![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Rộn ràng lễ hội đầu xuân
Lễ hội đầu xuân là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Tại Quảng Ninh, với đặc trưng có nhiều di tích, đền chùa, miếu mạo, nhiều lễ hội xuân đặc sắc đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách đến chiêm bái, thưởng ngoạn. Các lễ hội xuân được các địa phương trong tỉnh gìn giữ, phát huy tạo thành những nét riêng, hấp dẫn nhân dân, du khách từ khắp mọi miền đất nước.
Đa sắc hội xuân
Quảng Ninh có hàng trăm di tích, lễ hội đặc sắc diễn ra chủ yếu vào mùa xuân, đã và đang thu hút đông đảo người dân, du khách. Ngày 2/2 (mồng 5 tháng Giêng), tại Di tích lịch sử, văn hóa quốc gia miếu Tiên Công (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) đã khai hội Lễ hội Tiên Công năm 2025, kỷ niệm 591 năm các Tiên Công khai canh, mở đất vùng đảo Hà Nam (1434-2025). Đây là một trong những lễ hội xuân mở đầu cho chuỗi các lễ hội xuân tại Quảng Ninh và là lễ hội xuân đặc sắc lớn nhất vùng đảo Hà Nam được tổ chức nhằm tưởng nhớ các vị Tiên Công đã có công khám phá, khai khẩn và lập nên hòn đảo này.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310676_2309829_le_hoi_tien_cong_15_10520704_13160606.jpg)
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310677_2309827_le_hoi_tien_cong_13_10514804_13163506.jpg)
Lễ hội Tiên Công năm 2025 diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi từ ngày 2 đến ngày 4/2 (từ mồng 5 đến mồng 7 tháng Giêng) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian phong phú. Đặc biệt, trong mồng 7 (ngày chính hội) đã diễn ra nghi lễ rước cụ Thượng bằng kiệu võng đào lên miếu Tiên Công, mang đậm nét văn hóa Thăng Long nơi cửa biển. Lễ hội Tiên Công năm nay có 3 đoàn rước tập thể để rước các cụ Thượng thọ tròn 80, 90 và 100 tuổi của 3 xã, phường Yên Hải, Phong Cốc và Phong Hải được các con các cháu rước trên võng đào, ra miếu Tiên Công làm lễ tế các bậc tiên tổ trong lễ hội độc đáo tôn vinh nét đẹp văn hóa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người dân vùng cửa biển Bạch Đằng…
Ông Dương Văn Mùi (95 tuổi, quê ở xã Quảng La, TX Quảng Yên), phấn khởi cho biết: Tôi lên Thái Nguyên sinh sống với con cháu, nhưng cứ dịp lễ hội Tiên Công hằng năm tôi lại trở về quê hương tham dự. Sức khỏe vẫn tốt nên năm nay tôi được con cháu rước bộ dẫn lễ lên miếu Tiên Công, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các vị Tiên Công và cũng để cầu mong sức khỏe, bình an cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Thời tiết những ngày diễn ra lễ hội khá đẹp, nên rất thuận lợi cho nhân dân, du khách tham gia.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310680_z6292549361018_b01c23b65fd0d2ce77f8bf8d319d0fea_13252506.jpg)
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310675_2309816_le_hoi_tien_cong_2_10495704_13142606.jpg)
Ngày 3/2 (mồng 6 tháng Giêng), tại đền Cặp Tiên (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) huyện Vân Đồn và TP Cẩm Phả phối hợp tổ chức Lễ khai hội đền Cặp Tiên năm 2025. Đây là năm thứ hai Ban Tổ chức đưa diễn tích "Cô bé Cửa Suốt" gắn với truyền thuyết về đền Cặp Tiên diễn trong lễ khai hội.
Lễ hội đã diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động, góp phần lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân về lòng thành kính, biết ơn công lao của các bậc tiền nhân, tổ tiên, cha ông mình; đồng thời phát huy giá trị văn hoá, lịch sử của di tích trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng văn hoá, con người giàu bản sắc Quảng Ninh, góp phần tạo nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển bền vững…
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310669_2310668_z6291944993197_4dda3959c4ee72565e2c11a8e1680355_13060306_13063606.jpg)
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương trong tỉnh đã liên tiếp khai hội lớn. Trong ngày 6/2 (mồng 9 tháng Giêng), TP Đông Triều cũng đã khai Hội xuân Ngọa Vân 2025 và hội sẽ diễn ra đến hết tháng 3 âm lịch. Ngọa Vân là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Năm nay, phần lễ diễn ra với nghi lễ cầu quốc thái dân an, gióng trống, thỉnh chuông khai hội; lễ dâng hương tại am - chùa Ngọa Vân, là thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật.
Mặc dù thời tiết giá lạnh và mưa nhỏ, tuy nhiên lễ hội đã thu hút đông người dân, du khách đến chiêm bái trảy hội. Bà Lê Thị Trúc (tỉnh Nam Định) cho biết: Hội xuân Ngọa Vân trong ngày khai hội rất đông người tham gia, tuy nhiên mọi thứ được chuẩn bị rất chu đáo, quy củ, xe cộ, giao thông và văn minh lễ hội được đảm bảo. Tại đây, chúng tôi được hòa mình vào những hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian độc đáo, được tham quan nơi trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu biểu của TP Đông Triều…
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310671_z6292223321448_c163f021fc5e66c6b45f848f08e40b6b_13064906.jpg)
Hội xuân Yên Tử (TP Uông Bí) cũng tổ chức khai hội ngày 6/2 (mồng 9 tháng Giêng). Đây là lễ hội lớn trong cả nước và lớn nhất trong các lễ hội ở Quảng Ninh, kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân. Ngoài các hoạt động tâm linh, Hội xuân Yên Tử còn hấp dẫn bởi không gian văn hóa đặc sắc với các trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhạc cụ dân tộc; múa rồng, lân; trải nghiệm ẩm thực, văn hóa của cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…
Tết Nguyên đán và những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025 thời tiết khá đẹp, các nơi thờ tự, tâm linh trong tỉnh ghi nhận lượng lớn nhân dân, du khách đến chiêm bái, vãng cảnh, như: Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), đền An Sinh (TP Đông Triều), chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn), đền Xã Tắc (TP Móng Cái)… Đặc biệt, ở khu vực miền Đông của tỉnh, nơi tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống, các lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa riêng, điển hình như Lễ hội đình Lục Nà - một trong số các lễ hội lớn nhất ở Bình Liêu khi vào xuân, sẽ diễn ra vào ngày 16-17 tháng Giêng. Cùng với các nghi lễ truyền thống, lễ hội này tổ chức lồng ghép với các hoạt động vui xuân như giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu các môn thể thao dân tộc… góp phần gắn kết cộng đồng.
Nhiều địa phương trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, vì vậy những ngày xuân sẽ tổ chức các lễ hội đặc sắc. Điển hình như tại xã Hải Đông (TP Móng Cái) đã diễn ra Ngày hội xuống đồng sản xuất vụ xuân năm 2025. Ngày hội với không khí lao động hồ hởi, thể hiện khát vọng của người dân cầu mong khoẻ mạnh, cuộc sống no đủ, vạn vật sinh sôi.
Đây là một trong những hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, cổ vũ, đề cao vai trò của lao động sản xuất nông nghiệp trong đời sống nhân dân, góp phần phát triển nông thôn bền vững, gắn với quá trình đô thị hóa theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ngay tại lễ hội, nông dân xã Đông Hải đã xuống đồng làm đất, gieo hạt sản xuất vụ xuân, đồng thời thu hoạch cây khoai tây vụ đông.
Cũng dịp này, các xã, phường nông nghiệp trên địa bàn TP Móng Cái cũng đồng loạt tổ chức Ngày hội xuống đồng với mong ước mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu…
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310673_z6283177719686_7f8fe610d88e668db657c27ee8ebb4c7_13075806.jpg)
Còn tại TX Quảng Yên cũng vừa diễn ra lễ hội cầu ngư tại Cảng cá Bến Giang (phường Tân An). Lễ hội có ý nghĩa phát động xuất hành khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đầu xuân; động viên ngư dân thi đua lao động sản xuất, khơi dậy truyền thống, phong tục tập quán và những nét riêng của nhân dân làm nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên địa bàn. Với ngư dân, lễ hội cầu ngư là một hoạt động văn hoá tâm linh quan trọng, cầu cho mưa thuận gió hoà, để ngư dân ra khơi khai thác và nuôi trồng thủy sản được mùa tôm cá. Ngay sau lễ, hàng trăm con tàu, thuyền đang neo đậu chờ thời điểm trước khi xuất hành ra khơi.
Ông Phạm Phúc Trực (khu 2, phường Tân An, TX Quảng Yên) cho biết: Lễ hội Cầu Ngư là một trong 4 lễ hội lớn của TX Quảng Yên. Đây cũng là năm thứ 15 liên tiếp lễ hội được tổ chức, trở thành sản phẩm văn hóa tín ngưỡng thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia. Từ đây, tạo không khí vui tươi, phấn khởi để nhân dân bắt tay vào sản xuất lĩnh vực thế mạnh của địa phương. Đã thành thông lệ, cứ mồng 6 tháng Giêng, bà con ngư dân xuất hành ra sông bám biển để sản xuất…
Đảm bảo an toàn, an ninh lễ hội
Đầu xuân, các điểm di tích, danh thắng, du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh thu hút đông du khách về tham quan, trẩy hội, lễ đền chùa. Để đảm bảo an toàn, an ninh lễ hội, các lực lượng chức năng của tỉnh đã chủ động công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo an toàn, không để xảy ra mất ANTT, PCCN, vi phạm trong kinh doanh, dịch vụ…
Tại các đền, chùa trên địa bàn tỉnh những ngày đầu xuân, trung bình đón hàng nghìn nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái, vãng cảnh. Lực lượng chức năng trong tỉnh như an ninh, QLTT... chủ động bám địa bàn, tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm bắt phản ánh, khiếu nại của nhân dân, du khách.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310674_z6286241971089_2e623bb5ddf86ff951e6fbff9418ff7a_13114306.jpg)
Trung tá Nguyễn Việt Hà (Công an xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) cho biết: Công an xã được phân công làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn, an ninh tại khu vực đền Cặp Tiên. Để đảm bảo cho nhân dân du xuân an toàn, tổ công tác gồm đại diện Công an huyện, Công an xã, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở làm nhiệm vụ phân luồng giao thông và bố trí an toàn đỗ xe tại bãi, đảm bảo ANTT. Trong các ngày Tết và đầu xuân mới, lượng khách đến chiêm bái tại đền rất đông, tuy nhiên tình hình ANTT luôn được đảm bảo, không xảy ra tình trạng mất trật tự, trộm cắp, gây rối, đảm bảo được nhu cầu lễ chùa đầu xuân của người dân.
Theo ông Nguyễn Duy Thanh, Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông - Cặp Tiên, Ban Quản lý đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai các phương án đảm bảo an toàn và văn minh lễ hội đầu năm cho người dân. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các vấn đề về ANTT, PCCC, phân luồng giao thông… tạo không khí an tâm, an yên cho người dân đến chiêm bái.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310679_2309789_cong_an_huyen_van_don_trien_khai_luc_luong_thuc_hien_nhiem_vu_bao_dam_antt_tai_den_cap_tien_09120704_13203506.jpg)
Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trực tiếp kiểm tra, đôn đốc việc triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT, ATGT dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội xuân. Lực lượng công an các địa phương trong tỉnh duy trì nghiêm công tác tuần tra kiểm soát 24/7, xử lý những hành vi vi phạm trật tự ATGT, đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân, du khách, nhất là tại các điểm tâm linh, lẽ hội xuân, khu vực tập trung đông người…
Lực lượng công an các địa phương đã phối hợp với ban quản lý các di tích làm tốt công tác tuyên truyền về những tình huống đảm bảo ANTT, ATGT, văn minh lễ chùa. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hệ thống dây điện, cách sắp xếp, bảo quản bình chữa cháy, bố trí khu vực đốt vàng mã, nhắc nhở cơ sở thực hiện tốt công tác chủ động phòng ngừa. Bình chữa cháy được đặt ở nơi dễ quan sát, nhất là gần những khu vực có thắp hương. Khu vực đốt vàng mã đều có biển chỉ dẫn rõ ràng và cách xa khu vực thờ tự. Ban quản lý các di tích liên tục phát thông báo trên loa phát thanh trong di tích, cũng như bố trí các nội quy, quy định để nhắc nhở nhân dân và du khách không thắp hương, đốt nến trong tất cả các nơi thờ tự. Người dân đi du xuân, chiêm bái đầu năm cơ bản chấp hành nội quy quy định của đền, thực hiện nghiêm việc thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định, xây dựng nếp văn minh trong chiêm bái, lễ chùa đầu xuân.
Trung tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó Trưởng Công an TX Quảng Yên, cho biết: Ngay từ trước Tết, Công an thị xã đã bố trí tổng vệ sinh tất cả phương tiện, trang thiết bị PCCC và bố trí đầy đủ lực lượng, phương tiện theo xe. Đồng thời, tổ chức thường trực 24/24h để đảm bảo sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời những sự cố cháy nổ, tai nạn xảy ra trên địa bàn, phục vụ cho người dân vui xuân, đón Tết an toàn.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310678_2309650_cong_an_tx_quang_yen_kiem_tra_cong_tac_dam_bao_an_toan_pccc_tai_khu_di_tich_lich_su_quoc_gia_dac_biet_bach_dang_tx_quang_yen_06393004_13192806.jpg)
Chị Hoàng Thanh Huyền (phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả) chia sẻ: Tôi đi lễ đầu xuân tại nhiều nơi trong tỉnh, nhìn chung những năm gần đây người dân và du khách đến các nơi thờ tự, di tích chiêm bái đều có ý thức, trách nhiệm cao trong công tác bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, đi lại trật tự. Nhiều đoàn chỉ cử đại diện một người làm lễ, dâng hương...
Đi lễ chùa đầu xuân không chỉ là một hành trình tâm linh, mà còn là cách để mỗi người làm giàu thêm đời sống tinh thần, tạo động lực khởi cho một năm mới ý nghĩa và bình an. Tại các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh những ngày đầu xuân Ất Tỵ 2025 cơ bản không có tình trạng chen lấn, xô đẩy; hành vi xả rác bừa bãi, bán hàng lộn xộn, hay chèo kéo du khách… đã được kiểm soát tốt, tạo tâm lý thoải mái, an tâm cho người dân, du khách khi tới lễ chùa đầu năm.
Dự báo từ nay đến hết tháng Giêng, tại các điểm di tích trên địa bàn tỉnh mỗi ngày đều tập trung lượng lớn người dân và du khách, nhất là trong thời gian diễn ra các lễ hội đầu xuân, việc giữ vững ANTT, đảm bảo lễ hội an toàn, lành mạnh, góp phần quan trọng để quảng bá nét đẹp văn hóa của Quảng Ninh đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ý kiến ()