20
18
/
983539
Quảng Ninh từ "nâu" sang "xanh"
longform
Quảng Ninh từ "nâu" sang "xanh"

 

Kế thừa những thành tựu đạt được sau hơn 30 năm đổi mới; thực hiện các định hướng trọng tâm đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; các nghị quyết, kết luận, chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương có liên quan đến Quảng Ninh; Quảng Ninh xác định, phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Qua đó, để dần giảm bớt việc dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn và tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hoá, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển, trên cơ sở định vị được tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển của địa phương đặt trong bối cảnh khu vực, quốc gia, quốc tế.

Để tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện, mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh đã được đưa ra bàn và nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cũng như của nhân dân trong tỉnh tại các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (2010-2015), Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2015-2020). Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã nhấn mạnh: Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc và cả nước...

Đặc biệt, tỉnh đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Riêng trong phát triển du lịch dịch vụ, Tỉnh ủy đã ban hành 2 nghị quyết quan trọng, được coi là những nghị quyết then chốt cho sự phát triển du lịch dịch vụ của địa phương theo hướng lâu dài, bền vững. Đó là Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành năm 2012); Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển dịch vụ tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 (ban hành năm 2016).

Những quan điểm, nghị quyết, chỉ thị liên quan đến tăng trưởng xanh của Quảng Ninh đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Đảng và thực tiễn địa phương, Quảng Ninh đã sáng tạo những cách làm mới, mô hình mới, thậm chí là chưa có trong tiền lệ ở Việt Nam. Qua đó, khẳng định sự đúng đắn trong công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị địa phương; nâng cao hiệu quả công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng...

Những nỗ lực của Quảng Ninh đã được lãnh đạo Nhà nước, Trung ương đánh giá cao. Tại lễ khai trương Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và thông tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (ngày 30/12/2018), trong bài phát biểu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng, không chỉ chuyển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” mà còn phát triển các loại hình sản xuất, dịch vụ để đưa Quảng Ninh thành tỉnh đóng góp ngân sách trung ương đứng thứ 4 cả nước.

Tầm nhìn chiến lược của Quảng Ninh là tạo bước phát triển đột phá, trở thành địa phương đi đầu trong cả nước đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển toàn diện sau năm 2020.

Dưới ánh sáng của Nghị quyết dẫn đường, Quảng Ninh đã từng bước tiến gần tới mục tiêu tăng trưởng xanh. Tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh đã tăng từ 39,3% năm 2010 lên 44,8% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 là 48%; công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 49,2% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn 47%; nông nghiệp giảm từ 8,7% năm 2010 xuống còn 6% năm 2018, dự kiến đến năm 2020 còn 5%.

Thu ngân sách từ khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong tổng thu nội địa (năm 2016 chiếm 14,2%, năm 2017 chiếm 16,3%, năm 2018 chiếm 18,9%); thu từ du lịch cũng có xu hướng tăng trong thu nội địa (năm 2016 chiếm 6,5%, năm 2017 chiếm 7,6%, năm 2018 chiếm 9%). Giá trị sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng tốt: Giai đoạn 2011-2015 là 7,3%/năm; giai đoạn 2016-2018 là 9,8%/năm; dự kiến giai đoạn 2016-2020 là 10%/năm. Đồng thời, tỉnh đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với hình thành các vùng sản xuất chuyên canh có quy mô lớn, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại, hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài tỉnh...

Lấy du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành “công nghiệp không khói” bằng nhiều giải pháp, như phát triển hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào du lịch, chính sách đầu tư cởi mở... đã tạo đà cho du lịch phát triển mạnh mẽ. Đến nay tổng số khách du lịch đến tỉnh đạt trên 12,2 triệu lượt; tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2016-2018 đạt 42.800 tỷ đồng. Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 8,8%/năm; giai đoạn 2016-2018 là 11,9%/năm; dự kiến giai đoạn 2016-2020 đạt 13,1%/năm. Thu ngân sách từ hoạt động du lịch trong cơ cấu thu nội địa từ 2,8% năm 2012 lên 9% năm 2018.

Vấn đề môi trường được quan tâm, xử lý theo hướng bền vững hơn. Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành xử lý 100% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 100% các khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 80% nước thải từ hoạt động khai thác than đã được xử lý, hầu hết các bãi thải mỏ không còn hoạt động đã được hoàn nguyên môi trường. Hiện tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải ở đô thị đạt 90%...

Quảng Ninh đã bắt đầu gặt hái những “trái ngọt” từ sự quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ chưa bền vững sang bền vững. Ngày càng có nhiều sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí độc đáo do các nhà đầu tư tên tuổi, thương hiệu lớn đầu tư trong những năm qua, góp phần tạo nên diện mạo mới đẳng cấp, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước, như: Khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Hạ Long Bay Resort; tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Halong Complex; Quần thể FLC Hạ Long với hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf đẳng cấp; khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu...

Quảng Ninh cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có những nhà đầu tư tầm cỡ. Đến nay, tỉnh đã thu hút được vốn đầu tư từ trên 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 120 dự án FDI còn hiệu lực pháp lý với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,5 tỷ USD. Những dự án lớn trị giá lên tới hàng nghìn tỷ đồng ngày một xuất hiện nhiều hơn ở tỉnh đến từ các nhà đầu tư hàng đầu trong nước, như Sun Group, Vingroup, FLC, BIM Group, Tuần Châu... cùng với đó là hiện diện của các tập đoàn lớn trên thế giới, như Wyndham, Starwood, ISC Corp, Amata, Nakheel, Hilton.

Những thành quả đó là kết tinh từ sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng cao của nhân dân, vì mục tiêu để lại những di sản, những giá trị nhân văn bền vững cho mai sau.

Đặng Nhung

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu