
Phát triển nuôi cá biển tại Quảng Ninh: Hướng đi bền vững với thức ăn công nghiệp
Trong bối cảnh ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu, nguồn lợi thủy sản suy giảm và yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu, tỉnh Quảng Ninh đã và đang khẳng định vai trò là trung tâm nuôi trồng thủy sản biển của miền Bắc với những bước đi chiến lược. Trong đó, việc phát triển nuôi cá biển gắn với sử dụng thức ăn công nghiệp đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững.
Quảng Ninh có bờ biển dài, nhiều vũng vịnh kín gió, vùng nước ven bờ và biển mở thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi cá biển với các loài có giá trị cao như cá song, cá vược, cá giò… Năm 2024, nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp ven biển, đặc biệt là lĩnh vực nuôi cá biển. Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề, ngành vẫn ghi nhận những kết quả đáng khích lệ và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu nuôi biển bền vững. Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2024 đạt 84.197 tấn. Riêng nuôi cá biển, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thời tiết cực đoan, vẫn duy trì ổn định nhờ vào việc mở rộng diện tích và đổi mới phương thức sản xuất.

Việc giao khu vực biển theo Luật Thủy sản 2017 đã được triển khai quyết liệt, đã có 305 cá nhân được giao biển với hơn 2.170 ha biển được cấp phép nuôi trồng. Hệ thống hợp tác xã cũng có bước phát triển vượt bậc, tăng lên 214 đơn vị, góp phần tổ chức lại sản xuất, hình thành chuỗi liên kết bền vững.
Về công nghệ, tỉnh đang từng bước khuyến khích áp dụng thức ăn công nghiệp, cải thiện công tác quan trắc môi trường và tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất.
Năm 2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu nâng tổng sản lượng lên 97.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi cá biển đạt trên 13.000 tấn.

Để đạt được mục tiêu này, giải pháp trọng tâm được đặt ra là khôi phục hạ tầng sau thiên tai, thu hút đầu tư vào nuôi biển công nghiệp, ưu tiên công nghệ hiện đại, phù hợp với sức tải môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các đối tượng như cá song, cá chim vây vàng, giò, hồng mỹ, chấm lang... sẽ tiếp tục được phát triển nhờ khả năng thích nghi tốt và giá trị kinh tế cao.
Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách và đề án lớn như Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản đến năm 2030, định hướng 2050; xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thu hút các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp hiện đại, theo chuỗi giá trị.
Tăng hiệu quả nuôi cá biển nhờ thức ăn công nghiệp - một trong những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả nuôi cá biển là việc chuyển sang sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tươi sống, truyền thống. Theo đánh giá của các chuyên gia và thực tế tại địa phương, việc sử dụng thức ăn công nghiệp mang lại nhiều lợi ích rõ rệt. Đầu tiên phải nói tới đó là giúp tăng năng suất và sản lượng. Thức ăn công nghiệp được thiết kế với tỷ lệ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với từng loài cá nuôi. Nhờ đó, cá phát triển nhanh, đồng đều, hạn chế tình trạng kén ăn, giúp rút ngắn chu kỳ nuôi và tăng tỷ lệ sống. Điều này đã được thể hiện rõ trong kết quả sản xuất năm 2023, khi nuôi cá biển đạt sản lượng hơn 11.600 tấn.
Cùng với đó, sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi cá biển góp phần bảo vệ môi trường và kiểm soát dịch bệnh. Thức ăn công nghiệp giúp giảm dư thừa thức ăn trong môi trường nước, từ đó hạn chế ô nhiễm, góp phần ổn định chất lượng nước nuôi. Đồng thời, việc sử dụng thức ăn sạch, không lẫn mầm bệnh còn giúp giảm nguy cơ dịch bệnh-yếu tố từng gây thiệt hại lớn cho người nuôi trong quá khứ.
Với thức ăn công nghiệp, người nuôi dễ kiểm soát liều lượng, theo dõi tốc độ tăng trưởng và điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Việc này giúp giảm thời gian chăm sóc, tiết kiệm nhân lực và chi phí vận hành.
Đặc biệt, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi cá biển nói riêng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thức ăn công nghiệp giúp kiểm soát chất lượng cá nuôi theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc - điều kiện bắt buộc của nhiều thị trường như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Đây là hướng đi tất yếu để cá biển Quảng Ninh từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&MT Quảng Ninh), cho biết: Bên cạnh những hiệu quả lợi ích, việc sử dụng thức ăn công nghiệp cũng đặt ra một số thách thức, như chi phí đầu vào cao hơn, yêu cầu kỹ thuật nuôi nghiêm ngặt hơn, phụ thuộc vào nguồn cung ứng và khả năng tài chính của người nuôi. Để hỗ trợ người dân vượt qua rào cản này, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ; khuyến khích hình thành các hợp tác xã, liên kết sản xuất theo chuỗi; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hệ thống cung ứng vật tư đầu vào, chế biến đầu ra khép kín.
Sự chuyển mình của ngành nuôi cá biển tại Quảng Ninh, đặc biệt với việc áp dụng thức ăn công nghiệp, không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế biển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng tầm thương hiệu thủy sản địa phương. Trong tương lai, nếu tiếp tục được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nghiên cứu giống, thị trường tiêu thụ và chính sách hỗ trợ, nuôi cá biển sử dụng thức ăn công nghiệp tại Quảng Ninh sẽ là mô hình mẫu cho phát triển thủy sản hiện đại của cả nước.
Ý kiến ()