
Thông Châu mùa xuân về
Xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) nằm dưới chân dãy núi Thông Châu. Nơi đây có phần đông đồng bào Sán Chỉ sinh sống. Từ bao đời nay, người Sán Chỉ ở Đại Dực lầm lũi, chăm chỉ nhưng mãi vẫn luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo. Song từ năm 2011 đến nay, cuộc sống của họ đã có những đổi thay to lớn.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Cấn Đình Loan (sinh năm 1954) là một trong số những người gắn bó với mảng đề tài miền núi của Quảng Ninh. Từ những ngày còn là học sinh ông đã theo cha về Đại Dực.

“Năm 1972, khi trận "Điện Biên Phủ trên không" diễn ra, giặc Mỹ bắn phá ác liệt lắm! Toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, các trường học đều nghỉ. Nhân cơ hội đó, tôi mới theo bố lên đây xây trường học của Đại Dực. Lúc đó, trung tâm của Đại Dực chỉ có một nhà kho của hợp tác xã, một cái sân. Còn lại là không có gì. Nhà dân rất lác đác. Bẵng đi một thời gian đến năm 1982-1983, lúc bấy giờ cũng có sự thay đổi hơi nho nhỏ thôi: vẫn là nhà đất, vẫn là mái lợp ngói. Cuộc sống cũng rất nghèo”- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan bồi hồi nhớ lại.

Nhịp sống mới
Trong chuyến trở lại Đại Dực vào tháng 1/2025, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan lại rong ruổi trên chiếc xe máy quen thuộc. Chiếc xe tà tà lăn bánh trên những con đường bê tông uốn lượn để người nghệ sĩ chiêm nghiệm về sự thay đổi của thời gian và nhịp sống của bản làng dưới chân dãy Thông Châu.

Những con đường nhựa tăm tắp trải dài, đưa ông len lỏi vào từng thôn xóm của người Sán Chỉ. Thôn Khe Lục – trung tâm xã Đại Dực hôm nay khang trang hơn trước rất nhiều. “Trong quãng thời gian từ năm 2010 đến nay, hầu như tôi trở lại Đại Dực liên tục. Có một sự khác biệt rất rõ ràng. Cách đây hơn chục năm hầu như là nhà đất và mái ngói nhưng bây giờ toàn xã đã thay đổi rất nhiều. Các công trình như trường học, trụ sở ủy ban, trạm y tế… Tất cả được xây dựng khang trang, hiện đại. Đường sá cũng thay đổi, trước kia là đường đất. Bây giờ là đường bê tông, đường mở rộng. Phải nói đây là vùng đất đổi mới toàn diện”- Ông Cấn Đình Loan chia sẻ.

Những con đường tỏa tới từng thôn bản, lên tới những rừng keo, rừng quế... Nơi nào có đường, nơi đó có sự đổi thay. Dọc trục giao thông chính của xã là những ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới, rực rỡ và kiên cố. Những con đường như mạch máu, tiếp sức cho sự phát triển và thay da đổi thịt của mảnh đất này. Trở lại Đại Dực những ngày mùa xuân, trong sắc thắm của hoa đào, sắc xanh của những vạt rừng mới trồng, đâu đó vẫn còn dấu vết mà siêu bão Yagi để lại. Nhưng cũng chính từ những dấu vết của sự tàn phá ấy, mầm sống mới đang đâm chồi. Ngôi nhà của gia đình anh Voòng A Chậu (thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực) bị sập do siêu bão Yagi. Nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, cùng với khoản tiền vay mượn từ người thân, sau 5 tháng, trên nền của ngôi nhà cũ, một ngôi nhà kiên cố, vững chãi đang được hoàn thiện.
“Vài tháng nay gia đình cũng tận dụng thời gian để khắc phục. Bây giờ gần hoàn thiện rồi. Chắc chỉ 30% nữa thôi. Ở đây toàn dân Sán Chỉ, chúng tôi cảm ơn sự hỗ trợ của nhà nước. Còn người là còn của, các cụ đã nói rồi. Không lo! Mình vẫn làm ra tiền mà, tiền nó làm ra người đâu! Sau này mình phải tháo gỡ những cái khó khăn đi, sẽ bước lên và ổn định cuộc sống của mình hơn” - Anh Voòng A Chậu bộc bạch.
Sự đổi thay ở Đại Dực hôm nay hiện hữu ở từng con đường, từng nếp nhà và hơn hết là trong tư duy của mỗi người dân. Đồng bào dưới chân Thông Châu chăm chỉ, chịu khó, lại được dẫn đường, chỉ lối nên nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, bà con bảo nhau cùng làm, nên trong thôn nhà lầu, xe hơi cũng ngày một nhiều.

Bí thư chi bộ, trưởng thôn Khe Mươi, xã Đại Dực Tằng A Lộc là người đi đầu triển khai mô hình nuôi gà thương phẩm tại Khe Mươi. Từ sự thành công ở mô hình mẫu của gia đình anh, Khe Mươi hôm nay đã có gần chục hộ nuôi gà với quy mô từ hàng trăm đến hàng nghìn con. Anh Lộc nhớ lại: “Năm 2015, hộ nuôi gà ở Khe Mươi còn rất ít. Gia đình chúng tôi ban đầu chỉ chăn có năm trăm con. Sau đó bán được một lứa rồi thì thấy gà ngon và dễ bán, tôi bắt đầu nhân rộng lên, làm thêm chuồng. Từ 2015 - 2018, tôi có hai chuồng. Mỗi chuồng vào 1.500 con”.
Cũng theo chia sẻ của anh Lộc, với chăn gà, gia đình nào chịu khó thì sẽ ổn định được cuộc sống. Bình quân mỗi một chuồng nuôi một nghìn con, hàng năm thu nhập tính ra “không nhỏ”, phải hàng trăm triệu đồng. Mức thu nhập này đủ để các gia đình ở Khe Mươi xây nhà mới, tậu ô tô và có tiền tái đầu tư, mở rộng thêm các mô hình sản xuất mới. “Khe Mươi giờ không còn hộ nghèo rồi” – Trưởng thôn trẻ của Khe Mươi phấn khởi khoe.
Giữ nét xưa
Trong quy luật của sự phát triển cái mới dần thay thế cái cũ. Hiện đại dần lấn át truyền thống. Và với người đã ghi lại sự thay đổi của Đại Dực qua từng bức ảnh gần nửa đời người như Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan thì sự phát triển còn mang tới nhiều suy ngẫm, trăn trở: “Xã Đại Dực bây giờ nhà cửa rất khang trang, sạch đẹp nhưng mà cái cổ xưa, nét xưa đã mai một nhiều. Mỗi năm qua đi những ngôi nhà sàn, nhà đất của người Sán Chỉ lại thưa vắng dần. Bây giờ chỉ còn lại ngôi nhà của bà Nình Móc Màu ở thôn Khe Lục thôi. Ngôi nhà cách Ủy ban xã không xa nhưng đường vào lại hơi khó khăn, xung quanh được bao bọc bởi cây xanh tạo nên một không gian riêng, rất đặc trưng văn hóa của người Sán Chỉ”.

Trăn trở với sự biến mất của những ngôi nhà cổ, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Cấn Đình Loan lý giải: “Đó cũng là sự phát triển tất yếu thôi vì nhà cũ người ta phải sửa sang nhưng cách sửa sang là người ta sẽ không dựng lại những ngôi nhà đất như cũ nữa. Thứ nhất là nguyên vật liệu khó hơn. Hai là mức sống tăng lên nên có sự thay đổi về nguyên vật liệu và kiểu dáng nhà. Càng ngày nó càng khác biệt đi. Nếu như chúng ta không bảo tồn thì sẽ mất hết, lớp trẻ sẽ không thể biết được nhà sàn hoặc mái ngói như thế nào”.
Yêu cầu về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội đã sớm được nhận diện với vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Ninh trong đó có xã Đại Dực. Từ năm 2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” đến năm 2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Huyện Tiên Yên đã cụ thể hóa các nghị quyết trên bằng việc xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá huyện Tiên Yên giai đoạn 2011- 2015, tầm nhìn 2020”. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Theo đó Đại Dực được định hướng trở thành làng văn hóa – du lịch của người Sán Chỉ.

Ảnh: NSNA Cấn Đình Loan.
Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Đại Dực cho biết: Chúng tôi đã ban hành một nghị quyết riêng về bảo tồn, phát triển văn hóa. Hằng năm, chúng tôi đều tổ chức những hoạt động bảo tồn như Lễ hội mùa vàng miền soóng cọ; chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ duy trì và thành lập các CLB bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, CLB may trang phục truyền thống, hát soóng cọ; truyền dạy nghi lễ Cầu mùa... Đại Dực cũng xây dựng và cải tạo được những mô hình nhà truyền thống của người Sán Chỉ để đón, phục vụ du khách. Có khách du lịch đến, người dân đã chủ động sửa sang, chỉnh trang và nâng cấp hệ thống nhà ăn, quán ăn. Những ngôi nhà truyền thống của người Sán Chỉ đang có một sứ mệnh mới, vị trí mới trong đời sống hiện đại.
Năm 2011, sau khi các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới được triển khai, cuộc sống của đồng bào dưới chân dãy Thông Châu chứng kiến sự đổi thay toàn diện. Đại Dực trở thành xã đầu tiêu của huyện Tiên Yên thoát nghèo và đang vững bước trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Xuân về trên dãy Thông Châu đâu chỉ có sắc thắm của hoa đào mà còn là sự hân hoan của lòng người, là mùa mới, mùa vui, mùa của hạnh phúc.
Ý kiến ()