![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Không chủ quan với rét đậm, rét hại
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, khoảng gần sáng và sáng 7/2, khối không khí lạnh rất mạnh từ phương Bắc sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến khu vực phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4, có nơi có gió giật cấp 6.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2311011_cham_soc_minh_thanh0702_10560607.jpg)
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ ngày 7/2, miền Bắc trời chuyển rét đậm, rét hại, kéo dài khoảng 3-4 ngày. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá; nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 9-12 độ C, vùng núi từ 5-8 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 2 độ C. Ở vịnh Bắc Bộ khu vực Bắc, giữa và Nam Biển Đông, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Trước đó, tính riêng tháng 1/2025, nước ta đã đón 3 đợt không khí lạnh vào các ngày: 9, 14 và 26. Trong đó, đáng lưu ý đợt không khí lạnh ngày 26/1 đến đầu tháng 2 đã gây rét đậm, rét hại diện rộng tại các khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, một số nơi tại Hà Giang và Lào Cai đã xuất hiện mưa tuyết.
Tuy nhiên, so với mọi năm, năm nay thời tiết rét đến khá muộn, chưa có đợt rét đậm kéo dài. Chính vì vậy, người dân thường có tâm lý chủ quan trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân cũng như chăm sóc vật nuôi, cây trồng.
Theo Bộ Y tế, vào mùa lạnh có thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe thường gặp là: Cảm lạnh, hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cúm, đột quỵ, ngộ độc khí than do sưởi ấm, đun nấu… Nguyên nhân chủ yếu là do phải tiếp xúc quá lâu hoặc làm việc trong môi trường lạnh hoặc cũng có thể do thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột.
Cũng theo Bộ Y tế, thời tiết tại nước ta hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp lây lan. Trong khi đó, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở một số quốc gia ở bắc bán cầu đã tăng lên trong thời gian gần đây và vượt qua mức cơ sở theo mùa thông thường.
Đối với nông nghiệp, không khí lạnh gây ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như sương mù, dông, sét và băng giá, sương muối… ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng. Đặc biệt, tình trạng sương mù có thể gây ảnh hưởng đến khả năng quan sát, tăng nguy cơ va chạm trong các hoạt động lưu thông. Cùng với đó, không khí lạnh còn có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền.
Bởi vậy, người dân phải luôn cảnh giác với rét đậm, rét hại để bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ vật nuôi, hoa màu, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Trong đó, chủ động theo dõi sát tình hình và dự báo thời tiết, thực hiện phòng chống rét an toàn, hiệu quả, đặc biệt chú ý chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế... (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng chống cháy nổ khi sưởi ấm; khám chữa bệnh kịp thời…
Người nông dân có biện pháp chống rét cho các diện tích mạ xuân, không gieo trồng trong những ngày giá rét, nhiệt độ xuống thấp; không chăn thả, không cho trâu, bò cày bừa khi xảy ra rét đậm, rét hại, đồng thời chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh cũng như thức ăn tinh cho gia súc, đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc.
Các địa phương cần khuyến cáo người dân tuân thủ theo hướng dẫn từ cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn trong hoạt động vượt khơi bám biển. Đặc biệt là theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo để thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Ý kiến ()