![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Rầm rộ dâng sao giải hạn: 'Dịch vụ' giải hạn, giá nào cũng có
Những năm qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, thậm chí còn nhuốm màu mê tín dị đoan. Tuy nhiên, một số ngôi chùa tại Hà Nội vẫn đang tổ chức rầm rộ “dịch vụ tâm linh” này với nhiều mức giá khác nhau.
Mỗi chùa một giá
Nói về “dịch vụ” cầu an, dâng sao giải hạn, chùa Phúc Khánh (Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội) luôn là địa điểm được chú ý nhất tại Thủ đô. Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, những ngày qua, chùa Phúc Khánh luôn tấp nập người dân đến đăng ký dự lễ.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311216_74a5a3ba360aae6247a175b55a7ab4f0.jpg)
Người dân có nhu cầu đến sân chùa, nơi có nhiều người phụ nữ lớn tuổi là nhân viên nhà chùa đang ngồi đợi sẵn để phát phiếu ghi và cuốn lịch vạn sự 2025 (dùng để tra sao hạn tương ứng với tuổi). Trên phiếu ghi chỉ đề dòng chữ “Khóa lễ cầu bình an” chứ không nhắc gì tới dâng sao giải hạn.
Theo hướng dẫn của nhân viên, người dân sẽ viết tên, tuổi và sao hạn của từng thành viên trong gia đình vào phiếu, sau đó mang vào nhà nghi lễ để nộp tiền. Nếu chỉ có nhu cầu làm lễ cầu an, người dân sẽ phải đóng khoảng 100.000-200.000 đồng. Ai có nhu cầu làm lễ cầu an và dâng sao giải hạn, mức phí sẽ là 400.000-450.000 đồng. Sau khi đóng tiền xong, họ sẽ nhận được một phiếu hẹn tham dự khóa lễ cầu an vào ngày 12 tháng Giêng (tức 9/2/2025).
Khi đến chùa Quán Sứ, chúng tôi được một nhà sư chỉ đến một căn phòng nằm gần bức tượng sáp của Hòa thượng Thích Thanh Tứ (cố trụ trì chùa) để đăng ký “dịch vụ”. “Chỗ này ghi địa chỉ, chỗ này ghi tên, tuổi, còn sao thì nhà chùa sẽ tự ghi cho. Viết xong thì cậu mang ra đưa cho các sư thầy để lấy số thứ tự, sau đó vào đây đóng tiền, phí là 500.000 đồng”, một người phụ nữ lớn tuổi đưa phiếu đăng ký và hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết. Chúng tôi thắc mắc vì trên phiếu chỉ ghi là đăng ký dự lễ cầu an, cầu tài lộc. “Phiếu này đăng ký cả lễ dâng sao giải hạn luôn”, người phụ nữ lớn tuổi giải thích.
Tại chùa Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), chi phí để đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn “mềm” hơn một chút 400.000 đồng. Không như chùa Phúc Khánh hay chùa Quán Sứ, người dân sẽ trực tiếp đăng ký với các nhà sư. Trên phiếu đăng ký ghi rõ dòng chữ “lễ giải sao” chứ không thay thế bằng tên một nghi lễ khác.
Chi phí làm lễ dâng sao giải hạn tại chùa Lý Quốc Sư (Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng là 400.000 đồng. Tuy nhiên, theo một người chấp tác của nhà chùa, năm nay chùa chỉ tổ chức dâng sao giải hạn trong các ngày 3 và 5/2 vì lượng người đăng ký không nhiều như năm ngoái. “Nếu gia đình nào có nhu cầu làm riêng thì cứ đăng ký, thầy sẽ sắp xếp làm cho”, người này nói.
Dịch vụ nhuốm màu mê tín
Chia sẻ về việc làm lễ dâng sao giải hạn đầu năm mới, một số người dân cho biết, họ đăng ký vì muốn điều tốt đẹp sẽ đến với gia đình, vì sự bình an trong tâm hồn, hoặc đơn giản chỉ là vì bắt chước đám đông, chứ không hẳn do mê tín, cuồng tín.
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là muốn gia đình mình được bình yên, may mắn trong năm mới, muốn tâm mình được an nên mới đăng ký. Tôi cũng không hẳn là mê tín dị đoan hay tham gia dịch vụ tâm linh. Không ai ép mình phải làm cả”, chị Nguyễn Phương Linh, một người dân tới chùa Phúc Khánh đăng ký làm lễ dâng sao giải hạn cho biết.
Anh Nguyễn Quang Vinh (Đống Đa) năm nào cũng đi làm lễ cầu an, giải hạn cho gia đình tại chùa Kim Liên, dù có những năm không thành viên nào bị sao xấu “chiếu mệnh”. Anh quan niệm có thờ có thiêng, có kiêng có lành. “Tất nhiên cầu an, giải hạn không giúp người ta tránh hết được khó khăn, nhưng tôi nghĩ có tâm làm lễ vẫn tốt hơn là không làm gì. Nhiều người khác cũng làm nên tôi thấy chuyện này bình thường, không có gì nghiêm trọng , anh Vinh nói.
Tuy nhiên, một số người đi lễ không ủng hộ làm lễ dâng sao giải hạn. Anh Trần Quang Hưng sống trong ngõ Thịnh Quang, cách chùa Phúc Khánh không xa bày tỏ: “Lễ cầu an thì được, chứ đừng đăng ký làm dâng sao giải hạn, cái đó không chuẩn đâu”. Anh cho rằng, nếu muốn cuộc sống được bình an bản thân phải biết sống thiện lành, tích đức, tích phước, chứ không phải qua một nghi lễ mà có thể tránh được xui xẻo, khó khăn. “Sự bình an là do tự bản thân tìm kiếm chứ không thể bỏ tiền ra làm dịch vụ mà có được”, anh Đinh Thái Sơn, một người dân đi lễ đầu năm tại chùa Quán Sứ chia sẻ.
Những năm vừa qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần khẳng định cúng sao, dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, không có trong giáo lý nhà Phật. Thượng tọa, TS. Thích Thanh Tuấn, Chánh Văn phòng T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng lên tiếng rằng, dâng sao giải hạn là hiện tượng sùng bái quá mức, mê tín dị đoan, không có trong giáo lý đạo Phật.
Trong công điện gửi các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ,… tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Dù Thủ tướng Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu các cơ sở tôn giáo như đền, chùa ngừng tổ chức dâng sao giải hạn, nhưng tại những ngôi chùa lớn ở Hà Nội, nghi lễ này vẫn được tổ chức và thu hút đông đảo người dân đăng ký.
Ý kiến ()