
Chính sách đồng bộ: Động lực phát triển vùng khó
Trong hành trình kiến tạo phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh Quảng Ninh đã xác định rõ phương châm lấy người dân làm trung tâm, lấy hạ tầng làm nền tảng thúc đẩy, lấy chính sách đồng bộ làm động lực chuyển hóa tiềm năng thành kết quả thực chất.
Kết nối hạ tầng, lan tỏa sinh kế
Xác định hạ tầng là “mạch máu” cho phát triển, Quảng Ninh tập trung ưu tiên, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng động lực với vùng khó khăn; gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm tăng cường mở rộng liên kết, khai thác lợi thế kinh tế, thúc đẩy vùng phát triển nhanh bền vững. Tính riêng giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương 785 công trình, dự án thuộc các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, giáo dục, y tế, văn hóa, điện lưới, và chỉnh trang khu dân cư.

Đặc biệt, toàn bộ 15/15 dự án giao thông động lực kết nối vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đã được hoàn thành đúng tiến độ nhờ nguồn vốn bố trí trực tiếp thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh “về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng kết nối mang tính động lực giữa Hạ Long - Ba Chẽ (hoàn thành năm 2024); 3 cửa khẩu: Hoành Mô - Bắc Phong Sinh - Móng Cái.
Năm 2024, tỉnh đã triển khai Đề án cải tạo, nâng cấp giao thông nông thôn giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030, ưu tiên 73 công trình tại các địa bàn khó khăn, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân tới trung tâm dịch vụ, giáo dục, y tế, phát triển sản xuất và hội nhập. Ông Chíu Sinh Phát, thôn Pắc Cáy, xã Ba Chẽ, phấn khởi cho biết: Các tuyến đường đến tận thôn, bản được Nhà nước đầu tư mở rộng khang trang, thương lái đến tận nơi thu mua keo, quế với giá cao hơn, đời sống ngày một khấm khá nên bà con rất phấn khởi.
Gắn liền với đầu tư hạ tầng, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài chính. Tổng vốn bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS giai đoạn 2021-2025 đạt 2.241,6 tỷ đồng, trong đó riêng nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh lên tới 495,969 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2025, đã có 5.416 lượt hộ dân được vay vốn với tổng số tiền 412,737 tỷ đồng, dư nợ đạt 303,646 tỷ đồng, với mức vay bình quân 73 triệu đồng/hộ, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao đời sống và giảm nghèo thực chất. Anh Sằn Văn Cắm, thôn Hà Bắc, xã Điền Xá, cho biết, nhờ vay vốn từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình anh có điều kiện mở rộng quy mô đàn gà lên hơn 10.000 con mỗi năm, mang lại thu nhập 600 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Nhờ nguồn lực đầu tư đúng trọng tâm và hiệu quả, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh chỉ còn 8 hộ nghèo (đều là hộ DTTS). Dự kiến đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ hoàn toàn không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn tỉnh, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình nâng cao chất lượng dân cư vùng đặc biệt khó khăn.
Cùng với giảm nghèo, tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao thu nhập bền vững cho người dân vùng đồng bào DTTS. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực này chỉ đạt 43,7 triệu đồng/người/năm, đến năm 2024 đã tăng lên 83,79 triệu đồng/người/năm, tức gấp gần 1,9 lần, đạt 95,87% mục tiêu đề ra đến năm 2025.
Cùng với tập trung vào đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sinh kế, Quảng Ninh còn chăm lo chiều sâu chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và dinh dưỡng cộng đồng. Thực hiện các nghị quyết số 20-NQ/TW và 21-NQ/TW (khóa XII), ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới, tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng y tế cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, tích hợp lịch sử y tế qua ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, triển khai quản lý sức khỏe toàn dân và khám chữa bệnh quân dân y kết hợp tại vùng sâu, vùng xa.
Một trong những điểm sáng là việc hỗ trợ 100% kinh phí cấp thẻ BHYT cho 70.555 người DTTS ở các xã mới ra khỏi diện khó khăn đến hết năm 2025. Toàn tỉnh đạt tỷ lệ 100% xã tổ chức tư vấn dinh dưỡng cho trẻ dưới 2 tuổi, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà trong 42 ngày đầu sau sinh. Tỉnh cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế, như Dự án AC Thụy Điển, thực hiện hiệu quả chương trình “Tăng cường các quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em tuổi vị thành niên và phụ nữ DTTS tại tỉnh Quảng Ninh”.

Kiên định mục tiêu phát triển bền vững
Những kết quả đã đạt được qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh ở các vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cũng là cơ sở quan trọng để Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2030 theo các nghị quyết của Quốc hội. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, cơ bản đạt các chỉ tiêu phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội toàn diện; các xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh có hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh; 100% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tái cơ cấu sản xuất theo hướng gắn với tiềm năng, lợi thế từng vùng miền; đẩy mạnh triển khai các mô hình hỗ trợ sản xuất, đặc biệt là các dự án liên kết trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại địa phương, nhằm tạo sinh kế ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cùng với đó, tỉnh sẽ thực hiện phân tích cơ cấu nguồn thu từ kết quả khảo sát thực tế để xây dựng giải pháp tăng thu nhập bền vững giai đoạn 2026-2030. Quyết liệt rà soát, xử lý triệt để tình trạng chồng lấn quy hoạch 3 loại rừng, giải quyết tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân và tổ chức được giao quản lý. Tỉnh phấn đấu tăng diện tích rừng có chứng chỉ FSC, thúc đẩy chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng cảnh quan.
Trong lĩnh vực thủy sản, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành việc giao khu vực biển nuôi trồng theo quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản tại những địa phương có lợi thế vùng biển và hải đảo, góp phần đa dạng hóa sinh kế cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Quảng Ninh đang tập trung rà soát tổng thể để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, ưu tiên bố trí nguồn lực - cả về tài chính lẫn nhân lực - nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026-2030. Ngân sách nhà nước tiếp tục được xác định là động lực, là “vốn mồi” quan trọng để huy động, dẫn dắt và kích hoạt các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia vào quá trình phát triển.

Song song với đó, tỉnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc phát triển, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được xác định là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của vùng, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
Quảng Ninh cũng tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, phát huy tính chủ động của cấp xã trong tổ chức và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau sắp xếp đơn vị hành chính. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát sẽ được tăng cường, đặc biệt là vai trò giám sát, tham gia trực tiếp của cộng đồng và người dân trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ý kiến ()