
Đêm ca ba với thợ mỏ Mông Dương
Tôi đã từng đi lò nhiều rồi nhưng đi ca ba với công nhân mỏ thì chưa có dịp. Tại Công ty Than Mông Dương lần này tôi đã có những trải nghiệm thú vị lần đầu tiên như thế.
Hãy thức cùng nhau đêm ca ba
Ca ba bắt đầu từ khoảng 10 giờ đêm. Quả thực, nếu không có những ánh đèn cao áp thì tôi vẫn nghĩ đang là ban ngày. Không khí sản xuất nhộn nhịp, tiếng máy chạy át cả tiếng ve kêu giữa đêm hè, tiếng chân thợ lò gõ ủng xuống đường, tiếng cười, tiếng nói, tiếng gọi nhau í ới không cho tôi nghĩ rằng đêm đã dần muộn hơn. Thời tiết mùa hè cũng đang rất nóng bức. Đêm cũng chẳng khác ngày là mấy. Vào Mông Dương, đi ca ba với thợ mỏ, nhìn ai cũng tràn đầy nhiệt huyết, có lẽ tôi càng thấy nóng hơn.
Từ sân Công ty đi đến khu vực sản xuất phải ngang qua nhà bếp của Phân xưởng Đời sống. Ánh đèn nhà ăn vẫn sáng choang. Các chị nhà bếp tất bật chuẩn bị bữa ăn ca cho công nhân. Ăn đầu ca rồi ăn cuối ca lúc chui lò lên. Hết ca này đến ca khác. Trong bếp toả ra mùi thơm khó cưỡng của bánh mì mỏ đang nướng trong lò. Ở đây, lò bánh lúc nào cũng nóng. Lò chạy liên tục nên không có chuyện bánh mì nguội để từ hôm trước cho thợ lò ăn hôm sau. Có lẽ đã nửa đêm rồi và phải thức nên ai nấy đều có cảm giác đói. Người thợ lò ăn rất ngon lành với những khẩu phần ăn đầy ắp. Còn bánh mì và sữa thì thợ lò mang theo để ăn giữa ca.
Chúng tôi đến Phân xưởng Đào lò 5, đúng lúc các anh đang giao ca. Phân xưởng có 122 người thì có đến 80 thợ lò là đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi nhìn danh sách thợ lò đang treo trên tường toàn thấy họ Lỷ, họ Phùn, họ Chìu, họ Vy, họ Nông. Hỏi ra mới biết anh em thợ lò ở một số xã vùng cao miền Đông của tỉnh là Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu.
Trên danh sách trước mắt tôi còn nhiều họ khác mà tôi chưa thấy ở Quảng Ninh bao giờ như: Họ Chắng, họ Sẻn, họ Sùng, họ Lạc… Trong câu chuyện với chúng tôi, có người nói tiếng phổ thông còn chưa thật sõi. Nhưng tôi biết, họ đến Quảng Ninh vì yêu mảnh đất này, vì thu nhập cao. Và hơn nữa, chính họ bằng một cách nào đó đã đem văn hoá dân tộc mình, quê hương mình đến Quảng Ninh làm giàu thêm cho kho tàng văn hoá các dân tộc nơi đây.
Bên cạnh Phân xưởng Đào lò 5 là Phân xưởng Khai thác 8. Anh em thợ lò đã đi sâu đến mức -140 bằng hệ thống lò chợ chống giữ giá thuỷ lực ZH 1800/16/24 ZL. Phó Quản đốc Phạm Văn Công quán triệt công việc ca trước, đánh giá những cái được và cái chưa được. Rồi anh Công phân chia nhóm công việc. Toàn bộ chia làm 4, mỗi nhóm có công việc cụ thể. Nào là củng cố lò chợ, đảm bảo vì đơn đầu lò chợ, khoan vách, vận hành tời, vận hành bơm, thợ mìn, giá mìn, đảm bảo an toàn.
Sau khi phân chia nhóm là phân công một người làm nhóm trưởng. Xong nhóm nào cả nhóm lại hô to: “Rõ”. Tất cả dụng cụ lao động, máy móc, thiết bị điều kiện vận hành đã được chuẩn bị đảm bảo kỹ thuật và tuyệt đối an toàn. Việc an toàn phải đặt lên vị trí ưu tiên số một. Xong xuôi việc phân công cả phân xưởng đều hô to: “Ca ba làm việc phải an toàn”.
Nói rồi lần lượt từng người thợ quét khuôn mặt vào bảng chấm công bắt đầu di chuyển xuống nhà đèn để nhận thiết bị dụng cụ. Thợ lò Tằng A Tài, dân tộc Dao, cho biết, anh ở xã Bình Liêu xuống Mông Dương đi lò đã 7 năm rồi. Công việc ban đầu có vất vả nhưng giờ thì quen rồi lại thấy yêu thích.
Trong đêm khuya nhưng vẫn không thiếu tiếng cười trên môi người thợ. Đặc biệt, tôi thấy dường như không có đôi mắt nào ngái ngủ. Trong khi đó, dường như, thức khuya không quen hai mí mắt của tôi đã muốn nhíu lại, có phần buồn ngủ. Thấy vậy, Tài bảo, khi mới đi làm Tài cũng vậy, dần dần sẽ quen thôi. Đi ca đêm như thế này phải đến 6 giờ 20 sáng mới ra lò lên mặt đất. Tôi chợt hiểu ra, mình đi chỉ có 1 đêm thôi đã thấm tháp gì so với Tài và đồng nghiệp của anh.
Đi cùng người thợ từ nhà đèn xuống cửa lò, trong tâm trí tôi chợt nhớ đến những câu hát trong bài “Đêm ca ba” của một nhạc sĩ trẻ Quảng Ninh: “Hãy thức cùng tôi đêm ca ba! Bạn sẽ thấy những vì sao sáng trên tầng cao, thắp sáng đường lò sâu, soi bước chân người thợ… Những giọt mồ hôi ướt đẫm, tan trong cơn mưa bất chợt… Vẫn thấy trên môi nụ cười người thợ”.

Vẫn vượt vũ môn
Chúng tôi đến khu nhà tời giếng đứng đưa người xuống mức -97,5m so với mực nước biển. Vẫn là mặt bằng khai thác -97,5m như người Pháp xây dựng đầu thế kỷ trước nhưng bây giờ chiều sâu lò chợ đã khác xa và tâm thế của người thợ lò đã khác nhiều. Ngược dòng lịch sử về năm 1910, người Pháp bắt đầu khai thác than ở Mông Dương nhưng chủ yếu là lộ thiên, khai thác hầm lò rất nhỏ lẻ. Đến năm 1934 thì bắt đầu xây dựng lò giếng đứng mức -97,5m, 4 năm sau thì hoàn thành tuy nhiên sản lượng than ra rất thấp. Năm 1955, chủ mỏ ra đi không muốn cho người Việt khai thác được than. Chính quyền cách mạng tiếp quản Vùng mỏ trong đó có Mông Dương nhưng lò giếng đứng đã không thể hoạt động được.
Bắt đầu từ năm 1960, Liên Xô cử đoàn chuyên gia sang hỗ trợ khôi phục lò giếng đứng nhưng rồi 5 năm sau chưa kịp hoàn thành thì máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, việc khôi phục tiếp tục bị đình trệ. Từ năm 1969, công cuộc cải tạo mỏ được khởi động lại và đến ngày 28/12/1982 thì hoàn thành, tấn than đầu tiên của mỏ Mông Dương theo đoàn tàu kéo hoà vào dòng than cho Tổ quốc. Hơn 20 năm dài bằng cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, người Mông Dương đã trường kỳ vật lộn với mưa nắng và cả bom đạn để khôi phục cho bằng được lò giếng đứng năm xưa.
Từ khu vực tời, thợ lò sẽ vào một không gian hộp thép giống như thang máy mà họ quen gọi là thùng cũi để xuống lòng đất đến khu vực nhà ga trung tâm của mỏ. Dừng chân ở nhà ga, thợ lò tiếp tục chuyển sang xe song loan đi 4,5km là đến lò chợ. Đèn lò lấp lánh trên đầu, người thợ tiếp tục đi bộ xuống tiếp tầm 300m thì đến mức -160m do Phân xưởng Khai thác 5 đang khai thác. Anh Nguyễn Đức Dũng, Phó Quản đốc Phân xưởng Khai thác 5, lần lượt giới thiệu từng vị trí, từng thiết bị máy móc đang vận hành trong lò chợ.

Khu vực lò chợ này có đến 96 giàn chống thuỷ lực. Tôi đặc biệt chú ý đến cái tên viết tắt lò CGH VM. Chữ CGH thì tôi gặp nhiều rồi, ý chỉ đây là lò chợ cơ giới hoá đồng bộ. Còn VM thì chưa gặp hỏi ra mới biết VM viết tắt của Vũ Môn.
Ai còn dám bảo thợ lò không sâu sắc, không lãng mạn khi chứng kiến câu chuyện này. Họ đặt tên lò chợ như vậy để gợi nhắc về truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hoá rồng, ý là mọi khó khăn thử thách sẽ được vượt qua bỏ lại sau lưng bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ. Người thợ lò đặt tên nơi mình làm việc hàng ngày như thế là để động viên nhau cùng chung sức đồng lòng chinh phục những thử thách phía trước.
Đến đây, tôi lại nhớ đến lời của ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc TKV, người có nhiều năm làm Giám đốc Công ty Than Mông Dương. Ông Kiển nhận thấy rằng, Mông Dương vốn rất khó khăn trong khai thác vì có điều kiện kỹ thuật, địa chất rất phức tạp, nhiều đứt gãy khó mà làm cơ giới hoá toàn bộ hiện đại cho được. Thậm chí những năm 80 của thế kỷ trước, Mông Dương còn là địa bàn heo hút, thiếu thốn đến từng mớ rau, con cá, chứ nói gì đến thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, vượt qua mọi thử thách, người Mông Dương đã thể hiện bản lĩnh tuyệt vời trong khó khăn gian nan. Người Mông Dương từng dầm mưa dãi nắng, màn trời chiếu đất để quyết tâm khôi phục mỏ bị hư hại do bom đạn chiến tranh, do mưa bão. Và ông Kiển đã đúc kết: Người Mông Dương trung thực, cởi mở, rộng lượng, dám hy sinh, chịu thương chịu khó, kiên cường sáng tạo và luôn đổi mới.
Tôi nghĩ, còn một điều nữa mà có lẽ ông Kiển chưa đúc kết, đó là người Mông Dương cũng rất đỗi thuỷ chung với mảnh đất mình đã yêu. Không tin, cứ đến hỏi ông Hà Văn Hồng, nguyên tổ trưởng sản xuất mỏ Mông Dương, Anh hùng Lao động thì sẽ rõ. Hơn 20 năm chui lò bụi bặm, nhận đủ các danh hiệu rồi nhưng nghỉ hưu ông Hồng không về cố hương Thanh Hoá mà chọn ở lại Mông Dương. Mông Dương là tình yêu, là mồ hôi nước mắt của ông, của những người một thời gắn bó đâu thể nói dứt áo ra đi là ra đi cho được. Trong một đêm trắng ở mỏ Mông Dương, tôi đã nghiệm ra điều tưởng như là mẫu số chung ở những người chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình.
Ý kiến ()