
ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, ngày 14/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận tại hội trường đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị trong nội dung luật cần ghi là “khu vực hải đảo” thay vì “hải đảo” trong đơn vị hành chính cấp xã. Theo đại biểu, đất nước ta có hơn 3.260km đường bờ biển và hàng nghìn đảo lớn nhỏ, giữ vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, ngoại giao và môi trường. Khu vực hải đảo là khu vực bao gồm các đảo và quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, các đơn vị hành chính được tổ chức trên đảo, vùng biển bao quanh đảo thuộc phạm vi quản lý hành chính, kinh tế, quốc phòng. Khu vực hải đảo có vai trò rất quan trọng là chiến lược quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế biển; bảo tồn sinh thái - đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, giáo dục biển đảo. Như vậy có thể hiểu là khu vực hải đảo là chỉ đến một vùng không gian rộng lớn hơn gồm cả: Đảo, vùng biển, vùng bờ đối với các đảo ven bờ gần sát và đơn vị hành chính. Vì vậy tại khoản 2, điều 1, quy định về Đơn vị hành chính cần điều chỉnh lại là: Đơn vị hành chính trực thuộc cấp tỉnh gồm: Xã, phường, đặc khu tại khu vực hải đảo (sau đây gọi chung là cấp xã).
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, theo quy định tại dự thảo luật ghi: "HĐND làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số; UBND hoạt động theo chế độ tập thể UBND kết hợp với đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND". Đây là nguyên tắc chủ đạo, đang được quy định và áp dụng. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, cần tăng cường vai trò cá nhân người đứng đầu. Đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp, cần quyết định nhanh; trong quản lý hành chính, dịch vụ công, chủ tịch UBND cần có thẩm quyền phân công, kiểm tra và xử lý kịp thời, không bị “lệ thuộc” hoàn toàn vào tập thể. Vì vậy, cần rõ hơn phạm vi, thẩm quyền của chủ tịch UBND, phân định minh bạch trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể; tăng cơ chế kiểm soát và đánh giá công vụ cá nhân, nhằm nâng cao hiệu quả điều hành và quản trị công.
Tại khoản 5 Điều 16 về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp tỉnh, đại biểu đề nghị xem xét quy định: "Quản lý ngân sách địa phương, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính, tài sản công được giao theo quy định của pháp luật” theo hướng giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND để bảo đảm linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành công việc chung của UBND, do các nội dung liên quan đến ngân sách đều được đưa ra HĐND xem xét quyết nghị, Đảng ủy UBND cho ý kiến.

Tại khoản 3, điều 17 và khoản 3, điều 18, bổ sung việc đẩy mạnh ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND cho các sở ngành, giám đốc sở, ngành chuyên môn, không chỉ ủy quyền cho UBND, Chủ tịch UBND cấp xã như dự thảo nêu. Theo đại biểu, hiện nay Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã thực hiện việc uỷ quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho giám đốc các sở, ngành. Tuy nhiên việc quy định cụ thể trong luật sẽ bảo đảm cụ thể, chi tiết, vừa góp phần thúc đẩy yêu cầu về phân cấp, phân quyền theo quy định hiện nay.
Tại Điều 21 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND xã, đại biểu nêu rõ hiện nay dự thảo chưa có quy định giao thẩm quyền cho HĐND cấp xã được ban hành các chế độ, nội dung chi, mức chi cho các hoạt động của HĐND cấp xã. Nhất là trong bối cảnh cấp xã sẽ được bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện trong thời gian tới. Việc xem xét bổ sung thêm thẩm quyền cho HĐND cấp xã là cần thiết, cũng khắc phục hạn chế trong giai đoạn vừa qua HĐND cấp tỉnh ở các địa phương ban hành chế độ, nội dung chi, mức chi cho hoạt động của HĐND cấp huyện và HĐND cấp xã. Tuy nhiên, việc quy định như vậy cũng có trường hợp không thể bao quát hết các vấn đề của địa phương; hạn chế quyền chủ động trong ban hành chính sách của HĐND cấp xã.
Ý kiến ()