Ngày 5/2, Bộ Y tế khuyến cáo như trên khi nhiệt độ 25 tỉnh thành xuống dưới 15 độ C, trong đó đỉnh núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn) cao 1.600 m rét nhất chỉ hơn 2 độ C.
Trời rét hại khiến người dân gặp các vấn đề sức khỏe như cảm lạnh, hen suyễn, viêm phổi, cúm, đột quỵ hoặc ngộ độc khí than do sử dụng bếp than để sưởi ấm. Nguyên nhân là tiếp xúc quá lâu với môi trường lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột, dẫn đến những phản ứng không mong muốn của cơ thể.
Các nhóm nguy cơ cao nhất bao gồm người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, hen suyễn, cơ xương khớp, và những người lao động ngoài trời trong điều kiện lạnh giá thiếu ánh sáng mặt trời.
Để bảo vệ sức khỏe, Bộ Y tế nhấn mạnh người dân, nhất là trẻ em và người già, cần hạn chế ra đường khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 21h đến 6h hôm sau. Khi phải ra ngoài, cần mặc đủ trang phục giữ ấm, tránh gió lùa với các loại áo khoác dày, khăn quàng cổ, mũ, găng tay, tất, khẩu trang. Cơ thể cần được giữ khô ráo, tránh ẩm ướt, đặc biệt là các vùng nhạy cảm như cổ, tay, chân.
Ngoài ra, thói quen tắm khuya sau 22h cần được loại bỏ vì nguy cơ sốc nhiệt rất cao, dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Việc tắm nên được thực hiện ở nơi kín gió với nước ấm trong thời gian hợp lý để đảm bảo an toàn.
Bộ Y tế cũng lưu ý người dân tuyệt đối không uống rượu bia, đặc biệt ở vùng núi. Uống rượu không giúp giữ ấm mà ngược lại, làm co thắt mạch máu, gây tăng huyết áp, dẫn đến nguy cơ đột quỵ hoặc tử vong. Các loại thức uống chứa caffein và chất kích thích cũng nên được hạn chế.
Trong ăn uống, người dân cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất cơ bản như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Việc bổ sung vitamin A, C trong bữa ăn hàng ngày là rất cần thiết để tăng cường sức đề kháng chống lại thời tiết lạnh giá. Hạn chế ăn đồ lạnh hoặc thực phẩm vừa lấy ra từ tủ lạnh nhằm tránh cơ thể bị nhiễm lạnh.
Ý kiến ()