20
18
/
935160
Những người còn lại ở trại phong...
longform
Những người còn lại ở trại phong...

 

8 con người là tám số phận khác nhau, nhưng họ đều có điểm chung là từng bị bệnh phong, phải trải qua cuộc sống đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Giờ đây, khi đã không còn mầm bệnh trong người, nhưng các khuyết tật thể chất cùng hàng chục năm sống cách ly khỏi xã hội khiến họ chỉ biết nương tựa vào nhau sống nốt quãng thời gian còn lại của đời người.

Đi khoảng 2km đường đất uốn lượn, lởm chởm ổ gà, sỏi đá, chúng tôi đến trại phong ở thôn Động Linh, phường Minh Thành, TX Quảng Yên. Trại phong là tên thường gọi của Khu điều trị nội trú bệnh nhân phong, trực thuộc Trung tâm Y tế TX Quảng Yên. Sau hơn 50 năm kể từ khi thành lập, trại phong hiện chỉ còn 8 cụ già tuổi từ 65 đến 82.

Dãy nhà mới xây gồm 6 phòng khang trang, sạch đẹp là nơi ở của 8 cụ. Trước đây, trại phong khá rộng, mỗi cụ ở trong một căn nhà nhỏ, có vườn, có ruộng. Khi nhà nước xây dựng Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng, chống khủng bố trên địa bàn TX Quảng Yên, phần lớn diện tích đất thuộc Khu điều trị nội trú bệnh nhân phong bị thu hồi phục vụ dự án. Vì vậy, đầu năm 2018, Sở Y tế đã xây dựng lại dãy nhà mái bằng gồm 6 phòng ở, điều trị dành cho 8 bệnh nhân.

Đã nhiều lần đến thăm nơi này nên chúng tôi thấy dù ở nơi cũ hay chỗ mới, trại phong cũng vẫn biệt lập, thưa vắng người qua lại. Có lẽ, sống quen cảnh tĩnh lặng, cô đơn, nên khi có khách tới, các cụ vừa mừng, vừa ngại. Mừng vì có thêm người, thêm tiếng nói, ngại vì nỗi tự ti, tự kỳ thị vẫn ẩn sâu, chỉ chờ người lạ đến là lại bộc phát. Phải trò chuyện một lúc, khi các cụ nhận ra “cô này đã đến đây vài lần rồi”, thì câu chuyện của chúng tôi mới cởi mở hơn. Nhưng trong sự cởi mở ấy, tôi nghe được những chuyện đời buồn.

Cụ Hoàng Thị Lịch năm nay tròn 80 tuổi, quê ở Đình Lập, Lạng Sơn. Cả cuộc đời cụ tóm lại chỉ ngắn gọn vài câu: Năm 21 tuổi, tay chân bị tê, nứt nẻ, mất cảm giác; gia đình mời thầy cúng, rồi chạy chữa khắp nơi mà bệnh không khỏi. Và rồi bác sĩ nói bị bệnh phong. Mấy chục năm trước, bệnh phong là một trong “tứ chứng nan y”, ai cũng kỳ thị, ghẻ lạnh người mắc bệnh. Chính vì vậy, tương lai của cô gái trẻ Hoàng Thị Lịch đóng lại từ đó. Bị cộng đồng xa lánh, người thân sợ hãi, cụ Lịch rời xa gia đình, đến trại phong ở Móng Cái điều trị. Năm 1970, cụ vào trại phong này và lưu lại đến nay. Mấy chục năm rồi, cụ Lịch chưa một lần về thăm gia đình. Anh em, họ hàng của cụ từ lâu cũng đã quên việc có một người thân đang sống hiu hắt những ngày cuối đời ở trại phong này.

Ở phòng bên cạnh, hai cụ Sú A Chiếng (82 tuổi) và Hoàng Thị Gái (78 tuổi) làm bạn với nhau cũng ngót 50 năm. Ông Chiếng biết mình bị bệnh từ năm 1954. Từ đó, ông lưu lạc hết trại phong này đến trại phong khác ở miền Bắc. Năm 1972, ông Chiếng làm bạn với bà Gái ở trại phong thuộc tỉnh Vĩnh Phúc bây giờ, sau đó đưa nhau về trại phong này. Hai người không có con. Gần 50 năm, cả hai chưa đi quá trại phong 10km, trừ những lần ông Chiếng ốm nặng phải nằm viện.

Sắp đến mốc “đám cưới vàng”, nhưng một ngày của hai vợ chồng già vẫn lặng lẽ trôi qua như những ngày đầu làm bạn. Người này chưa từng về thăm quê người kia, chưa từng biết anh em, họ hàng của nhau, chưa từng dự một bữa cơm sum vầy… Có khác chăng, trong câu chuyện của hai cụ bây giờ có nhiều hơn những lời than thở, lúc thì về bệnh huyết áp, tiểu đường của cụ ông, lúc là nỗi lo lắng, phiền muộn của cụ bà vì sợ có ngày cụ ông ra đi, chỉ còn một mình ở lại…

Cuộc đời của các thành viên ở trại phong không có nhiều sự kiện. Ký ức của họ không có gì nhiều. Dường như mỗi cụ ở đây chỉ còn nhớ nơi mình sinh ra và ngày vào trại phong này, còn tuổi thì người nhớ, người không. Ngày nay, bệnh phong không còn là nỗi khiếp sợ với mọi người, nhưng mấy chục năm trước, người mắc phong, hủi, bị cả cộng đồng, thậm chí cả cha mẹ, anh chị em kỳ thị, xa lánh. Chính vì lẽ đó, những bệnh nhân phong sống đến bây giờ vẫn mang trong mình ký ức về những tháng ngày sống cô độc, quạnh quẽ.

“Người thân” gần gũi nhất của 8 cụ già ở trại phong bây giờ là hộ lý Nguyễn Thị Thu, nhân viên Trung tâm Y tế TX Quảng Yên. Chị Thu được giao nhiệm vụ chăm sóc toàn diện cho các cụ trong giờ hành chính. Ngoài giờ, ở trại phong có một bảo vệ đến trông coi. Gần 20 năm làm việc ở đây, chị Thu coi các cụ như bố mẹ của mình, chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ, thường xuyên trò chuyện, bầu bạn cùng các cụ.

Cụ nào ốm, chị nấu cháo, giặt giũ, vệ sinh. Đến khi các cụ qua đời, chị cũng thường xuyên trông nom, hương khói phần mộ. Có lẽ vì thế, trong phòng ở của những người già cô đơn, bệnh tật này, số điện thoại của chị Thu được ghi to, rõ ràng và được dán ở nơi dễ nhìn thấy nhất. Nhưng cơ hội để gọi điện cho “cháu Thu” rất ít, vì ngày nào chị cũng có mặt ở trại phong, kể cả ngày lễ, tết. “Ở bên các cụ quen rồi, không đến một ngày là tôi không yên tâm” - chị Thu chia sẻ.

Từ năm 1982, những bệnh nhân phong ở đây thực chất đã không còn mang bệnh trên người, nhưng những khuyết tật trên cơ thể, những biến chứng từ bệnh cùng hàng chục năm sống cách ly khỏi cộng đồng đã khiến họ không còn khả năng tự mưu sinh. Vì vậy, ở lại trại phong là lựa chọn duy nhất của họ. Hiện hằng tháng, mỗi cụ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng; được phát quần áo, chăn chiếu, xà phòng, giấy vệ sinh... Các cụ cũng được hỗ trợ bảo hiểm y tế, được khám bệnh định kỳ; khi đau ốm có xe của Trung tâm Y tế TX Quảng Yên đến đón đưa đi khám, điều trị.

Người già ở trại phong vẫn tự nấu ăn. Mỗi gian phòng có hai cụ ở. Tuổi già, tính khí khác nhau nên mỗi cụ tự nấu ăn riêng theo ý thích, trừ 2 cặp vợ chồng cụ Sú A Chiếng - Hoàng Thị Gái và Trần Văn Thỉnh - Ngô Thị Thuận. Tuy trong mỗi phòng đều có khu bếp, vệ sinh liên hoàn, nhưng các cụ vẫn dùng bếp củi đun nấu thức ăn, vừa là thói quen, vừa tiết kiệm. Một ngày ở trại phong, nhộn nhịp nhất có lẽ là những lúc các cụ chuẩn bị cho bữa cơm. Bữa cơm tuy đạm bạc nhưng người ra, người vào, người nấu, người dọn, khiến mấy gian phòng có thêm tiếng nói, tiếng cười.

“Về già ai cũng muốn trở về quê hương, gia đình. Nhưng chúng tôi xa quê mấy chục năm rồi, cũng không có nơi để về. Chúng tôi được ở nhà mới, được chăm lo như vậy là tốt lắm rồi, giờ cứ dựa vào nhau, sống hết kiếp này thôi…” - cụ Hoàng Thị Gái, một trong 8 cụ già còn lại ở trại phong nói với tôi như vậy…

Hoàng Quý - Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu