
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà góp ý vào dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, ngày 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tham gia góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng tình với phương án các doanh nghiệp được quyết định cho các công ty do doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ vay vốn với giá trị từng khoản cho vay không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và bảo đảm tổng giá trị khoản cho vay không vượt giá trị vốn góp thực tế tại Khoản 3 Điều 18 về nguyên tắc huy động vốn, cho vay vốn.
Theo đại biểu, điều này sẽ giúp cho các tập đoàn, tổng công ty có thể tận dụng được năng lực, phát huy tối đa các nguồn vốn có thể huy động hiện đang nhàn rỗi của mình để hỗ trợ cho các công ty con trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, việc các tập đoàn, tổng công ty thu xếp vốn và cho các công ty con vay còn giúp cho các công ty con được tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn so với việc công ty con tự huy động, do công ty mẹ các tập đoàn, tổng công ty thường có hệ số tín dụng tốt hơn.

Bên cạnh đó, để đảm bảo các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở trong tổ chức thực hiện quy định này sau khi Luật được Quốc hội ban hành và có hiệu lực áp dụng, đại biểu đề nghị nghiên cứu để bổ sung quy định doanh nghiệp được chủ động quyết định về nguồn vốn sử dụng để cho vay cũng như lãi suất cho vay đối với công ty con. Mặt khác, xem xét bổ sung quy định để đảm bảo việc cho vay trong trường hợp này không bị điều chỉnh, chi phối bởi các luật khác như: Không cần thiết phải bổ sung ngành nghề kinh doanh, không phải xin giấy phép/chấp thuận hoạt động cho vay như các tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Tại Điều 11, phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đại biểu đồng tình với chỉ đạo rà soát, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phạm vi đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp là những lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp và đầu tư bổ sung vốn nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị xem xét, phân định rõ các điều kiện đầu tư vốn vào doanh nghiệp để tránh vướng mắc trong quá trình thực hiện, như: Thế nào là ứng dụng công nghệ cao? Đầu tư lớn? Các doanh nghiệp hàng năm phải đầu tư số tiền lớn so với quy mô vốn có phải là đầu tư lớn không?
Còn tại Điều 24, trong khoản 1 quy định: Lợi nhuận sau thuế sau khi chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu có) và xử lý chi phí đầu tư thất bại tại các dự án đầu tư có tính đặc thù, rủi ro cao nhưng không được quy định tại luật chuyên ngành… Theo đại biểu, trên thực tế, đối với đặc thù của ngành khai khoáng, các hoạt động khảo sát, thăm dò tài nguyên, khoáng sản bắt buộc phải triển khai làm cơ sở để quyết định các dự án khai thác, chế biến khoáng sản nếu kết quả thăm dò đạt yêu cầu. Các chi phí này chưa được coi là chi phí của dự án đầu tư nên trong trường hợp kết quả không đạt điều kiện để khai thác ở quy mô công nghiệp cũng nên có quy định xử lý chi phí thăm dò không thành công. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Chi phí khảo sát, thăm dò khoáng sản không thành công trong phân phối lợi nhuận sau thuế (nếu có).
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp lần này đã thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước; đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp trước đó, như cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, tạo cơ chế linh hoạt và phù hợp hơn với thực tiễn. Việc trao quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc quản lý dòng vốn nội bộ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy tối đa nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong tiến trình phát triển và hội nhập.
Ý kiến ()