
Phát huy trách nhiệm công dân tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp
Những ngày này, các địa phương trong tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với nhiều hình thức. Đây là một bước quan trọng trong hoàn thiện nền tảng pháp lý tối cao của đất nước; đồng thời là cơ hội để mỗi người dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện trách nhiệm công dân trực tiếp tham gia đóng góp trí tuệ vào việc xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 lần này tập trung vào 8/120 điều nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Các nội dung này có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội và sự vận hành của hệ thống chính trị, nhận được sự quan tâm lớn trong các tầng lớp nhân dân.
Ông Hoàng Văn Bình (xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) cho biết: Được địa phương tuyên truyền, tôi ý thức trách nhiệm của công dân, đã tích cực nghiên cứu và tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Tôi cơ bản đồng tình, thống nhất cao với nội dung sửa đổi, đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung Điều 110 theo hướng quy định mô hình địa phương 2 cấp, nhằm xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng không gian phát triển cho các địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Ông Phạm Văn Hiếu (phường Mạo Khê, TP Đông Triều) cho rằng: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là rất cần thiết và cấp bách, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn đầu mối hiện nay, cũng như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Ngay khi dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được công bố, người dân rất quan tâm, nghiên cứu để tham góp ý kiến.

Tại các địa phương trong tỉnh, công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đang được Ủy ban MTTQ các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và các xã, phường, thị trấn triển khai nghiêm túc, đồng bộ với nhiều hình thức, như hội nghị, hội thảo, tọa đàm...
Ông Đặng Văn Học, Hội CCB TP Hạ Long, cho biết: Hội chủ động, tăng cường phổ biến, quán triệt, tuyên truyền tới các hội viên về mục đích, ý nghĩa, nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Nhờ có thể đóng góp ý kiến qua ứng dụng VNeID đã tạo thuận lợi để các hội viên dễ dàng tiếp cận và gửi ý kiến góp ý một cách nhanh chóng. Hội CCB thành phố có hơn 11.000/12.000 hội viên đã tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung vào Hiến pháp năm 2013.
Ông Bùi Đức Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hạ Long, nêu rõ: Việc triển khai lấy ý kiến được chỉ đạo cụ thể từ cấp tỉnh, thành phố tới cơ sở, với sự phối hợp hiệu quả giữa Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên, các xã, phường và các cơ quan, đơn vị liên quan. MTTQ các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung dự thảo Nghị quyết đến từng đối tượng, bảo đảm các ý kiến đóng góp được ghi nhận khách quan, trung thực, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Đến ngày 19/5, MTTQ thành phố, các tổ chức chính trị- xã hội và các tổ chức thành viên đã tổ chức xong việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến.

Để việc lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất, ngày 6/5/2025 Tỉnh ủy có Công văn số 2674-CV/TU về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong đó yêu cầu các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp trên địa bàn về dự thảo Nghị quyết với các hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, tăng cường ứng dụng CNTT, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý. Đồng thời tập hợp và phản ánh trung thực, đầy đủ, chính xác, khách quan các ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp để xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân gửi đến cơ quan có thẩm quyền trước ngày 30/5/2025.
Lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp không chỉ là một bước trong quy trình lập pháp, mà là biểu hiện cụ thể về quyền làm chủ của nhân dân. Mỗi người dân cần phát huy cao nhất trách nhiệm công dân của mình, thể hiện quyền và thực hiện nghĩa vụ, tích cực tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp, đảm bảo Hiến pháp sửa đổi thực sự là kết tinh của trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn dân.
Ý kiến ()