Sống lại ký ức
Mấy ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Tập đoàn Tuần Châu đã cho phục hồi tuyến phà Bãi Cháy nối đôi bờ Cửa Lục. Tất nhiên đây chỉ là sự thử nghiệm và cũng chỉ giới hạn trong mấy ngày nghỉ lễ, nhưng không ngờ lượng khách đi phà lại đông đến vậy; chỉ trong vòng hơn chục ngày, mỗi ngày cũng chỉ 5, 6 tiếng, nhưng đã có tới hơn một vạn lượt khách qua sông...
Việc người dân và du khách háo hức đi phà trong những ngày nghỉ lễ vừa qua hoàn toàn không phải vì sự tiện ích về giao thông, đi lại. Điều này thì khỏi cần nói, ai cũng biết. Người ta chen chúc đợi qua phà đơn giản chỉ là để trải nghiệm, để “sống lại ký ức” của một thời đã qua mà thôi.
Thế nhưng, từ những chuyến phà này lại gợi cho chúng ta nhiều điều cần suy nghĩ. Khi cuộc sống càng hiện đại, càng phát triển thì con người ta lại càng hay nhớ về quá khứ, càng muốn được trải nghiệm, muốn được tìm lại cái không khí của một thời đã qua. Chẳng thế mà những năm gần đây, việc dựng lại các lễ hội văn hoá truyền thống đã bị mai một, hay việc tái hiện các mô hình làng văn hoá cổ truyền v.v. ngày càng được quan tâm nhiều hơn; nói đâu xa, như việc xây dựng phim trường cổ trang ở Yên Tử, ngoài mục đích phục vụ điện ảnh, rõ ràng những người bỏ vốn đầu tư cũng nghĩ đến cả hiệu quả, tác dụng của nó về mặt du lịch nữa! Nói cách khác, dưới góc độ văn hoá du lịch, “sống lại quá khứ” là một nhu cầu của con người thời hiện đại mà nếu biết khai thác thì sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ! Với Quảng Ninh, một vùng đất văn hoá giàu tiềm năng du lịch, điều này lại càng có ý nghĩa hơn. Một anh bạn tôi làm nghề hướng dẫn viên du lịch, nhận xét rằng, khi đọc các bài viết của du khách nước ngoài về Vịnh Hạ Long trên các trang mạng thì thấy, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên huyền ảo, người ta thường tỏ ra rất ấn tượng khi được trải nghiệm cuộc sống của bà con ngư dân ở các làng chài trên Vịnh... Nhưng đó là những năm trước, hiện nay vì những lý do bất khả kháng, các làng chài trên Vịnh đã di dời lên đất liền và cuộc sống của bà con ngư dân trên Vịnh trong tương lai sẽ chỉ còn là ký ức... Và nếu ngay từ bây giờ không nghĩ tới việc bảo tồn nét văn hoá làng chài ấy thì sẽ là một thiếu sót khó sửa cho các thế hệ mai sau. Bởi những di tích đền, chùa, miếu mạo v.v.. có thể trùng tu, nhưng một làng chài, với nhiều những nét văn hoá vật thể và phi vật thể mang tính đặc trưng rất đa dạng, phong phú, thì rất khó phục dựng lại được! Cũng như vậy, nhiều nét văn hoá đặc trưng của đời sống thợ mỏ đang dần bị mai một, nếu không có các giải pháp gìn giữ một cách nghiêm túc, khoa học thì thật đáng tiếc!
Quảng Ninh giờ đây đã có nhà bảo tàng được xây dựng với quy mô hoành tráng, có thể đáp ứng yêu cầu thực tế lâu dài. Tuy nhiên “bảo tàng trong nhà” là một chuyện, “bảo tàng thực địa” lại là một chuyện khác. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu “bảo tàng thực địa” càng được người ta quan tâm hơn! Có làm được điều đó thì mới đáp ứng được nhu cầu “sống lại ký ức” vốn đang ngày càng trở thành một vấn đề rất đáng quan tâm của xã hội hiện đại.
Trung Luận
Ý kiến ()