đã và đang từng bước thay đổi, đi đầu trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến phát triển bền vững.
Nổi bật trong số đó là Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh với những bước đi đột phá trong ứng dụng công nghệ. Chương trình “Vracbank - Gửi rác, rút tiền”, khuyến khích người dân địa phương phân loại rác tái chế ngay tại nguồn. Sau gần 3 năm triển khai, chương trình đã thu gom hơn 500 tấn rác tái chế, góp phần giảm tải cho hệ thống xử lý rác thải của địa phương và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng nhân dân. Lượng rác thu gom được chuyển đến nhà máy xi măng áp dụng công nghệ đồng xử lý chất thải công nghiệp. Ở đây, rác thải được phân hủy hoàn toàn trong lò nung clinker có nhiệt độ trên 1.400°C, không tạo tro xỉ hay khí độc hại. Quan trọng hơn, quá trình này thay thế một phần nguyên liệu than truyền thống và giảm chi phí sản xuất.

Ông Ninh Xuân Quảng, Phó Giám đốc Nhà máy xi măng Lam Thạch, Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, chia sẻ: Công ty cũng đầu tư cải tạo dây chuyền thiết bị theo tiêu chuẩn châu Âu, phối hợp với đơn vị từ Nauy trong triển khai các công nghệ sản xuất tiên tiến; lắp đặt hệ thống Bypass, duy trì hệ thống quan trắc môi trường tự động đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành. Trong đó, hệ thống lọc bụi túi thế hệ mới nhất cho hai lò nung clinker với giá trị đầu tư trên 70 tỷ đồng đã giúp giảm nồng độ bụi đến mức 20mg/Nm3 và luôn duy trì ổn định cả khi lò có sự cố. Đây là giải pháp hiệu quả có tính chiến lược, đi trước đón đầu quy định các tiêu chuẩn về phát thải ngày càng nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động sản xuất xi măng.
Ngoài công nghệ, công ty còn chú trọng kết nối với cộng đồng. Tổ giám sát môi trường gồm 15 thành viên đại diện người dân địa phương được thành lập, góp phần tăng cường tính minh bạch và sự giám sát xã hội đối với hoạt động sản xuất. Công ty cũng đã trồng mới hơn 12.000 cây xanh chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, cải tạo cảnh quan theo mô hình “văn phòng sinh thái”, “công viên trong nhà máy” xây dựng môi trường làm việc trong lành, an toàn.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh, cho biết: Trong bối cảnh thị trường xi măng nhiều biến động, nhờ áp dụng thành công các công nghệ xanh, Xi măng Lam Thạch vẫn giữ vững sản lượng hơn 470.000 tấn xi măng trong 4 tháng đầu năm, doanh thu đạt 400 tỷ đồng, nộp ngân sách 7 tỷ đồng, với thu nhập của người lao động bình quân đạt 14,1 triệu đồng/tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Với mong muốn chung tay thực hiện trách nhiệm cộng đồng, Công ty thường xuyên quan tâm phát động, hưởng ứng công tác an sinh xã hội với nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực. Từ năm 2018 đến nay, Công ty đã dành hơn 10 tỷ đồng, riêng 4 tháng đầu năm 2025 là trên 200 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn.
Năm 2025 tiếp tục là dấu ấn đáng ghi nhận trong hành trình khẳng định mục tiêu và dần hoàn thiện hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn của Công ty CP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh. Những con số ấn tượng trong kết quả sản xuất kinh doanh và thành tựu rõ nét trong triển khai mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, kinh tế tuần toàn gắn với bảo vệ môi trường trong bối cảnh đầy khó khăn thách thức đã góp phần đưa Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh trở thành một điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế địa phương.
Không chỉ xi măng Lam Thạch, trên phạm vi rộng toàn tỉnh, ngành xi măng Quảng Ninh đang hướng tới sự chuyển đổi toàn diện với nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào công nghệ sạch, áp dụng tiêu chuẩn xanh và thực hiện các giải pháp thân thiện môi trường.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 7 nhà máy sản xuất xi măng đang hoạt động, với tổng công suất trên 10 triệu tấn/năm. Hầu hết các nhà máy đều đã áp dụng công nghệ tiên tiến để kiểm soát chặt chẽ bụi và khí thải, đặc biệt là kết nối trực tiếp với Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường của tỉnh, truyền dữ liệu khí thải và nước thải 24/24 để phục vụ công tác giám sát.
Bên cạnh nỗ lực từ doanh nghiệp, chính quyền địa phương cũng tích cực triển khai các chính sách khuyến khích công nghệ sạch, tăng cường vai trò giám sát cộng đồng - tạo động lực cho một ngành công nghiệp xi măng phát triển bền vững, xanh và trách nhiệm.
Ý kiến ()