
Nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng
Lịch sử 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cho thấy, niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ chính là điều kiện để phát huy sự sáng tạo, khát vọng vươn lên, cũng như phát huy những nguồn lực to lớn trong xã hội cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; là điểm tựa vững chắc cho những quyết sách của Đảng, những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước được thực hiện thành công. Chính vì thế, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất, làm trong sạch đội ngũ của Đảng và bộ máy chính quyền, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng.
Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Để thực hiện công tác xây dựng Đảng, trong các nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đều tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; củng cố Đảng về tổ chức, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng, tăng cường công tác kiểm tra và kỷ luật Đảng. Cùng với đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; thực hiện chiến lược cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ tổ chức và chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Điển hình như trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức, tỉnh đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết, Kết luận Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát động và triển khai có hiệu quả phong trào “Học và làm theo Bác” (từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 586 tập thể, 515 cá nhân đăng ký mô hình cấp tỉnh); tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, đã chỉ đạo xây dựng phim tài liệu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên các hạ tầng truyền thông của tỉnh, tạo sự lan tỏa, thúc đẩy đảng viên, nhân dân tham gia, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước. Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý; cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện mới, làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, “tự soi”, “tự sửa”.
Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng cũng được tăng cường, chất lượng đội ngũ đảng viên được nâng cao. Tỉnh đã triển khai nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, đạt hiệu quả rõ nét. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 1612-QĐ/TU ngày 12/9/2024 về việc thực hiện văn hóa công sở của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ sát với điều kiện, tình hình của cơ quan, đơn vị. Đến nay đã có 945 cơ quan, địa phương, đơn vị rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức đảm bảo yêu cầu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện và phù hợp với đặc điểm của cơ quan, địa phương, đơn vị, trong đó, có 912 cơ quan, địa phương, đơn vị đánh giá việc thực hiện chuẩn mực đạo đức đã đề ra.

Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh cũng thường xuyên rà soát, sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, tăng cường quản lý, giám sát và rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách. Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2024 các cấp ủy đã rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng 49 đảng viên không còn đủ tư cách; cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp và chi bộ thi hành kỷ luật 2.468 đảng viên và 109 tổ chức đảng. Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm được triển khai nghiêm túc, đúng quy định. Hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng được nâng cao. Đặc biệt, đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán và các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát để ngăn ngừa sai phạm, tiêu cực từ sớm, từ xa, từ cơ sở; chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, nhất là kiểm tra “cách cấp”, giám sát chuyên đề đi sâu vào lĩnh vực trọng yếu, dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Tập trung, nỗ lực khắc phục các tồn tại, hạn chế, vi phạm, khuyết điểm và các kiến nghị đã được chỉ ra tại các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, nhất là các thông báo kết luận của Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giữ vững sự ổn định, đoàn kết để phát triển.
Đổi mới công tác cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy
Song song với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ cũng được đổi mới theo hướng toàn diện, đồng bộ, hiệu quả, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về công tác cán bộ phù hợp với quy định. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã 3 lần tỉnh sửa đổi quy chế phân cấp quản lý cán bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về luân chuyển cán bộ, quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, quy định về thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý…

Công tác điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện dân chủ, khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thực hiện luân chuyển 214 cán bộ; tổ chức 933 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 45.482 lượt cán bộ, công chức, viên chức; 41 lớp đào tạo lý luận chính trị cho 3.009 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử, bảo đảm đúng quy định, kiểm soát chặt chẽ quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đến nay đã bổ nhiệm 1.145 cán bộ (trong đó 70 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 1.075 cán bộ diện Ban Thường vụ huyện ủy quản lý); giới thiệu ứng cử 1.433 cán bộ (cán bộ Trung ương quản lý 2, cấp tỉnh 36, cấp huyện 1.395).
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện bổ nhiệm thông qua thi tuyển cạnh tranh, đảm bảo khách quan, công khai, khích lệ những người có tư duy đổi mới, năng động, dám nghĩ, có kế hoạch hành động rõ ràng khả thi. Cùng với đó, hằng năm, tỉnh dành ít nhất 50% vị trí để tuyển dụng công chức từ nguồn nhân lực chất lượng cao… Nhờ đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ được nâng lên, đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến nay 100% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó trình độ tiến sĩ và thạc sĩ chiếm 82%, tăng 14% so với đầu nhiệm kỳ. Cán bộ diện Ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý 99% có trình độ chuyên môn đại học trở lên, trong đó trình độ tiến sĩ và thạc sĩ chiếm 35%, tăng 6% so với đầu nhiệm kỳ. Cơ cấu cán bộ chuyển biến tích cực, tỷ lệ cán bộ nữ, dân tộc tăng so với đầu nhiệm kỳ, cán bộ nữ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 23%, tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ; cán bộ là người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý chiếm 5,75%, tăng 1% so với đầu nhiệm kỳ.

Cùng với những nhiệm vụ trên, công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cũng tiếp tục được tỉnh sắp xếp, hoàn thiện bảo đảm tinh gọn, hoạt động “hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” theo đúng chủ trương của Trung ương. Ngay sau khi tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), tỉnh Quảng Ninh bước đầu đã thực hiện giảm 2 đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy, 3 ban cán sự đảng, 7 đảng đoàn và 7 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; thành lập 2 đảng bộ các cơ quan Đảng tỉnh, UBND tỉnh.
Việc triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng bảo đảm kịp thời, đồng bộ với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tỉnh cũng chủ động sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 4 đơn vị so với đầu nhiệm kỳ; đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa. Thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo chủ trương của Trung ương gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Kịp thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, mối quan hệ công tác, vị trí việc làm của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan thực hiện sắp xếp, tổ chức lại.
Song song với đó, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng có nhiều đổi mới toàn diện. Chú trọng nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, văn bản theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, khả thi, cụ thể, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt gắn với thường xuyên định kỳ đánh giá, sơ, tổng kết; lãnh đạo đẩy nhanh và nâng cao chất lượng xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính trong các cơ quan đảng gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số, giảm số lượng và thời gian họp. Thường xuyên quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước cho cán bộ, đảng viên, người lao động. Qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Đặc biệt đã tạo đà cho KT-XH của tỉnh có những bước phát triển đột phá (tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm gần đây luôn đạt 2 con số); đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo; vị thế, uy tín của tỉnh được nâng cao.
Ý kiến ()