20
18
/
968928
Quảng Ninh khẳng định vị trí đi đầu trong cải cách hành chính - Bài 3: Trái ngọt cho những nỗ lực không ngừng
longform
Quảng Ninh khẳng định vị trí đi đầu trong cải cách hành chính - Bài 3: Trái ngọt cho những nỗ lực không ngừng

Những năm gần đây, Quảng Ninh đã và đang trở thành “ngôi sao sáng” trong Cải cách hành chính (CCHC) của cả nước khi liên tiếp dẫn đầu cuộc đua về Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhiều chỉ số khác. Thành quả ngọt ngào này là minh chứng cho sự thống nhất, đoàn kết, tư duy đột phá và những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền tỉnh, hướng tới nền hành chính phục vụ.

Hơn chục năm trước, nhắc tới Quảng Ninh, người ta chỉ nghĩ tới vùng than lớn nhất cả nước, chưa có nhiều phát triển nổi bật. Thế nhưng những năm trở lại đây, cái tên Quảng Ninh đã thực sự gây ấn tượng mạnh khi tỉnh đã có những thay đổi “thần kỳ” trong phát triển kinh tế và đặc biệt là trong xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch; đem lại niềm tin, sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân.

Có thể khẳng định như vậy khi xuất phát từ vị trí thấp trong bảng xếp hạng về Chỉ số CCHC, Quảng Ninh đã bứt phá ngoạn mục vươn lên ngôi vị đầu. Chỉ trong 5 năm, Quảng Ninh đã tăng 22 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX). Từ chỗ xếp thứ 19 vào năm 2012 và thứ 23 vào năm 2013, đến năm 2017, Quảng Ninh đã “qua mặt’’ nhiều tỉnh, thành phố, “về đích’’ ở vị trí quán quân với 89,45/100 điểm, tăng 6,72 điểm so với năm 2016 và bỏ xa địa phương đứng thứ hai là Hà Nội 4 điểm. Chỉ số SIPAS, tỷ lệ hài lòng của người dân khá cao, đạt 92,88%, đứng thứ 5 toàn quốc; Chỉ số PAPI vào nhóm 2 của cả nước, tăng 30 bậc so với năm 2016.

Năm 2018, bằng các giải pháp hiệu quả và nỗ lực không ngừng, tỉnh tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với 89,06 điểm trong bảng xếp hạng Chỉ số PAR INDEX. Các chỉ số thành phần được xếp hạng cụ thể: Chỉ số chỉ đạo điều hành cải cách hành chính đạt 8,5/9 điểm, đứng thứ 3/63; Chỉ số cải cách thủ tục hành chính đạt 12,96/13 điểm, đứng thứ 1/63 (là tỉnh duy nhất đạt điểm gần như tuyệt đối trong lĩnh vực này); Chỉ số cải cách tổ chức bộ máy đạt 10,4/12 điểm, đứng thứ 3/63; Chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đạt 11,61/13,5 điểm, đứng thứ 6/63; Chỉ số cải cách tài chính công đạt 10,71/12,5 điểm, đứng thứ 4/63; Chỉ số hiện đại hóa hành chính đạt 11,85/13,5 điểm, đứng thứ 4/63; Chỉ số tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội đạt 14,47/16,5 điểm, đứng thứ 4/63 và Chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,56/10 điểm, đứng thứ 29/63.

Ở bảng xếp hạng ICT Index - Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam, năm 2019, Quảng Ninh cũng đã vươn lên vị trí thứ 3. Không dừng ở đó, hiệu quả CCHC và xây dựng chính quyền điện tử của tỉnh đã được ghi nhận ở tầm khu vực khi Quảng Ninh đã trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - Thái Bình Dương (ASOCIO) vinh danh ở hạng mục chính quyền số vào cuối năm 2018. Ngoài ra, Chỉ số SIPAS của Quảng Ninh năm 2018 đạt 91,15%, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Cũng trong năm 2018, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh đã có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thứ hạng của từng trục nội dung, đạt 6/8 trục nội dung trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm cao trong năm 2018. 

Từ những kết quả trong CCHC đã giúp Quảng Ninh sau 13 năm tham dự bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, lần đầu tiên trở thành tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc, PCI dẫn đầu cả nước năm 2017. Đến năm 2018, Quảng Ninh một lần nữa được xướng tên ở ngôi vị đầu ở "cuộc đua" này.

Để có được kết quả tích cực trên nhiều bảng xếp hạng ấy, điều mà cả hệ thống chính quyền Quảng Ninh làm được trong những năm gần đây, đó là “dám nhìn thẳng sự thật”, tập trung cải cách hành chính toàn diện với quyết tâm thực hiện thành công nhiều mô hình, cách làm chưa có tiền lệ. Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương một cách chuyên nghiệp, bài bản. Từ đó, tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh xuống các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các địa phương “thi đua” lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.

Có thể thấy, những kết quả tích cực trong triển khai CCHC của Quảng Ninh thời gian qua đã được Trung ương đánh giá cao, nhiều địa phương trong cả nước đã đến với mảnh đất Đông Bắc để học tập kinh nghiệm và triển khai nhân rộng cách làm hiệu quả từ điểm sáng Quảng Ninh. Phát biểu tại buổi làm việc, trao đổi kinh nghiệm với tỉnh Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, đánh giá: Quảng Ninh là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mô hình mới, có tính tiên phong và mang lại hiệu quả tốt trong thực tế. Những nội dung trao đổi của tỉnh Quảng Ninh là kinh nghiệm quý để tỉnh Bình Phước tiếp tục nghiên cứu, học hỏi, áp dụng vào thực tế địa phương, nhất là việc huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng và thực hiện cải cách hành chính. 

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, cùng nhận định: “Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong cả nước hiện nay có các chỉ số do các tổ chức, cơ quan uy tín trong nước và quốc tế đánh giá như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), PAR Index, SIPAS, PAPI… đều đạt thành tích cao. Không như các địa phương khác chỉ có thể dồn lực cho một vài chỉ số nhất định…, ở Quảng Ninh, tất cả được thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt. Bởi vậy, tôi nghĩ Quảng Ninh xứng đáng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác; đặc biệt là trong xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công, cải cách thể chế, sắp xếp tổ chức, bộ máy, xây dựng chính quyền điện tử” .

Quảng Ninh đã và đang quyết tâm hướng tới sự khách quan, minh bạch, nhất là đánh giá đúng về mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính. Do đó, với Quảng Ninh, điều quan trọng nhất mà tỉnh đạt được chính là niềm tin, sự ghi nhận, đồng tình ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào sự lãnh đạo, quản lý, điều hành.

images1290227_doanhnghiep_04.jpg

Ông Nguyễn Đức Sáng, Giám đốc Công ty Hoàng Phong, TP Hạ Long, cho biết: Trước đây, việc xin chủ trương đầu tư hoặc thực hiện được các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phải nhờ vả khắp nơi. Nhưng vài năm gần đây, với nhiều chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản và nhanh gọn, chúng tôi có thể giải quyết công việc thuận lợi, nhanh chóng, nhờ đó có thêm lợi thế phát triển. Doanh nghiệp khó khăn cũng được tỉnh kịp thời đối thoại, tháo gỡ ngay những vướng mắc.

Những kết quả CCHC của Quảng Ninh đã là “chìa khoá” mở cánh cửa thu hút đầu tư vào tỉnh. Thủ tục hành chính được cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và đổi mới, đã tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư.

Ai đến Quảng Ninh vài năm trở lại đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi diện mạo của tỉnh đã thay đổi nhanh chóng. Hàng loạt các công trình, dự án từ các công trình giao thông quy mô lớn, các dự án phát triển dịch vụ du lịch đến các dự án xây dựng cơ bản… đã được các tập đoàn lớn trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Khu công viên giải trí Hạ Long Park...  Quảng Ninh trở thành địa phương có đường cao tốc dài nhất Việt Nam với gần 200 km (chiếm 10% số km cao tốc trong toàn quốc). Tỉnh cũng có cảng hàng không quốc tế được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân đầu tiên trong cả nước; có hạ tầng du lịch, dịch vụ phát triển ngày càng hiện đại…

Việc tập trung, quyết liệt CCHC để thu hút, hợp tác hiệu quả với các nhà đầu tư trong và ngoài nước của Quảng Ninh đã mang lại lợi ích thiết thực, khơi thông nguồn vốn, giảm gánh nặng cho Ngân sách, huy động được năng lực, kinh nghiệm quản lý của kinh tế tư nhân, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả đầu tư công và đóng góp quan trọng cho tốc độ phát triển kinh tế luôn đứng ở top đầu của tỉnh.

Mặc dù đã đạt những thành công nhưng Quảng Ninh chưa lúc nào dừng lại. Tỉnh không cho phép hoạt động CCHC được trùng xuống. Nói về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: “Quảng Ninh vẫn còn rất nhiều dư địa để cải cách để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của cộng đồng doanh nghiệp và cũng là kỳ vọng của tỉnh”. Với tâm thế đó, sau khi đạt được những bước tiến mới, Quảng Ninh lại nhanh chóng nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được và đưa ra những mục tiêu mới cao hơn, lập ra kế hoạch triển khai kĩ lưỡng, bài bản và quyết liệt thực hiện để vượt qua những thử thách mới. 

Có thể thấy rõ, sau mỗi kỳ công bố kết quả đánh giá các chỉ số của các tổ chức, đơn vị, nhất là trong 2 năm vừa qua giữ ngôi đầu trên những “cuộc đua” quan trọng về các chỉ số CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh…, Quảng Ninh đã họp bàn, tổ chức các hội nghị để phân tích, đánh giá chỉ số và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC những năm tiếp theo. Tại hội nghị, các chuyên gia đều tập trung “mổ xẻ” những điểm, những tiêu chí còn yếu kém như: Tiêu chí về trễ hẹn, tiêu chí về xin lỗi vì trễ hẹn, tiêu chí trách nhiệm giải trình với người dân, … dẫn đến hạn chế trong công tác CCHC; một bộ phận người dân chưa thật sự hài lòng về kết quả giải quyết thủ tục hành chính… Từ đó, các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước đã gợi mở, đưa ra giải pháp để tỉnh tiếp tục khắc phục những hạn chế, nâng cao các điểm thành phần, duy trì vị trí dẫn đầu.

Do đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể CB,CC,VC, người lao động tại các cơ quan nhà nước trong CCHC. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC, nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm thí điểm mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu các cấp uỷ đảng, chính quyền phải tiếp tục rà soát cắt giảm TTHC, đưa nhiệm vụ cải cách hành chính đi vào chiều sâu; hình thành vững chắc tư duy phục vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn với xây dựng chính phủ điện tử, công dân điện tử và thành phố thông minh...

Ngọc Linh - Ngọc Huyền - Hà Thanh

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu