![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Nối mạch ngầm điệu hát nhà tơ - hát, múa cửa đình Vạn Ninh
Mặc dù trải qua biết bao biến động thăng trầm của lịch sử, xã hội nhưng hát nhà tơ - hát, múa cửa đình xã Vạn Ninh, TP Móng Cái vẫn duy trì, phát triển trong dòng chảy lịch sử và văn hóa, qua đó góp phần giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho thế hệ mai sau.
Truyền nhân của câu hát nhà tơ
Nghệ nhân Lê Thị Lộc ở thôn Nam, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái là cái tên quen thuộc được nhiều người dân trong vùng biết đến, bởi bà đã dành gần cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật hát nhà tơ, hát múa cửa đình - nét văn hóa đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Yên, năm 18 tuổi, bà Lộc lấy chồng, theo chồng ra mảnh đất Vạn Ninh sinh sống. Từ lúc về vùng đất này, bà được đi xem những canh hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở những đình, chùa để rồi lâu dần, tình yêu và sự đam mê nghệ thuật đã ngấm vào máu của bà. Với bà Lộc, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình là một cơ duyên may mắn đến với mình.
![Nghệ nhân Lê Thị Lộc truyền dạy cách đánh trống phạch trong trình diễn hát múa cửa đình.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310160_nghe_nhan_le_thi_loc_truyen_day_cach_danh_trong_phach_trong_trinh_dien_hat_mua_cua_dinh_10074405.jpg)
Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình bắt nguồn từ ca trù Việt Nam. Cũng với những ca nương, trống chầu, phách và đàn đáy nhưng hai loại hình này có nhiều khác biệt, mang lại những đặc trưng nghệ thuật riêng. Nếu như ca trù, người cầm chầu là người chỉ huy buổi hát thì ở hát nhà tơ - hát, múa cửa đình, người hát lại là chủ công, trống chầu chỉ phụ đệm theo người hát. Một sự khác biệt rõ nét nữa đó là hát nhà tơ - hát, múa cửa đình có múa dâng hương, dâng hoa, dâng nến lên các vị thần và không gian múa chỉ diễn ra tại các đình làng trong ngày hội đầu xuân. Mỗi kép hát thường có 5 người, trong đó có một kép đánh đàn đáy, một quan viên đánh trống chầu và 3 đào nương thay nhau hát.
Ngược dòng lịch sử, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XIII, thời nhà Lý. Không gian tồn tại của loại hình trình diễn dân gian này kéo dài dọc theo các làng xã từ huyện Vân Đồn đến các vùng dân cư ven biển như Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái. Sự uyển chuyển của các điệu múa kết hợp với vai trò của trống cái, của sênh kết hợp với trống con và phách đã tạo ra không khí tưng bừng của lễ hội. Cũng vì có múa nên không gian diễn xướng của hát nhà tơ - hát, múa cửa đình rộng mở hơn ca trù. Ca trù hát ở trên chiếu, sập, còn với hát nhà tơ là cả sân đình, cả một không gian lễ hội.
Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng trước thần thánh, trước các vị anh hùng dân tộc nên biểu diễn hát nhà tơ - hát, múa cửa đình mang tính kỷ luật khá cao. Các đào nương khi tập hát cần đạt theo tiêu chuẩn “hát hay”, kết hợp nhuần nhuyễn với các loại nhạc cụ thật ăn ý. Một cuộc hát diễn ra theo tuần tự các bài hát. Người sau lại tiếp tục hát các bài hát theo thứ tự. Cô đào thay phiên nhau hát cho đến khi trời mờ sáng thì tan cuộc.
![Các nghệ nhân vùng Vạn Ninh biễn diễn múa dâng hoa. (Ảnh: TRung tâm TTVH Móng Cái)](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310161_cac_nghe_nhan_vung_van_ninh_bien_dien_mua_dang_hoa_anh_trung_tam_ttvh_mong_cai_10091805.jpeg)
Những câu hát chúc thần như lời chào, lời kính cáo của kép hát với thần linh sẽ bắt đầu buổi trình diễn. Sau đó, các đào hát có thể tùy hứng thể hiện sự hiểu biết của mình qua những câu hát khuyên bảo lòng trung của bề tôi với vua, giáo huấn về đạo đức, lòng thủy chung, khuyên bảo con cái về đạo hiếu, về tình làng nghĩa xóm; ngư dân làm biển thì tôm bạ cá vào, nông dân mùa màng tốt tươi… Qua các giai điệu, lời ca, tiếng hát, người nghe sẽ có góc nhìn toàn diện về bức tranh xã hội, văn hóa của người dân miền biển, của vùng đất biên giới xưa kia, như “Ai đưa tôi đến chốn này/ Bên kia Trà Cổ, bên này Vạn Ninh” hay “Ở đây vui thú non tiên/ Mò cua bắt ốc lấy tiền nuôi nhau”…
Tuy nhiên, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình có sự khác biệt khá rõ. Hát nhà tơ mang tính chất giao duyên trong khi hát, múa cửa đình thì đậm tính chất tín ngưỡng. Hát nhà tơ là hoạt động thường xuyên trong dân, từ dân, của người dân lao động; còn hát, múa cửa đình chủ yếu là để phục vụ lễ hội của làng. Hát, múa cửa đình gắn với đình làng, để ca ngợi những người có công với nước, với làng: “Thoang thoảng thánh lên ngai đế… mừng mừng thay…”.
Từ năm 2015, Bộ VH,TT&DL đã có quyết định công nhận hát nhà tơ - hát, múa cửa đình của Quảng Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Cũng trong năm này, bà Lộc được tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian vì đã có thành tích xuất sắc trong bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát nhà tơ - hát, múa cửa đình.
Gìn giữ văn hóa cổ truyền
Theo nghệ nhân Lê Thị Lộc, hầu hết các bài hát nhà tơ - hát, múa cửa đình bao gồm rất nhiều giọng như thét nhạc, thả, phú, ca trù, hãm và nhị, cùng với đó là các điệu múa bình dị, uyển chuyển như dâng hương, dâng hoa và dâng nến lên các vị thần như múa dâng hương có 2 bài, múa đón thần về đình làng (rước thần), múa dâng hương trước sau đó là múa dâng hoa mừng thần, múa đèn tiễn thần, cả tốp múa đều hát. Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình chủ yếu được truyền miệng nên nhiều bài, nhiều ca từ đã bị thất lạc.
Ngoài việc cất công đi sưu tầm những làn điệu cổ ở Viện Nghiên cứu văn hóa, các trung tâm văn hóa xã, tỉnh..., nghệ nhân Lê Thị Lộc còn truyền dạy nghệ thuật này tới nhiều người dân trong xã. Từ năm 2011, nghệ nhân Lê Thị Lộc thành lập câu lạc bộ hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở xã Vạn Ninh với 42 hội viên. Hàng tháng, câu lạc bộ tổ chức gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức và tập luyện những bài hát nhà tơ - hát, múa cửa đình... vừa để thỏa mãn niềm đam mê của hội viên đối với loại hình dân ca của dân tộc, vừa để tăng cường tình đoàn kết gắn bó các thành viên.
![Các thành viên nhỏ tuổi của CLB Hát nhà tơ, hát múa cửa đình xã Vạn Ninh](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310162_cac_thanh_vien_nho_tuoi_cua_clb_hat_nha_to_hat_mua_cua_dinh_xa_van_ninh_10102105.jpg)
Cũng theo bà Lộc, lối hát nhà tơ - hát, múa cửa đình theo thời gian không có sự biến thiên, thay đổi mà vẫn giữ nguyên quy cách và lối luyến láy, nhả chữ như những cụ cao niên đã truyền dạy. Hiện nay, loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian cộng đồng này vẫn được lớp người cao tuổi vùng Vạn Ninh nắm giữ và lưu truyền; các thành viên của CLB Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình Vạn Ninh đang tích cực truyền dạy lối hát này cho thế hệ trẻ.
Hoạt động truyền dạy hát nhà tơ, hát múa cửa đình cũng được đưa vào các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống trong thế hệ trẻ. Theo bà Bùi Thị Xứng ở thôn Nam xã Vạn Ninh, cứ mỗi ngày lễ của đình thì các chị em trong CLB lại ra hát hầu thần thánh và truyền dạy cho các lớp con cháu để gìn giữ và nối tiếp di sản này cho đời sau.
Di sản Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình đã tồn tại hàng nghìn năm, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của cư dân các làng xã ven biển, hải đảo Quảng Ninh. Cùng với Lễ hội đình Vạn Ninh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, điệu hát nhà tơ – hát cửa đình đã trở thành sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng Vạn Ninh nói riêng và Móng Cái nói chung.
Hiện nay, tập tục hát nhà tơ - hát, múa cửa đình là nghi thức và là nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong lễ hội đình Vạn Ninh và vào các dịp hội hay sự kiện văn hoá, được địa phương đẩy mạnh bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị nhằm khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ninh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2310165_473640833_615937170944213_4765388073382211780_n_10154705.jpg)
Trải qua biết bao biến động, thăng trầm của lịch sử, đến nay, tại các đình làng vùng Vạn Ninh (Móng Cái) hay trên địa bàn các huyện Đầm Hà, Vân Đồn, TX Quảng Yên, hát nhà tơ - hát, múa cửa đình vẫn duy trì, phát triển. Đến với các lễ hội đình, nhân dân không những được nghe hát nhà tơ, xem múa cửa đình mà còn được vui chơi cộng hưởng các trò chơi dân gian truyền thống do chính người dân tạo dựng, gìn giữ; trút bỏ được bao lo toan, vất vả trong cuộc sống thường nhật để rồi sau đó lại bắt tay vào những ngày lao động mới với bao điều tốt đẹp hứa hẹn ở phía trước. Mạch ngầm say mê từng ca từ, điệu nhạc của hát nhà tơ - hát, múa cửa đình đã và đang ngấm dần vào da thịt, nuôi dưỡng lớp người kế cận cho di sản văn hóa phi vật thể này của Quảng Ninh.
Ý kiến ()