
Những “chiến sĩ áo trắng" thầm lặng
Nghề bác sĩ pháp y là công việc vô cùng đặc thù. Đó là công việc phải dùng đôi mắt soi xét những thứ không ai muốn thấy, dùng đôi tay chạm vào những thứ không ai muốn chạm và hơn cả là dùng sự tỉ mỉ, kiên trì, tận tụy, lòng dũng cảm để vén màn bí mật, giải oan cho người vô tội và “nói” lên tiếng nói cuối cùng của người đã khuất. Âm thầm, lặng lẽ, ngày ngày đối mặt với nhiều gian nan, vất vả, thậm chí cả những định kiến xã hội, song họ vẫn gắn bó, yêu nghề, tận tâm cống hiến, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ công lý, lẽ phải, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Lặng lẽ cống hiến
“Cũng là bác sĩ nhưng đội ngũ bác sĩ pháp y ít được nhắc đến, bởi công việc của chúng tôi thầm lặng hơn. Con dao mổ trong tay chúng tôi không phải để cứu chữa người bệnh, mà là để giúp người đã khuất “nói” lên tiếng nói cuối cùng, góp phần phục vụ cho công tác điều tra, phá án…” - Đó là những tâm sự đầu tiên của bác sĩ Đinh Văn Tiến (SN 1988), Phó Giám đốc, Trưởng Khoa Giám định giải phẫu bệnh và xét nghiệm, Trung tâm Pháp y tỉnh, mở lời với chúng tôi về công việc của mình.

Khoảng thời gian 12 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Tiến đến nay đã trở thành bác sĩ pháp y giàu kinh nghiệm, là người có thâm niên công tác lâu thứ hai sau người được mệnh danh là “cây đại thụ trong nghề pháp y” của tỉnh - bác sĩ Phạm Văn Đễ, Giám đốc Trung tâm hiện nay. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hải Phòng, bác sĩ Tiến nộp hồ sơ xin về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Như một cơ duyên, bác sĩ Tiến được phân công công tác tại Khoa Giải phẫu bệnh - Phòng giám định pháp y. Và đến khi Trung tâm Pháp y tỉnh được thành lập năm 2016, bác sĩ Tiến tiếp tục gắn bó với công việc vốn nhiều áp lực, vất vả này.
Bác sĩ Tiến chia sẻ: “Đã tham gia khám nghiệm hàng nghìn vụ án, mỗi vụ án là một hiện trường, địa điểm khó khăn khác nhau, có thể là rừng sâu, bờ suối, nhà hoang, ven đường quốc lộ…, nỗi ám ảnh về mùi tử thi với tôi tuy không còn đáng sợ như những ngày đầu vào nghề, song những vất vả của công việc đặc thù thì không vì thế mà vơi đi. Không ít lần tôi vừa về tới nhà rồi lại nhận lệnh lên đường ngay, bát cơm nâng lên chưa kịp ăn điện thoại lại réo, lên xe là tranh thủ chợp mắt, bất kể ngày hay đêm, dịp lễ tết, trong mọi điều kiện thời tiết, địa hình, cứ xảy ra vụ việc, khi có lệnh là chúng tôi lại lập tức lên đường làm nhiệm vụ. Bởi vậy, với nghề bác sĩ pháp y không chỉ đòi hỏi bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, thể chất tốt mà cả trách nhiệm, tinh thần hết mình, yêu nghề”.
Đằng sau tấm áo blouse trắng, có những nỗi niềm, sự dấn thân và hy sinh thầm lặng mà chỉ ai trong nghề bác sĩ pháp y mới thấu hiểu. Việc họ suốt ngày tiếp xúc với tử thi khiến nhiều người xung quanh kỳ thị, xa lánh, sợ giáp mặt, không dám bắt tay, không dám ngồi gần hoặc e ngại khi gặp vía lúc sáng sớm, mở hàng, không được chào đón mỗi dịp lễ, Tết và đôi khi những chia sẻ về nghề cũng chẳng hề dễ dàng được trải lòng.
Bác sĩ Lê Minh Thắng (SN 1989) bộc bạch: “Mình giấu không phải vì ngại mà vì muốn mọi người được thoải mái khi nói chuyện. Không ít người không thích, thậm chí sợ, không biết sẽ hỏi gì, nói gì khi biết người đối diện là bác sĩ pháp y. Công việc gì cũng có sức ép và nghề bác sĩ pháp y cũng vậy. Sau những bộn bề công việc, tôi thường xuyên chơi thể thao, không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn là cách giải tỏa căng thẳng, tìm niềm vui trong công việc, cuộc sống”.

Còn với bác sĩ trẻ Vũ Duy Dương (SN 1997), lựa chọn nghề bác sĩ pháp y đã thay lời khẳng định tinh thần dấn thân của anh. Dù mới công tác tại Trung tâm được 3 năm, nhưng đó cũng là khoảng thời gian anh nỗ lực vượt qua những khó khăn, thử thách ban đầu của nghề để yên tâm công tác, gắn bó với công việc.
“Một trong những thử thách nhất với tôi là giải phẫu những tử thi đã phân huỷ nhiều ngày, bốc mùi hôi thối. Nó gần như vắt kiệt sức lực của các bác sĩ bởi ngoài sự độc hại của môi trường, chúng tôi còn phải chịu đựng sức ép tâm lý vô cùng nặng nề khi chứng kiến nỗi đau nhân đôi từ phía người thân, gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, khi đã vào công việc thì tôi hết sức tập trung. Các bác sĩ như chú Đễ, anh Tiến vẫn luôn căn dặn tuyệt đối không được làm qua loa, nhất là với những trường hợp án mạng, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể thay đổi bản chất của vụ án ngay” - Dương tâm sự.
Vững niềm tin vì lý tưởng công lý
Công việc pháp y là nghề đặc biệt, sử dụng kiến thức y học để phục vụ pháp luật, phục vụ các cơ quan tiến hành tố tụng với phương châm khách quan, khoa học, trung thực và chính xác góp phần xét xử đúng người, đúng tội và tuân thủ các quy định của pháp luật. Khi giám định một tử thi hay thương tật, các bác sĩ luôn đối mặt trước sự co kéo của hai thái cực: Bên bị hại luôn muốn tăng thương còn bên bị can lại luôn muốn tỷ lệ giảm đi để giảm trách nhiệm hình sự. Vì vậy, quá trình làm nghề luôn phải kiên định để giữ gìn y đức, bản lĩnh vững vàng, tính trung thực cao, công tâm và khách quan, không để bị mua chuộc và phải nâng cao trình độ chuyên môn, giám định chính xác, không bỏ qua cho kẻ thủ ác nhưng cũng không làm oan sai cho người vô tội.

Bác sĩ Phạm Văn Đễ, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh, cho biết: Trong quá trình công tác, đội ngũ bác sĩ pháp y chịu áp lực từ nhiều phía. Mổ tử thi trong điều kiện gia đình nạn nhân không đồng ý nhưng Cơ quan điều tra bắt buộc phải giải phẫu tử thi để làm rõ nguyên nhân tử vong. Trong lúc hoang mang rối bời, gia đình nạn nhân không hiểu rõ sự việc, không hiểu về công tác pháp y sẵn sàng to tiếng, thóa mạ, thậm chí đánh đuổi bác sĩ. Do đó, ngoài làm tốt công tác chuyên môn, giữ cho mình “cái đầu lạnh” để đảm bảo sự khách quan, khoa học thì bác sĩ pháp y cũng cần giữ một trái tim ấm để chia sẻ, an ủi, động viên nhằm vơi bớt nỗi đau của các nạn nhân và gia đình họ.
Ở trong những tình huống ngặt nghèo mới thấy lấp lánh, rạng ngời phẩm giá của sự công tâm khách quan, hết mình vì công lý của những bác sĩ pháp y. Chính bằng khoa học, họ là người đã phân định giữa cái đúng và sai, giữa thiện và ác. Đơn cử là vụ việc diễn ra vào năm 2021, đúng vào đợt cao điểm của dịch Covid-19. Sự việc xảy ra tại một huyện miền Đông của tỉnh, người chồng sau khi xảy ra cự cãi với người vợ đã không may tử vong. Mọi nghi ngờ và đau thương của gia đình người chồng được dồn về phía người vợ. Trước những uẩn khúc đó, cơ quan chức năng đã phân công bác sĩ Đinh Văn Tiến là người chịu trách nhiệm chuyên môn về giám định tử thi. Khi ca mổ khép lại, kết luận nguyên nhân tử vong cuối cùng với chứng cứ khoa học xác đáng được công bố thì mọi nghi ngờ được giải tỏa.
“Không chỉ chị vợ được minh oan mà giây phút ấy chính chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn vì sự tận tâm của mình đã làm được điều gì đó cho người đã khuất và cả những người đang sống. Khoảnh khắc ấy đã tiếp thêm động lực để tôi thêm yêu và gắn bó với nghề, vững tin vào lý tưởng cao đẹp của lẽ phải và sự công bằng” - bác sĩ Tiến trải lòng.

Sau 9 năm thành lập, đi vào hoạt động, Trung tâm Pháp y tỉnh hiện có 13 cán bộ, bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên. Với những nỗ lực không ngừng, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ đã đoàn kết, xây dựng, phát triển Trung tâm Pháp y tỉnh trở thành đơn vị tốp đầu trên cả nước khi đã triển khai nhiều loại hình giám định mà nhiều trung tâm chưa thực hiện được, như: Giám định nồng độ cồn trong máu tử thi và người sống, giám định mô bệnh học, tham gia hội đồng xác định chết não phục vụ việc hiến mô ghép tạng…
Công việc thầm lặng, nhưng sự đóng góp của bác sĩ pháp y trong thành công của những chuyên án đấu tranh với tội phạm là con số không hề nhỏ. Năm 2024, Trung tâm Pháp y tỉnh đã thực hiện tổng số 2.657 vụ việc giám định, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, giám định thương tích là 1.133 vụ, giám định tử thi là 422 vụ, giám định xâm hại tình dục là 63 vụ, giám định hóa pháp là 776 vụ, giám định mô bệnh học là 198 vụ… Đặc biệt, nhiều vụ án nghiêm trọng đòi hỏi giải quyết nhanh, sớm, bảo đảm tính chính xác đã được Trung tâm thực hiện. Các kết luận giám định pháp y của Trung tâm đều có giá trị chứng cứ và truy nguyên cao, giúp cơ quan tố tụng truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Cao quý là thế, nhưng các bác sĩ pháp y cũng có phần chạnh lòng vì ngày càng ít người muốn theo đuổi, gắn bó với nghề không chỉ bởi tâm lý e ngại định kiến mà còn chính bởi những áp lực, vất vả của công việc đặc thù này.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?"... Công việc vừa thường xuyên, vừa đột xuất, vô cùng vất vả và độc hại, tiếp xúc trực tiếp với tử thi đã phân huỷ, gây ảnh hưởng lớn tới tinh thần và sức khoẻ song mỗi bác sĩ pháp y với y đức, bản lĩnh và “tinh thần thép” vẫn luôn khắc phục khó khăn, vững tin vào con đường mình đã chọn, lặng lẽ tận tâm cống hiến với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, vì công bằng, lẽ phải, góp phần mang lại niềm tin, bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Ý kiến ()