Đảm bảo nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong lễ hội xuân
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 09, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, nhân dân và khách du lịch trong tổ chức và tham dự các lễ hội. Đặc biệt, với cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, Thủ tướng quán triệt phải thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về tổ chức và tham dự lễ hội; tuyệt đối không tổ chức và tham dự các lễ hội tràn lan, lãng phí; nhất là lợi dụng để tác động, hoạt động mê tín dị đoan…
Là địa phương có nhiều lễ hội xuân, đây cũng là nội dung Quảng Ninh nghiêm túc chỉ đạo, thực hiện ngay từ trước, trong và sau Tết. Tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức lễ hội xuân đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính; không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định cho hoạt động lễ hội, vui chơi..., không tham gia các hoạt động mê tín dị đoan. Lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Quảng Ninh hiện có hơn 100 lễ hội, trong đó gần 80 lễ hội truyền thống với nhiều lễ hội diễn ra vào mùa xuân. Điển hình là ngày 2/2 (mùng 5 tháng Giêng), tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia miếu Tiên Công, xã Cẩm La (TX Quảng Yên), đã diễn ra khai hội lễ hội Tiên Công năm 2025, kỷ niệm 591 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434 – 2025). Đây là lễ hội Xuân đặc sắc lớn nhất vùng đảo Hà Nam được tổ chức nhằm tưởng nhớ các vị Tiên Công đã có công khám phá, khai khẩn và lập nên hòn đảo này. Lễ hội diễn ra trong ba ngày từ 2/2 đến 4/2 (từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian phong phú.
Ngay sau Lễ hội Tiên Công, chùa Ba Vàng, TP Uông Bí tổ chức “Lễ Khai Pháp - Đàn Dược Sư xuân Ất Tỵ 2025” vào mùng 8 Tết, tức ngày 5/2/2025. Và đến ngày mồng 9 Tết, như thông lệ, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp với UBND TP Đông Triều tổ chức Lễ khai hội Xuân Ngọa Vân năm 2025. Đặc biệt, ngày mùng 10 Tết, Lễ hội Xuân Yên Tử - một trong những lễ hội xuân lớn và kéo dài nhất cả nước - sẽ chính thức khai hội tại TP Uông Bí.
Ngoài ra, từ Tết Nguyên đán đết hết tháng 3 âm lịch, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều lễ hội xuân như: Lễ hội chùa Quỳnh Lâm, Lễ hội Thái Miếu (TP Đông Triều), Lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), Lễ hội chùa Cái Bầu (Vân Đồn), Lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu); Lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái), Lễ hội đình Đầm Hà (Đầm Hà)...
Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo các lễ hội xuân năm 2025 trên địa bàn diễn ra trang trọng, đúng nghi thức, vui tươi, lành mạnh, Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội. Các mặt công tác về đảm bảo ATTP, ATGT, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự... đều được tỉnh và các địa phương, các ngành liên quan chỉ đạo chặt chẽ và triển khai thực hiện nghiêm túc.
Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong lễ hội xuân; hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi về tâm linh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; không để các đối tượng lợi dụng tuyên truyền, kích động tụ tập đông người, gây phức tạp về an ninh trật tự.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội để trục lợi, tác động tiêu cực, nhất là tại các địa phương diễn ra nhiều hoạt động lễ hội, thu hút đông đảo nhân dân tham dự.
Ngay sau khi có Công điện số 09 của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh tiếp tục tăng cường các mặt công tác, bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội xuân năm 2025. Qua đó, giữ gìn nét đẹp văn hóa tinh thần, xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các địa phương nơi diễn ra các lễ hội xuân, đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch hàng đầu cả nước.
Ý kiến ()