
Hành trình đưa vải chín sớm ra thị trường bằng công nghệ số
Thời gian qua, nông dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) đã chủ động thay đổi tư duy và cách làm từ phương pháp trồng, chăm sóc đến việc đưa giống vải bản địa ra thị trường bằng công nghệ số.
Năm 2021, 9 hộ dân đầu tiên ở các khu Hiệp Thái, Cẩm Hồng, Hồng Hải (phường Phương Nam, TP Uông Bí) là những người tiên phong triển khai mô hình "vườn cây thương hiệu", bước đầu thực hiện quản lý vườn vải bằng mã QR. Đồng thời, tại trụ sở UBND phường, một vườn mẫu gồm 15 cây đại diện cho 14 khu dân cư cũng đã được tạo dựng, vừa là nơi trưng bày, vừa là nơi thử nghiệm, lan tỏa kỹ thuật. Vài năm sau, những “vườn cây thương hiệu” ấy không chỉ giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc dễ dàng, mà còn làm tăng giá trị quả vải một cách rõ rệt.

Đến năm 2022, Hội Nông dân phường tiếp tục phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng vải theo hệ thống OTAS – nền tảng truy xuất nguồn gốc trực tuyến được các thị trường xuất khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu chấp nhận. Từ hệ thống này, 30 ha vải tại khu Hiệp Thanh đã được theo dõi sinh trưởng, sản lượng, sinh vật gây hại… qua điện thoại thông minh.
Chuyển đổi số trên cây vải Phương Nam không dừng lại ở đồng ruộng. Từ năm 2023, Hội Nông dân phường đã mã hóa toàn bộ danh sách hội viên bằng QR code tại 14/15 chi hội. Cán bộ hội giờ chỉ cần điện thoại thông minh để nắm rõ hội viên trồng cây gì, diện tích bao nhiêu, đang tham gia mô hình nào… Công tác hỗ trợ sản xuất và truyền thông vì thế cũng trở nên sát thực, linh hoạt hơn.
Cũng trong năm này, Hội Nông dân phường Phương Nam đã xây dựng mô hình cánh đồng chuyển đổi số tại khu Bạch Đằng 1, với sự tham gia của 30 hộ dân trồng vải trên tổng diện tích 1ha. Theo đó, Hội nông dân phường đã tích hợp thông tin của từng hộ gia đình, số cây, tuổi cây, quy trình chăm sóc, dự kiến thời gian cho thu hoạch, số điện thoại của từng hộ vào mã QRcode. Mỗi hộ trồng vải có một mã để thuận tiện cho thương lái về thu mua sản phẩm có thể tra cứu thông tin của chủ vườn, thời gian dự kiến thu hoạch, quy trình chăm sóc vải theo từng chu kỳ trong năm.
Nhận thấy việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho cây vải bằng phương pháp thủ công sẽ ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe của nông dân, năm 2024, Hội Nông dân phường đã phối hợp các đơn vị được cấp phép, tổ chức thí điểm phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay nông nghiệp. Hội cũng khuyến khích bà con phun thuốc BVTV bằng máy bay nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Trong khâu xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, người nông dân Phương Nam cũng đã thể hiện những cách làm rất đột phá và phù hợp xu hướng thương mại hiện đại. Theo đó, tháng 5/2024, một phiên livestream bán vải chín sớm Phương Nam lần đầu được tổ chức với sự phối hợp của Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương tỉnh. Không gian phiên chợ không còn là chợ truyền thống, mà là những thước hình trực tuyến, nơi người trồng vải trực tiếp giới thiệu sản phẩm của mình.
Nông dân Phạm Văn Trị, chủ vườn với 340 gốc vải tại khu Đá Bạc chia sẻ: “Lúc đầu tôi cứ nghĩ livestream là việc của giới trẻ, ai ngờ chính cái điện thoại này lại giúp bán được hàng chục tấn vải trong vài buổi phát sóng. Người xem hỏi han, đặt hàng trực tiếp, mình nói thật, làm thật, nên người ta tin.”
"Chuyển đổi số giúp nông dân tự tin hơn, chuyên nghiệp hơn; không chỉ bán được hàng tốt hơn, mà còn chủ động nắm bắt thông tin, thị trường. Đó là sự thay đổi từ gốc và đã mang lại hiệu quả. Đơn cử, tại phiên livestream quảng bá vải chín sớm Phương Nam đầu tiên năm 2024, nông dân đã thu về 5.400 lượt xem và thích, 400 lượt bình luận và 480 lượt chia sẻ. Cũng trong năm này, sản lượng vải toàn phường đạt 1.600 tấn, với giá bán trung bình 35.000 đồng/kg, đem lại doanh thu 56 tỷ đồng" - anh Bùi Văn Trà, Chủ tịch Hội nông dân phường Phương Nam cho biết.

Cây vải chín sớm Phương Nam được trồng trên đồng đất thuộc phường Phương Nam từ những năm 1960. Vải chín sớm Phương Nam có đặc tính chín rất sớm (trước từ 10 đến 20 ngày) so với các giống vải khác, quả to vỏ mỏng, gai thưa cùi dày, nhiều nước, có mùi thơm và vị ngọt chua dịu. Năm nay, diện tích vải chín sớm Phương Nam giảm còn khoảng 280-290ha, chủ yếu do nhiều diện tích bị gãy đổ, không còn khả năng phục hồi sau bão Yagi (năm 2024) và phục vụ một số dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, vùng vải chín sớm Phương Nam vẫn dự kiến sẽ cho sản lượng 2.000 tấn (tăng 20% so với niên vụ 2024), thời gian thu hoạch sẽ kéo dài từ trung tuần tháng 5 đến trước ngày 6/6, trước khi vải thiều bắt đầu vào vụ.
Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện chỉ có ở các đô thị lớn, mà giờ đây đã bắt đầu bén rễ và lan rộng ở những cánh đồng vải chín sớm, nơi bàn tay người nông dân Phương Nam đang học cách đưa thương hiệu nông sản địa phương bay xa bằng công nghệ. Đó là sự chuyển mình để giữ vững vị thế, để trái vải truyền thống không lỡ hẹn với thị trường hiện đại.
Ý kiến ()