
Những người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Họ là những “cây đại thụ” vững chãi, lặng thầm gánh vác trách nhiệm lớn lao, gìn giữ phong tục, khơi nguồn tri thức, hóa giải mâu thuẫn, lan tỏa niềm tin phát triển trong tiến trình xây dựng quê hương đổi mới, giàu đẹp, nghĩa tình.
Người giữ lửa niềm tin
Chiều cuối tuần, trong ánh nắng vàng trải nhẹ lên con đường bê tông phẳng phiu dẫn vào Nhà văn hóa khu phố Hà Phong 3 (phường Hà Tu), chúng tôi gặp chị Lâm Thị Thanh Hải (53 tuổi, dân tộc Sán Dìu), Bí thư Chi bộ, Trưởng khu phố. Tiếp chúng tôi trong Nhà văn hóa khang trang, xung quanh rợp bóng cây xanh, chị Hải với vóc dáng rắn rỏi, giọng nói đậm khí chất mang tới ấn tượng về một người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán. Khó ai nghĩ chị đã có 11 năm làm Trưởng khu, 8 năm làm Bí thư Chi bộ, với biết bao nỗ lực thầm lặng vì cộng đồng.
Nhắc đến chị Lâm Thị Thanh Hải, người dân khu phố Hà Phong 3 gọi bằng cái tên trìu mến: “Chị Hải - người của dân”. Từ việc lớn như sáp nhập phường, xây dựng hạ tầng, vận động thay đổi tập quán an táng, đến những chuyện nhỏ như lắp bóng đèn, khơi thông cống rãnh, tất cả đều in dấu chân, bàn tay và tâm huyết của người phụ nữ ấy.

Khu phố hiện có khoảng 300 hộ dân, gần 1.000 nhân khẩu, trong đó 60% là đồng bào dân tộc Sán Dìu. Cách đây hơn chục năm, khu phố còn nghèo, cơ sở hạ tầng yếu kém, phần lớn là nhà tranh vách đất, đường đi lầy lội mùa mưa, bụi mù mùa nắng. Đặc biệt, phong tục tập quán còn nặng nề, nhất là trong việc an táng, cải táng người mất. Người dân Sán Dìu khi ấy vẫn giữ tập tục chôn cất người chết trong vườn nhà, không đưa ra nghĩa trang, càng không nghĩ đến hỏa táng.
“Muốn dân nghe, mình phải làm trước, làm thật”, chị Hải chia sẻ. Những buổi họp dân không đếm xuể, những cuộc trò chuyện lặng lẽ bên bếp lửa, sự kiên trì “mưa dầm thấm lâu” đã giúp chị từng bước thuyết phục người dân thay đổi nhận thức. Đến năm 2019 khu phố đã 100% thực hiện an táng người chết ra nghĩa trang nhân dân, áp dụng hỏa táng, trở thành đơn vị dẫn đầu trong đổi mới nếp sống văn hóa vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Không chỉ vận động bằng lời nói, chị Hải còn tiên phong trong thực hiện. Từ năm 2015 đến nay, dưới sự chỉ đạo của chị, khu phố Hà Phong 3 đã hoàn thành bê tông hóa 100% tuyến đường, mở rộng hàng loạt trục chính. 20 hộ dân đã hiến hơn 1.000m² đất mở rộng đường nối từ tổ 25 đến tổ 28; 4 hộ khác hiến 500m² đất xây dựng lại nhà văn hóa khang trang như hôm nay.
Thành quả ấy đến từ những cuộc họp Chi bộ, tổ dân phố kéo dài đến tối muộn, là biết bao lần chị đến từng hộ gia đình vận động, thuyết phục, giải thích. Có người phản đối, có người nghi ngại, nhưng sự chân thành và uy tín cá nhân của chị đã dần xóa đi mọi rào cản.
Cùng với chỉnh trang đô thị, chị Hải còn vận động đóng góp gần 50 triệu đồng làm khu vui chơi cho trẻ em, hiến đất trị giá 600 triệu đồng để làm bờ kè và hệ thống thoát nước. Không chỉ giải quyết những vấn đề “trước mắt”, chị còn lo cho tương lai của thế hệ trẻ, của đời sống văn hóa tinh thần khu phố.

Chị Hải không chỉ là cán bộ chính quyền mà còn là “hạt nhân” văn hóa cộng đồng. Chị khởi xướng phục dựng Lễ hội Bình An, một lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Sán Dìu; chị vận động sửa chữa Đình Lộ Phong, một di tích cấp tỉnh, để gìn giữ nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng của bà con trong khu.
Bà Nguyễn Thị Điền (64 tuổi) xúc động nói: “Chị Hải là người cán bộ mẫu mực, làm gì cũng nghĩ cho dân. Nói là làm, làm là đến nơi đến chốn, chúng tôi tin chị lắm”.
Ngày 1/7/2025 các phường Hà Phong và Hà Tu sáp nhập thành phường Hà Tu mới theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Một lần nữa chị Hải là người đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu đúng, nắm rõ thông tin, tránh tâm lý hoang mang, xáo trộn. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhịp sống khu phố vẫn an yên, gắn bó như trước. “Làm cán bộ cơ sở không phải để hơn thua với ai, mà là để dân tin, dân nghe, dân theo. Chữ "uy tín" không tự nhiên mà có, phải đánh đổi bằng cả niềm tin và sự hy sinh thầm lặng”.
Già làng của thôn
Chúng tôi tìm đến nhà ông Lý Tắc Mềnh, người uy tín của đồng bào Dao thôn Đài Van (đặc khu Vân Đồn) vào một chiều mưa dày hạt trung tuần tháng 7/2025, khi hoàn lưu bão số 3 còn để lại hơi ẩm thấm đẫm núi rừng.

Ngôi nhà kiên cố nằm nép dưới sườn đồi, hướng về phía trung tâm thôn. Ông Mềnh đón chúng tôi với nụ cười hiền hậu, chậm rãi rót chén nước lá rừng mời khách. Dáng người rắn rỏi, giọng nói vang vọng, ít ai nghĩ ông đã bước sang tuổi 72.
Sinh ra ở huyện Đình Lập (tỉnh Lạng Sơn), năm 22 tuổi ông nhập ngũ, thuộc Trung đoàn 11, Sư đoàn 329, Quân khu 3, đóng quân tại khu vực Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh). Xuất ngũ năm 1980, ông trở lại quê hương, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình. Năm 1989 ông đưa gia đình tới lập nghiệp ở thôn Đài Van theo chính sách khuyến khích người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới. Cùng đi với ông là 17 hộ dân người Dao (từ các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên cũ); đến năm 1990 có thêm 10 hộ đến định cư.
Ông Mềnh kể: "Khi ấy Đài Van còn rất hoang vu, đường đi chỉ là lối mòn nhỏ, mùa mưa ngập lầy, toàn thôn sống biệt lập giữa rừng núi. Không điện, không nước máy, mọi sinh hoạt đều tự cung tự cấp. Tất cả các hộ đều thuộc diện hộ nghèo...”.
Không nản chí, những người Dao tiên phong như ông Mềnh bắt tay vào khai hoang, trồng lúa, dựng nhà. Sau năm 2010, khi Chương trình 135 của Chính phủ được triển khai, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng rừng được hỗ trợ. Đặc biệt, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã mở ra hướng phát triển bền vững cho thôn.
Người dân thôn biết tận dụng đất rừng, đẩy mạnh trồng cây keo, hồi, chăn nuôi con trâu, bò. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Năm 2020 Đài Van không còn hộ nghèo, đến năm 2023 không còn hộ cận nghèo, một thành quả đáng khích lệ cho cộng đồng người Dao nơi đây.

Góp phần không nhỏ vào những đổi thay ấy là sự tận tâm của người có uy tín, CCB Lý Tắc Mềnh. Từ năm 1989-1999, ông làm Phó trưởng thôn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn, Trưởng thôn. Năm 2024 ông xin nghỉ công tác, nhưng vai trò “già làng”, người uy tín vẫn vẹn nguyên trong lòng dân.
Ông Nguyễn Hữu Thiết (72 tuổi), một người dân thôn, nhận xét: “Ông Mềnh là chỗ dựa tinh thần cho bà con. Có ông đứng ra, việc gì cũng dễ giải quyết. Ông là linh hồn của thôn người Dao chúng tôi”.
Hơn 30 năm qua, ông Mềnh không chỉ là người gương mẫu trong đời sống, mà còn tiên phong trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ông đã vận động bà con tiết giảm quy mô lễ cấp sắc, một nghi lễ quan trọng trong đời người Dao. Trước kia, lễ kéo dài 3 ngày 2 đêm, tốn kém và nặng gánh với những gia đình khó khăn. Ông đã kiên trì giải thích, thuyết phục bà con tiết giảm các phần lễ không cần thiết, rút gọn còn 1 ngày 1 đêm, vừa giữ nét đẹp truyền thống, vừa phù hợp điều kiện kinh tế.
Ông Mềnh còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật, giữ gìn ANTT địa phương. Trước kia, mỗi nhà thường có súng săn, ông đã vận động người dân tự nguyện giao nộp vũ khí. Ông tuyên truyền, vận động 3 hộ dân tự nguyện bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, góp phần đảm bảo tiến độ dự án. Ông kịp thời phản ánh nhiều vụ việc: Đổ rác thải trái phép; khai thác đất, san gạt mặt bằng trái quy định; phát hiện người nước ngoài và người lạ mặt không khai báo lưu trú…, giúp chính quyền xử lý kịp thời.

Chị Tằng Nhì Múi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đài Van, nhận xét: Ông Lý Tắc Mềnh là người có uy tín rất lớn trong cộng đồng người Dao ở đây. Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông luôn thể hiện sự tận tâm, trách nhiệm, gần dân, sâu sát dân. Ông là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, đặc biệt là trong công tác vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con. Những đóng góp của ông góp phần ổn định đời sống nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp Đài Van vươn lên mạnh mẽ, không còn hộ nghèo.
Theo số liệu của Sở Dân tộc và Tôn giáo, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 người có uy tín, là những cá nhân tiêu biểu được cộng đồng tin tưởng, kính trọng và noi theo, là lực lượng quan trọng góp phần giữ gìn sự đoàn kết, ổn định và phát triển bền vững trong một địa bàn đa dạng về dân tộc, tôn giáo và thành phần xã hội. Vai trò của người có uy tín tại Quảng Ninh đặc biệt quan trọng, bởi họ là những người am hiểu văn hóa, phong tục địa phương, có tiếng nói ảnh hưởng trong cộng đồng, là cầu nối hiệu quả giữa chính quyền với nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ý kiến ()