
Không để hình thành “điểm nóng” về an toàn thực phẩm
Thời gian qua, hàng loạt vụ vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) trên cả nước bị phát hiện và xử lý. Vì lợi nhuận hoặc thiếu hiểu biết, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình phớt lờ các quy định, đưa ra thị trường những thực phẩm không đảm bảo an toàn, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng. Tại Quảng Ninh, để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, các lực lượng chức năng đang siết chặt kiểm soát, không để hình thành các “điểm nóng” về ATTP.
Ngày 12/5, các lực lượng chức năng đã phát hiện một hộ kinh doanh chế biến lòng, dồi tại tổ 37B, khu 4B, phường Hà Phong (TP Hạ Long) sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc trong chế biến. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chỉ xuất trình được giấy phép kinh doanh, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của nguyên liệu thực phẩm đang lưu trữ trong kho. Khu vực sơ chế và chế biến của nhà xưởng sắp xếp lộn xộn, thực phẩm sống và chín lẫn lộn, nhân viên chế biến không thực hiện quy định đảm bảo vệ sinh ATTP… Đáng chú ý, cơ sở này chuyên cung cấp cho các quán ăn trong khu vực, tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Đặng Văn Chương, Trưởng Phòng Y tế TP Hạ Long, cho biết: Đây là một trong nhiều vụ việc vi phạm ATTP trên địa bàn và đã bị xử lý nghiêm theo quy định. Tuy nhiên, Hạ Long là địa bàn rộng, công tác giám sát cần sự tham gia của các cấp, ngành từ chính quyền xã, phường đến người dân để cùng phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Đơn vị tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn, góp phần giữ vững địa bàn sạch và đảm bảo được sức khỏe cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Tại phường Cẩm Thuỷ (TP Cẩm Phả) ngày 15/5/2025, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT tỉnh (Sở Công Thương) phát hiện và thu giữ hơn 2 tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc được lưu trữ trong kho lạnh; trị giá lô hàng ước khoảng 95 triệu đồng. Cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu huỷ toàn bộ số hàng vi phạm và xử phạt hành chính chủ cơ sở 70 triệu đồng. Theo thống kê của Chi Cục QLTT, tính từ đầu năm 2025 đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 313 vụ, phát hiện xử lý 311 vụ/311 đối tượng/ 364 hành vi vi phạm với tổng số tiền trên 11,2 tỷ đồng. Trong đó, có lý 168 trường hợp vi phạm về ATTP, phạt tiền gần 1,7 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 3 tỷ đồng. Các sản phẩm vi phạm gồm: Thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, hoa quả, rượu, sữa…
Theo thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh, tính đến hết tháng 4/2025, lực lượng y tế toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 142 tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATTP; tổng số tiền xử phạt trên 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo các cơ quan chuyên môn đánh giá, những con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình. Với đặc thù là địa bàn giáp biên, thương mại phát triển mạnh, mật độ dân cư đông, cùng với lượng lớn khách du lịch, nguy cơ thực phẩm bẩn trà trộn, lưu thông ra thị trường là rất lớn. Lợi nhuận từ việc buôn bán thực phẩm không đảm bảo an toàn lớn gấp nhiều lần mức xử phạt, nên nhiều người vẫn bất chấp vi phạm. Đây là một thực tế khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Mất vệ sinh ATTP ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Thực phẩm không an toàn có thể gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính, dẫn đến tử vong; một số khác có thể chứa các vi sinh vật gây bệnh, các chất độc hại, các kim loại nặng,… về lâu dài có thể gây ung thư.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh, nhấn mạnh: Trong thời gian tới, công tác đảm bảo ATTP tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên ngành. Để không hình thành “điểm nóng” về ATTP, ngành Y tế tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Sở chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tiếp tục hoàn thiện, củng cố hệ thống kiểm nghiệm, giám sát an toàn thực phẩm theo hướng hiện đại hóa, đảm bảo phát hiện sớm nguy cơ và kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Sở khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, phản ánh kịp thời các cơ sở có dấu hiệu vi phạm tới cơ quan chức năng.
Ý kiến ()