TX Quảng Yên: Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trong bối cảnh Quảng Yên đang trở thành động lực phát triển kinh tế quan trọng của Quảng Ninh, chính quyền thị xã đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo nguồn lao động có trình độ, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển KT-XH và hội nhập.
Quảng Yên là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt với sự hình thành và mở rộng của các KCN, CCN và cảng biển. Điều này đòi hỏi một lực lượng lao động chất lượng cao không chỉ về chuyên môn, mà còn về kỹ năng làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại.
Theo thống kê, TX Quảng Yên hiện có khoảng 86.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 14.000 người đang làm việc tại các KCN. Để đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao, chính quyền thị xã đã tập trung vào đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp và phát triển nguồn nhân lực theo hướng phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Trưởng Phòng Nội vụ TX Quảng Yên cho biết: Thị xã đã dành ngân sách đáng kể để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hiện tại, tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ, đại học ngày càng tăng. Thị xã cũng triển khai các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo và thẩm định giá, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. Riêng ngành giáo dục thị xã, mục tiêu năm 2025 đội ngũ giáo viên sẽ đạt chuẩn.
TX Quảng Yên đã xây dựng và triển khai các kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Trong năm 2024-2025, UBND thị xã đã tổ chức các khóa đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn, ngư dân, người khuyết tật, phụ nữ cũng như các nhóm đối tượng ưu tiên khác. Các chương trình đào tạo bao gồm: Kỹ thuật chế biến món ăn và phục vụ, tiếng Trung thương mại và du lịch, các ngành nghề phục vụ công nghiệp phụ trợ, logistic, chế biến thực phẩm. Theo kế hoạch, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm ổn định sẽ đạt tối thiểu 80%. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ học phí, chi phí đào tạo và cấp chứng chỉ nghề nghiệp đã được áp dụng để khuyến khích người lao động tham gia.
Là địa phương có số lượng lớn lao động làm việc trong các KCN, thị xã cũng tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài địa phương để gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng. Các chương trình đào tạo theo vị trí việc làm được triển khai, giúp lao động sau đào tạo có thể làm việc ngay tại doanh nghiệp. Các ngành nghề trọng điểm được ưu tiên gồm công nghiệp chế biến, lắp ráp, điện tử, dịch vụ cảng biển và logistic.
Cùng với đó, tại các doanh nghiệp trong KCN việc đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động cũng đặc biệt được quan tâm. Điển hình như Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam) tại KCN Sông Khoai, thường xuyên cử lao động sang nước ngoài đào tạo chuyên sâu, học tập công nghệ mới. Các lao động vào làm việc được đào tạo 20-30 ngày về nội quy lao động, an toàn vệ sinh lao động, thao tác của từng vị trí việc làm…
Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học nghề và nâng cao trình độ chuyên môn, thị xã đã tổ chức nhiều hội nghị, chương trình tư vấn hướng nghiệp, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, mạng xã hội và các kênh truyền thông địa phương. Đồng thời, thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ tài chính, đặc biệt là miễn giảm học phí cho học sinh học nghề, hỗ trợ tiền ăn và kinh phí đào tạo cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tham gia vào quá trình đào tạo và tuyển dụng, đảm bảo đầu ra cho lao động sau khi tốt nghiệp.
Nhờ những giải pháp đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực tại Quảng Yên đã có những chuyển biến tích cực. Đến năm 2025, mục tiêu của thị xã là nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 80%; đảm bảo ít nhất 40% số lao động nữ được hỗ trợ học nghề; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm.
Ý kiến ()