20
18
/
1101150
Những chiến sĩ tiêu biểu trên mặt trận sản xuất than
longform
Những chiến sĩ tiêu biểu trên mặt trận sản xuất than

Cover

Thợ mỏ thường xuyên phải đối mặt với môi trường làm việc nặng nhọc, vất vả, hiểm nguy. Với tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, thợ lò kiên cường bám trụ trước mỗi gương than, đường lò. Ngày càng nhiều tấm gương thợ mỏ - chiến sĩ điển hình khơi nguồn vàng đen cho Tổ quốc.

Ảnh trong văn bản

Sinh ra và lớn lên tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, năm 19 tuổi anh Nguyễn Trọng Thái ra Quảng Ninh học nghề mỏ. Năm 1994 ra trường, anh nộp đơn xin vào làm việc tại Mỏ than Hà Lầm (nay là Công ty CP Than Hà Lầm) gắn bó cho đến nay. Sau 28 năm làm thợ lò, đến năm 2022 anh Thái được Công ty điều về làm việc tại Trung tâm điều khiển sản xuất tập trung.

Trung tâm được coi như trái tim điều hành của mỏ Hà Lầm. Mỗi ca làm việc tại đây có đến hàng trăm lượt gọi điện thoại báo các lệnh sản xuất được truyền đến và đi phải xử lý khẩn trương. Công việc của anh Thái và các công nhân tại đây giám sát bằng hình ảnh trên mặt bằng và dưới hầm lò thông qua hệ thống camera cố định; nhận và phát lệnh từ mặt bằng xuống các vị trí công việc và ngược lại. Công việc này được ví như những “mắt thần” canh giữ an toàn cho mỏ.

Ảnh với chú thích
Anh Nguyễn Trọng Thái (bên phải) giám sát an toàn lao động tại vị trí làm việc trong lò chợ Công ty CP Than Hà Lầm.

Tranh thủ ít phút giải lao, anh Thái tiếp chúng tôi, chia sẻ: "Việc giám sát tại Trung tâm đòi hỏi tính tập trung cao, bao quát, điều hành nhịp nhàng các dây chuyền với nhau. Nếu không linh hoạt xử lý mọi tình huống nhanh sẽ dẫn tới tắc nghẽn các dây chuyền sản xuất. Vì vậy tôi luôn cố gắng vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Thợ lò và giám sát là hai công việc khác nhau, nhưng nhiều năm chui lò, trải qua nhiều vị trí đường lò khác nhau, tôi có kinh nghiệm để quan sát, nhận định, xử lý nhanh các tình huống”.

25 năm trước (năm 1999), anh Thái được Công ty tín nhiệm giao làm Tổ trưởng Tổ đào lò mang tên anh, Công trường Kiến thiết cơ bản 1 - chuyên mở những đường lò cơ bản phục vụ các đơn vị khai thác than. Tổ đào lò Nguyễn Trọng Thái luôn duy trì vị trí đứng đầu toàn ngành Than, với kỷ lục năng suất cao nhất, ít sự cố nhất. Năm 2011 anh vinh dự được lãnh đạo Công ty chọn là người đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -300m (độ sâu kỷ lục của ngành Than Việt Nam). Gần 30 năm làm thợ mỏ với bao công trình vượt khó, anh Thái có trên 100 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất. Nhiều năm liền, Tổ đạt năng suất kỷ lục dẫn đầu TKV về sản lượng đào lò với mức 150-200m lò/tháng.

Ảnh với chú thích
Anh Nguyễn Trọng Thái giám sát, điều hành công việc tại Trung tâm điều khiển sản xuất tập trung.

Với những thành tích đặc biệt của mình, anh Thái đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2010, Chiến sĩ thi đua của Bộ Công Thương năm 2012. Năm 2021 anh là công nhân trẻ nhất ngành Than nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Anh Thái tâm sự: “Những năm tháng gắn bó với công việc thợ lò với tôi là kỷ niệm không thể nào quên. Từng đường lò, tầng than của Hà Lầm đã gắn bó với tôi. Tôi thấy mình may mắn vì sống và làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, kỷ luật, đoàn kết. Mỗi tầng đất, lớp đất có những đặc điểm riêng, thợ lò phải ghi nhớ để làm chủ và chinh phục nó. Những kinh nghiệm tích lũy được đã tạo động lực và niềm tin giúp tôi và đồng đội có thể tiếp cận những độ sâu dưới lòng đất nhiều hơn”.

Cover

Ảnh trong văn bản

Ảnh căn phải

Nguyễn Văn Thuân cũng sinh ra và lớn lên ở Kinh Môn (Hải Dương). Năm 1997 (21 tuổi) tốt nghiệp trung cấp khai thác mỏ, anh được nhận vào làm việc tại Phân xưởng Khai thác 4, Công ty Than Mạo Khê. 27 năm gắn bó với nghề, thợ lò Nguyễn Văn Thuân được nhiều đồng nghiệp gọi biệt danh “thợ cả” trong đơn vị.

Mỏ Mạo Khê có điều kiện khai thác khó bậc nhất trong các đơn vị khai thác hầm lò của TKV. Đây là mỏ có hàm lượng khí mêtan ở mức siêu hạng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, như bục nước, nổ khí. Phân xưởng Khai thác 4 hiện khai thác diện +200 đến +340. Công việc chính của anh Thuân là thợ bắn mìn, một trong những công đoạn quan trọng nhất khai thông vỉa đưa những tấn than ra lò. Công việc này đòi hỏi tính an toàn lao động, độ chính xác cao, chỉ những người có kinh nghiệm lâu năm như anh Thuân đơn vị mới dám giao trọng trách.

Ảnh với chú thích
Thợ lò Nguyễn Văn Thuân, Phân xưởng Khai thác 4, Công ty Than Mạo Khê (bên phải), trao đổi giải pháp bắn nổ mìn an toàn, hiệu quả trước giờ vào ca sản xuất.

Làm việc trong môi trường khó khăn, thách thức, thợ lò Nguyễn Văn Thuân đã tham gia xử lý nhiều việc khó trong đơn vị; tận tình kèm cặp, giúp đỡ công nhân trẻ mới vào nghề. Thu nhập bình quân của anh đạt gần 30 triệu đồng/tháng, nhiều năm liền lọt vào top thu nhập cao của Công ty. Anh Thuân còn đóng góp nhiều sáng kiến được áp dụng thành công vào thực tế. Điển hình như: Sử dụng ống nhựa HDPE thu hồi buộc phân luồng thượng đá thay thế cho gỗ thìu tại thượng đá vỉa 6, Bình Minh tầng +200 đến +340; giải pháp làm giảm tốc độ than đá quăng trong luồng tháo tải than tại thượng đá vỉa 6, Bình Minh tầng +200 đến +340…

Ảnh với chú thích
Công nhân Công ty Than Mạo Khê trong ca sản xuất.

Anh Thuân chia sẻ: “Trong hầm lò, công việc của chúng tôi luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Tôi luôn nhắc nhở anh em phải làm tốt các quy trình, quy phạm, luôn ghi nhớ kỷ luật trong công việc. Các dây chuyền làm việc của chúng tôi rất dài và xa, mỗi người đảm nhận một công việc, nếu như không có sự kỷ luật đồng tâm, tuân thủ các quy định về an toàn lao động thì sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ”.

Ảnh trong văn bản

Đã nghỉ hưu được gần 17 năm, trở về sinh sống tại quê nhà Thái Bình, nhưng quãng đời làm công nhân mỏ than Đèo Nai vẫn mãi ghi đậm trong ký ức của ông Bùi Đăng Hiếu. Gần 30 năm gắn bó với tiếng máy khoan, máy xúc trên mỏ, ông Hiếu coi Quảng Ninh là quê hương thứ hai của mình.

Năm 1985 ông Hiếu là một trong số ít thợ lái máy xúc giỏi của Mỏ than Đèo Nai (nay là Công ty CP Than Đèo Nai) được giao nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ máy xúc EKG18 do Liên Xô tài trợ. Cỗ máy sừng sững trên công trường như một gã khổng lồ nặng đến vài chục tấn, ngày đó không phải ai cũng thạo kỹ thuật để điều khiển. Dưới sự chỉ huy của người thợ giàu kinh nghiệm Bùi Đăng Hiếu, Tổ đã lập rất nhiều kỷ lục về sản lượng, hoàn thành nhiều việc khó, như phá đá, mở đường, hạ moong vỉa chính. Đồi cao, đá rắn có thể làm mòn sắt thép, nhưng không thể làm mòn ý chí quyết thắng của người thợ cả giàu tình yêu với mỏ!

Ảnh với chú thích
Ông Bùi Đăng Hiếu kể về thời gian làm Tổ trưởng Tổ máy xúc EKG18, Mỏ Than Đèo Nai.

"Tôi nhớ có những giai đoạn mỏ xuống sâu, Tổ máy xúc EKG18 phải di chuyển xuống khu vực đáy moong để mở đường cho xe ô tô vận tải. Trên đường tác nghiệp, chúng tôi thường xuyên gặp phải những vị trí đá to, treo lơ lửng trên vỉa vách, nếu không khéo léo xử lý rất có thể sẽ làm những tảng đá đó rơi xuống ô tô, gây tai nạn, hỏng hóc thiết bị. Người thợ lái máy phải tính toán thật kỹ góc dốc và độ rơi của đá, sử dụng gầu xúc tạo đường cho những tảng đá rơi đúng vị trí đã định, tránh được nguy hiểm cho phương tiện và con người. Không những mưu trí, anh em còn rất đoàn kết, hỗ trợ nhau, bảo ban nhau giữ gìn thiết bị thật tốt, hạn chế tối đa hỏng hóc, tiết kiệm nhiên liệu trong bối cảnh thiếu thốn và khan hiếm vật tư, phụ tùng thay thế. Nhờ đó nhiều năm liền, Tổ máy xúc EKG18 luôn đạt năng suất kỷ lục. Năm 2001 tôi vinh dự được tập thể suy tôn và được cấp trên công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc duy nhất của Công ty Than Đèo Nai" - Ông Hiếu kể.

Ảnh với chú thích
Ông Hiếu tự hào kể về những năm tháng khó quên của người thợ mỏ với các con cháu.

Đèo Nai là mỏ than giàu truyền thống cách mạng, là mỏ duy nhất được đón Bác Hồ về thăm (năm 1959), là điểm sáng của ngành Than về phong trào thợ mỏ thi đua lao động sản xuất, tạo nên những kỷ lục về năng suất, sản lượng, lấp lánh nhiều tấm gương về tinh thần người thợ. Đó là AHLĐ Vũ Hữu Sơn, thợ lái máy khoan By4; Chiến sĩ thi đua toàn quốc Bùi Đăng Hiếu; AHLĐ thời kỳ đổi mới Đặng Văn Bình...

Theo thiết kế của Liên Xô cũ, đến năm 2000 Đèo Nai phải đóng cửa mỏ do cạn kiệt tài nguyên, công nhân phải chuyển đổi ngành nghề hoặc sáp nhập vào các đơn vị khác. Tuy nhiên, nhờ thăm dò, thiết kế lại, Đèo Nai không những tiếp tục tồn tại mà còn từng bước phát triển. Tinh thần đồng cam cộng khổ, thi đua sản xuất của những người thợ như ông Hiếu đã giúp Đèo Nai đứng vững, vượt qua sản lượng 1 triệu, rồi 2 triệu tấn than/năm.

Ảnh với chú thích
Khai trường Công ty CP Than Đèo Nai. Ảnh: Hoàng Nam

Đến nay, đây vẫn là mỏ lộ thiên đóng góp sản lượng lớn cho TKV, cung cấp loại than antranxit chất lượng tốt nhất trong vùng và xuất khẩu đi nhiều nước trên. Ông Đặng Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty, cho biết: Đèo Nai đang đứng trước cuộc cải tổ bộ máy lớn nhất từ trước đến nay, đó là hợp nhất với Công ty CP Than Cọc Sáu thành Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu  - TKV. Đây là chủ trương đúng đắn góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng và hiệu quả SXKD. Triển khai chủ trương này, một trong những thuận lợi lớn nhất mà Công ty có được đó là tinh thần đồng lòng của CBCNV. Đây là tiền đề để cùng nhau xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh hơn thời gian tới.

Ảnh trong văn bản

Lớn lên cùng những mùa than, anh Phạm Thanh Tân (SN 1996) được nuôi dưỡng trong một gia đình giàu truyền thống nghề mỏ có bố và chú ruột đều làm công nhân mỏ than Mông Dương. Học xong đại học, anh quay về cống hiến cho quê hương, hiện công tác tại Phòng Kỹ thuật - Công nghệ mỏ (KCM), Công ty CP Than Mông Dương.

Ảnh căn phải

Kỹ sư trẻ Phạm Thanh Tân đã đóng góp nhiều giải pháp hữu ích, được đồng nghiệp gọi là "cây sáng kiến" của Phòng. Riêng năm 2023 anh đã làm lợi cho Công ty 0,8 tỷ đồng từ những giải pháp hữu ích của mình.

Anh Tân cho biết giải pháp mà anh tâm đắc nhất năm 2023 là đào lò bán xiên vận chuyển mức -140/-130 M6 Cánh Tây để giảm dây chuyền vật liệu khi khấu lò chợ. Nếu thi công theo phương án kỹ thuật cũ, dây chuyền vận chuyển vật liệu cho khu vực sản xuất này cần sử dụng 4 tời vận chuyển vật liệu, 5 công nhân làm việc trực tiếp. Cung độ vận chuyển dài ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Áp dụng giải pháp đào lò mới, số tời giảm, nhân công giảm còn 2 người, cung độ vận chuyển ngắn, năng suất lao động tăng lên; lò chợ tăng tỷ lệ tận thu than, từ đó tăng hiệu quả kinh tế, tiết kiệm cho Công ty gần 500 triệu đồng chi phí sản xuất. Chiều dài đường lò được rút gọn, nhân công lao động trực tiếp giảm, giúp đơn vị nâng cao công tác an toàn.

Ảnh với chú thích
Phạm Thanh Tân (ngoài cùng bên phải) trong ca kiểm tra thực địa sản xuất.

Phòng KCM của anh Tân đang thực hiện rất nhiều nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp xây dựng các phương án kỹ thuật, công nghệ sản xuất theo kế hoạch hằng năm cho các công trường, phân xưởng; triển khai dự án khai thác xuống sâu mức -550m. Đây là dự án quan trọng, giúp Than Mông Dương duy trì công suất khai thác trên 1,5 triệu tấn than/năm; quyết định đến công ăn, việc làm của hàng nghìn lao động của đơn vị.

Trong bức tranh phát triển mạnh và bền vững của ngành Than hôm nay, hình ảnh “Người thợ lò cũng là chiến sĩ” trở thành nét đẹp, nét văn hoá đặc trưng của Vùng mỏ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh và đất nước.

Cover

"Điều kiện sản xuất hầm lò ngày càng xuống sâu, nhờ đầu tư đổi mới công nghệ và tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”, năng suất lao động không ngừng nâng cao, điều kiện làm việc, đời sống, thu nhập của người thợ luôn cải thiện. Thợ lò luôn yêu nghề và gắn bó với Vùng than Quảng Ninh, nỗ lực, quyết tâm thực hiện lời dạy "Sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc" như lời Bác Hồ từng mong muốn", ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh, cho biết.

Thực hiện: PHẠM TĂNG - HOÀNG YẾN
Trình bày: MẠNH HÀ

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu