
"Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân"
Với quyết tâm góp phần thu hẹp khoảng cách số, đưa kiến thức công nghệ lan tỏa đến tận cộng đồng, Tỉnh Đoàn vừa phát động đợt cao điểm 30 ngày mở các lớp “Bình dân học vụ số” (từ ngày 10/7-10/8/2025), tiếp tục minh chứng sinh động cho vai trò tiên phong của tuổi trẻ trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn chị Nguyễn Phương Thảo, Bí thư Tỉnh Đoàn, về nội dung này.
![]() - Chị cho biết điều gì khiến Tỉnh Đoàn quyết định phát động 30 ngày cao điểm mở các lớp “Bình dân học vụ số”? + Trong bối cảnh chuyển đổi số đang bùng nổ và trở thành một phần không thể thiếu của đời sống, chúng tôi nhận thấy vẫn còn không ít người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… chưa có điều kiện tiếp cận kiến thức và kỹ năng số. Đợt cao điểm này là hành động cụ thể nhằm lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến mọi tầng lớp nhân dân, góp phần thu hẹp khoảng cách số. Tuổi trẻ Quảng Ninh phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, trở thành “cầu nối” đưa công nghệ đến gần hơn với cộng đồng. Mục tiêu không chỉ là dạy cách sử dụng điện thoại thông minh, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mà còn giúp người dân hình thành thói quen ứng dụng công nghệ trong cuộc sống thường ngày. Đây cũng là bước cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Đề án 06 của Chính phủ về phát triển chuyển đổi số quốc gia. |
- Trong đợt cao điểm này, Tỉnh Đoàn ưu tiên tập trung vào những đối tượng và địa bàn nào, cách làm cụ thể ra sao để đạt hiệu quả thiết thực?
+ Chúng tôi xác định 3 nhóm đối tượng trọng tâm: Thứ nhất, cán bộ đoàn, CCVC trẻ - lực lượng nòng cốt và là “hạt nhân chuyển đổi số cơ sở”. Thứ hai, người cao tuổi, trung niên, những người ít tiếp xúc với công nghệ ở cộng đồng dân cư. Thứ ba, thanh thiếu nhi đang sinh hoạt hè tại địa phương.
Địa bàn trọng điểm là các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Ngay sau phát động, các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo: Tổ chức lớp điểm cấp tỉnh về “Kỹ năng ứng dụng AI trong công tác Đoàn - Hội - Đội” với gần 3.000 cán bộ tham gia; lớp “Bình dân học vụ số” phổ biến kiến thức AI cho trên 150 người dân, ĐVTN.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 lớp “Bình dân học vụ số”, 115 hoạt động phổ cập kỹ năng số cho hơn 6.500 người dân và thanh thiếu nhi, áp dụng mô hình “1 thanh niên kèm 1 người dân” và phương pháp “học đi đôi với thực hành”. Hơn 1.850 lượt đoàn viên, sinh viên, giáo viên trẻ tình nguyện tham gia các đội hình như “Hoa phượng đỏ”, “Mùa hè xanh”, “Bình dân học vụ số”… Hơn 1.200 sinh viên ngành CNTT các trường đại học, cao đẳng, thanh niên tình nguyện được tập huấn kiến thức, kỹ năng và ra quân hỗ trợ chính quyền địa phương hai cấp tại các trung tâm hành chính công các xã, phường, đặc khu, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Không dừng lại ở việc “giảng dạy”, chúng tôi còn ra mắt cẩm nang, sổ tay điện tử và đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng số như Zalo mini app “Thanh niên Quảng Ninh số”, nhóm Zalo tổ dân, khu phố… để kiến thức lan tỏa sâu rộng và bền vững.
- Tỉnh Đoàn sẽ làm gì để duy trì, nhân rộng kết quả sau khi kết thúc đợt cao điểm?
+ Chúng tôi kỳ vọng đợt cao điểm này không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng, mà còn tạo ra thay đổi thực sự trong nhận thức và thói quen ứng dụng công nghệ số của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo - nơi tiếp cận còn nhiều hạn chế. Sau đợt cao điểm, BTV Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn duy trì và nhân rộng các lớp “Bình dân học vụ số” theo hướng linh hoạt, thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế từng địa phương; đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn thành thạo công nghệ, biết ứng dụng AI để đổi mới công tác Đoàn - Hội - Đội, đặc biệt là phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong sinh viên ngành CNTT các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, chúng tôi mong muốn mỗi đoàn viên thực sự trở thành “hạt nhân chuyển đổi số” ở cơ sở, không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn kiên trì, gần gũi, đồng hành, giúp người dân tự tin sử dụng công nghệ trong cuộc sống hằng ngày. Bởi công nghệ số có thể thay đổi rất nhanh, nhưng nhận thức, thói quen của người dân lại cần sự bền bỉ và trách nhiệm của tuổi trẻ để tạo ra chuyển biến. Khi đó chuyển đổi số sẽ không còn là khẩu hiệu, mà trở thành kỹ năng thiết yếu, gắn liền với đời sống của người dân. Đó chính là thành công lớn nhất mà chúng tôi hướng tới.
- Xin cảm ơn chị!
Ý kiến ()