
Phát triển hạ tầng số hiện đại
Giai đoạn 2021-2025, Đảng ủy Sở KHCN đã tham mưu cho tỉnh triển khai hiệu quả nhiều giải pháp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông và hạ tầng số, góp phần đắc lực vào công cuộc chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Hạ tầng công nghệ thông tin được xây dựng đồng bộ và liên thông trên toàn tỉnh. Đến nay, Quảng Ninh có 3 Trung tâm Tích hợp dữ liệu, gồm: Trung tâm vận hành hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh, trung tâm dữ liệu của khối Đảng đặt tại Tỉnh ủy, trung tâm dữ liệu của Văn phòng UBND tỉnh. Hệ thống mạng diện rộng (WAN) đã được triển khai với tổng số 294 điểm, kết nối toàn tỉnh đến trục nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và liên thông với hệ thống quản lý văn bản điện tử quốc gia (CPNet). Song song, hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến cũng được thiết lập với 239 điểm cầu, kết nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã thông qua đường truyền số liệu chuyên dùng, đảm bảo an toàn thông tin.
Về cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kho tài nguyên số, hiện có 2 cơ sở dữ liệu dùng chung là quản lý văn bản và giải quyết thủ tục hành chính tập trung. Các Sở NN&TN, Tư pháp, VHTT&DL, Tài chính, Xây dựng, Công Thương đang triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Toàn tỉnh đã hoàn thành kết nối và chia sẻ dữ liệu với 10 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, nền tảng của quốc gia, gồm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và nhiều hệ thống quan trọng khác.
Hướng tới phát triển dữ liệu mở, UBND tỉnh đã ban hành 2 Quyết định về danh mục dữ liệu mở và danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung. Đã ban hành 65 cơ sở dữ liệu mở thuộc 10 lĩnh vực và 70 cơ sở dữ liệu dùng chung của các Sở, ngành, địa phương. Tỉnh cũng đang tiếp tục xây dựng Kho dữ liệu và Cổng dữ liệu mở trong năm 2025.
Hạ tầng viễn thông và hạ tầng số đã được phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có 5.203 trạm thu phát sóng di động (trạm BTS) hỗ trợ công nghệ 3G, 4G, và 5G. Tỷ lệ dân số được phủ sóng mạng di động 4G đạt 100%. Hạ tầng mạng viễn thông băng rộng cố định cũng đã được triển khai rộng khắp đến cả các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho người dân.
Các số liệu về thuê bao cho thấy sự phát triển đáng kể. Số thuê bao điện thoại di động là 1.767.462 thuê bao, đạt tỷ lệ 128,5 thuê bao/100 dân, cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước (118,5/100 dân). Số thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh là 1.665.363 thuê bao, chiếm 94,2% tổng số thuê bao di động, cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước (91,9%). Tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cáp quang (FTTH) đạt 97,74%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước (82,98%).
Để giải quyết các khu vực còn "lõm sóng", UBND tỉnh đã ban hành và triển khai hiệu quả các kế hoạch phủ sóng. Kế hoạch số 13/KH-UBND năm 2022 đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 54/54 trạm, phủ sóng cho 66/66 thôn và triển khai hạ tầng internet băng rộng cố định cho 113/113 thôn, đạt 100% kế hoạch. Kế hoạch số 130/KH-UBND năm 2023 cũng đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 12/12 trạm, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Giai đoạn 2025-2030, Đảng ủy Sở KHCN tiếp tục tham mưu cho tỉnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 09-NQ/TU, Nghị quyết số 13-NQ/TU… về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số hiện đại. Tỉnh sẽ triển khai kế hoạch xây dựng hạ tầng 5G, Internet vạn vật (IoT) tại các khu, cụm công nghiệp; Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh sẽ được nâng cấp theo hướng hiện đại, tích hợp hạ tầng lưu trữ và điện toán đám mây. Đồng thời, tham mưu cho tỉnh phát triển hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao; từng bước ứng dụng, khai thác hiệu quả các công nghệ chiến lược như: Trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, 5G, 6G, vệ tinh và các công nghệ mới nổi.
Ý kiến ()