
Thúc đẩy ngành du lịch thông minh
Đặt vé online, thanh toán thông minh, quét mã QR nhận thông tin điểm đến… là những ứng dụng mà các điểm đến du lịch của Quảng Ninh đang thực hiện. Qua đó, nhằm nâng cao trải nghiệm du khách theo cách mới - thuận tiện hơn, chất lượng hơn. Đồng thời, tăng hiệu quả quản lý và hướng tới phát triển bền vững.
Từ việc xếp hàng dài chờ mua vé, giờ đây du khách chỉ cần vài thao tác mua vé và thanh toán trên điện thoại thông minh là có thể vào tham quan Bảo tàng Quảng Ninh. Quy trình sử dụng được đơn giản hóa, sau vài bước điền thông tin và thanh toán trực tuyến nhanh chóng, hệ thống sẽ trả về một mã QR vé điện tử. Du khách sử dụng chính mã QR này để qua cổng soát vé tự động, bắt đầu hành trình tham quan một cách liền mạch và hiện đại.
Chị Nguyễn Thị Huế, du khách Hà Nam chia sẻ: Đối với giới trẻ chúng tôi, mọi thứ càng nhanh, càng tích hợp thì càng tốt. Việc có thể đặt vé ngay trên Zalo, một ứng dụng mà tôi dùng hàng ngày, thực sự rất tuyệt vời. Tôi có thể thanh toán vé ngay từ nhà, đến nơi chỉ cần xuất trình mã QR, vừa nhanh, vừa hiện đại, lại không phải lo lắng chuyện nắng nóng hay chờ đợi.
Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số, Bảo tàng Quảng Ninh là một trong những đơn vị tiên phong đầu tư, ứng dụng công nghệ bài bản và có chiều sâu. Ngay từ năm 2014, khi khái niệm chuyển đổi số còn khá mới mẻ, Bảo tàng đã mạnh dạn ra mắt mô hình “Bảo tàng ảo” 3D, tiếp đến là hệ thống thuyết minh tự động, giúp du khách tự chủ khám phá câu chuyện của từng hiện vật. Ngoài ra, các màn hình cảm ứng tương tác lớn được lắp đặt trong bảo tàng biến việc tra cứu thông tin trở nên trực quan và hấp dẫn hơn.
Ông Nguyễn Sỹ Việt, Trưởng phòng Kỹ thuật thiết bị, Bảo tàng Quảng Ninh khẳng định: Việc đưa vào sử dụng các hệ thống du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số đã hỗ trợ các đơn vị nắm bắt tốt hơn nhu cầu của du khách nhằm đổi mới các sản phẩm du lịch, góp phần xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện, lành mạnh. Đặc biệt là đưa di sản đến gần hơn với công chúng, phá vỡ mọi khoảng cách về không gian và thời gian, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Không chỉ ở Bảo tàng Quảng Ninh, các địa phương như Cô Tô cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, trở thành một trong những công cụ đắc lực để thu hút du khách. Bên cạnh việc vận hành trang web cung cấp thông tin về điểm đến, áp dụng công nghệ thực tế ảo VR 360 độ, truyền thông trên mạng xã hội, đầu tháng 7 vừa qua, Đặc khu Cô Tô vừa chính thức ra mắt ứng dụng “Cô Tô Digital” - nền tảng công dân số thông minh, hiện đại, thân thiện với người dùng. Với giao diện trực quan, dễ sử dụng, ứng dụng tích hợp nhiều tiện ích nổi bật như: Tra cứu nhanh, cập nhật theo thời gian thực lịch trình tàu đi Cô Tô; tìm kiếm địa chỉ nhà hàng, khách sạn uy tín; kết nối hai chiều giữa công dân, du khách và chính quyền; cập nhật thông báo, thời tiết, hoạt động du lịch; cung cấp đường dây nóng…
Nhận thức rõ chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, ngành du lịch Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao trải nghiệm du khách và phát triển bền vững. Tỉnh đã xây dựng hệ thống du lịch thông minh, hỗ trợ du khách trải nghiệm tốt hơn, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hiệu quả hơn và cơ quan quản lý có thể phân tích, dự báo số liệu, đẩy mạnh quảng bá và quản lý hoạt động du lịch. Hiện có gần 200 trong tổng số 370 điểm di tích tại 13 địa phương trong tỉnh đã được số hóa và gắn mã QR, giúp du khách dễ dàng truy cập thông tin về lịch sử, văn hóa của các điểm đến.
Trước mắt, ngành du lịch Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trọng tâm nhằm tạo bước đột phá trong quản lý và phát triển du lịch. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về chuyển đổi số; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Cùng với đó, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống dữ liệu số về du lịch, mã hóa thông tin các khu, điểm du lịch bằng mã QR, tích hợp dữ liệu và bản đồ số, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh phục vụ du khách. Đồng thời, Quảng Ninh cũng chú trọng xây dựng cổng thông tin du lịch đồng bộ, tiện ích, hỗ trợ hiệu quả cho người dùng và nhà quản lý. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và công nghệ giám sát cũng được đẩy mạnh, nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, điều hành và xây dựng chính sách phát triển du lịch phù hợp với xu thế số hóa hiện nay.
Đặc biệt, tỉnh sẽ triển khai số hóa toàn diện các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc số hóa, các di tích sẽ được giới thiệu sinh động bằng nhiều hình thức trực quan hiện đại như: video 3D, audio thuyết minh tự động, bản đồ di sản số và các trang web chuyên biệt. Nội dung sẽ được trình bày song ngữ (tiếng Việt và tiếng nước ngoài), tích hợp mã QR và liên kết nền tảng số du lịch thông minh, giúp người dân và du khách dễ dàng tiếp cận thông tin chỉ bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh.
Không chỉ góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của Quảng Ninh tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, việc số hóa còn tạo nền tảng để phát triển các sản phẩm du lịch mới gắn với di sản, thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ trong chuỗi giá trị du lịch. Đây cũng là bước đi quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 31/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ý kiến ()