Sau cánh cửa đại học
Trong nhiều gia đình có con tham dự kỳ thi năm nay, chắc chắn sẽ là muôn vàn tâm trạng khác nhau. Và không chỉ có các thí sinh mà kết quả kỳ thi còn là sự mong đợi của mỗi bậc cha mẹ.
Kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm nay, cả nước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, gần 1,5 triệu hồ sơ đăng ký dự thi Đại học (chiếm tỷ lệ 74,9%); gần 500.000 hồ sơ dự thi Cao đẳng, chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn với 25,10%.
Tại Quảng Ninh có 27.865 hồ sơ đăng ký dự thi Đại học, Cao đẳng và Trung cấp. Cũng nằm trong tình trạng chung, số hồ sơ dự thi Đại học, Cao đẳng là chủ yếu với 27.254 hồ sơ. Trong khi đó, hệ trung cấp chỉ có 611 hồ sơ đăng ký dự thi. Từ thực tế này cho thấy, dù ngành Giáo dục, tổ chức Đoàn Thanh niên duy trì tốt việc hướng nghiệp trước mùa thi thì xem ra quan niệm “đại học là con đường lớn vào đời” vẫn đang tồn tại phổ biến trong suy nghĩ. Điều này cũng lý giải vì sao chúng ta luôn phải đối mặt với tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”.
Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận thấu đáo hơn về chuyện “áp lực Đại học”. Đã có biết bao mùa thi trôi qua cùng những câu chuyện thương tâm khi có một vài trường hợp chọn giải pháp tự tử trước kết quả thi trượt Đại học. Lại có em trở thành bệnh nhân tâm thần bởi người thân không sẻ chia mà còn tạo thêm áp lực.
Còn nhớ, cách đây vài năm, trên mục Phóng sự của Báo Lao động có đăng bài của nhà báo Ngô Mai Phong với tựa đề “Một ngả vào đời” nói về sự thành đạt của một số phận không bắt đầu vào đời từ tấm bằng Đại học. Đó là cây kéo vàng Bích Hòa. Hiện chị đang là một chủ tiệm salon tóc, thẩm mỹ lớn và danh tiếng thì vượt xa địa phận Quảng Ninh.
Nhắc lại câu chuyện này chính là sự gửi gắm đến những bạn trẻ vừa rời ghế nhà trường và gia đình các em.
Ý kiến ()