
Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái mầm có xanh thì cây mới vững, cái búp có xanh thì lá mới tươi, quả mới tốt, con trẻ có được nuôi dưỡng, giáo dục hẳn hoi, thì dân tộc mới tự cường, tự lập”. Thấm nhuần lời dạy của Bác và hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã lan tỏa Chương trình “Mẹ đỡ đầu” như một sợi dây yêu thương gắn kết cộng đồng với những mảnh đời trẻ nhỏ thiếu vắng vòng tay cha mẹ.
Tạo động lực cho trẻ em vượt khó vươn lên
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" tập trung hỗ trợ trẻ em mồ côi, trẻ không nơi nương tựa, hoặc có người nuôi dưỡng thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn, trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác và những trẻ mồ côi chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự trợ giúp. Các “Mẹ đỡ đầu” và Hội LHPN các cấp đã và đang có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn.
Nổi bật là hỗ trợ tiền mặt hằng tháng, với mức 200.000-1 triệu đồng/cháu/tháng, kéo dài ít nhất 12 tháng, hoặc khuyến khích hỗ trợ đến khi các cháu đủ 18 tuổi. Đồng thời, các cấp hội còn kết nối, vận động tặng cho các cháu sổ tiết kiệm, thẻ BHYT, miễn tiền ăn bán trú, nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết, học phí, đồ dùng học tập… Đặc biệt, nhiều cháu còn được hỗ trợ xe đạp để đến trường.
Các "Mẹ đỡ đầu" còn luôn quan tâm đến đời sống tinh thần và việc học tập của các cháu. Các hoạt động thăm hỏi, động viên diễn ra thường xuyên. Quan trọng hơn, chương trình còn hướng dẫn trẻ những kỹ năng sống thiết yếu, như phòng chống xâm hại tình dục, sinh hoạt trong gia đình, an toàn giao thông, sống an toàn... Các cháu còn được tư vấn sức khỏe, tâm lý để có thêm niềm vui, động lực, sự ấm áp. Chương trình còn hỗ trợ kết nối tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề sau khi các cháu tốt nghiệp THCS, mở ra tương lai tươi sáng hơn cho các cháu.

Nhờ những hỗ trợ toàn diện này, nhiều trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần; tạo điều kiện cho các cháu được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình và cộng đồng. Các cháu được đảm bảo đầy đủ quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật và có động lực mạnh mẽ để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, cũng như trong học tập.
Điển hình là 2 chị em Nguyễn Thị N và Nguyễn Thị H (phường Cao Xanh, TP Hạ Long), mồ côi mẹ từ nhỏ, sống với cha già yếu, đã nhận được sự đỡ đầu và hỗ trợ 1 triệu đồng/cháu/tháng từ Hội LHPN TP Hạ Long. Bên cạnh đó, nhà trường, thầy cô cũng hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo và tiền ăn trưa hằng ngày. Hay như các cháu Nguyễn Thị H, Trần Thị Kim Y (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô) được các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí học tập; cháu Phạm Đan L được Chi hội Phụ nữ khu 8 (phường Quang Trung, TP Uông Bí) nhận đỡ đầu... Những câu chuyện vượt khó này chính là minh chứng rõ nét nhất cho hiệu quả của chương trình.
Lan tỏa yêu thương
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, chung tay góp sức rất lớn từ các cấp hội phụ nữ và cộng đồng. Hội LHPN các cấp đã phát huy vai trò tiên phong, tích cực, chủ động trong công tác triển khai. Hội LHPN tỉnh đã xây dựng, ban hành kế hoạch và hướng dẫn triển khai chương trình, xác định rõ chỉ tiêu, đối tượng và cách thức thực hiện. Các cấp hội đã cụ thể hóa chỉ đạo này bằng các văn bản và lồng ghép chương trình vào các kế hoạch công tác trẻ em và Tháng hành động vì trẻ em.
Trong năm 2025, Hội LHPN tỉnh đã đăng ký phần việc thi đua đặc biệt "Nhân rộng Chương trình "Mẹ đỡ đầu", tiếp tục đỡ đầu 720 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn và phấn đấu đăng ký nhận đỡ đầu mới 50 trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn" nhằm lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Đại hội thi đua yêu nước tỉnh lần thứ VI và kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.
Để chương trình đến gần hơn với cộng đồng, công tác truyền thông được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các cấp hội đã phổ biến, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình thông qua các hội nghị, buổi sinh hoạt chi hội, các kênh thông tin đại chúng (báo, đài, cổng thông tin điện tử, website, mạng xã hội...). Nhiều phóng sự, tin bài đã được thực hiện để lan tỏa chương trình. Đặc biệt, Cuộc thi viết câu chuyện truyền cảm hứng trong Chương trình "Mẹ đỡ đầu" được phát động ở cả cấp tỉnh và huyện đã thu hút sự tham gia của nhiều thành phần và có tác phẩm đoạt giải cao. Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện chương trình cũng được tổ chức để tôn vinh và nhân rộng điển hình.

Công tác rà soát, xác minh thông tin và kết nối “Mẹ đỡ đầu” là nền tảng để triển khai hiệu quả. Các cấp hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để rà soát, nắm thông tin, hoàn cảnh và lập danh sách trẻ mồ côi, xác minh nhu cầu hỗ trợ. Sau đó, thông tin được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng nhận đỡ đầu.
Kết quả, từ năm 2022 đến nay, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 720 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí vận động trên 5 tỷ đồng.
Để đảm bảo chương trình đi vào chiều sâu, hiệu quả và tuân thủ pháp luật về trẻ em, công tác theo dõi, giám sát được thực hiện thường xuyên. Việc trao hỗ trợ thường diễn ra trực tiếp với sự chứng kiến của cơ sở hội, đảm bảo tính công khai, minh bạch... Chương trình đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc, giúp trẻ em yếu thế có thêm niềm tin và động lực để vươn lên, hòa nhập và trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Ý kiến ()