
Mùa xuân nghe câu "kết bạn mình ơi"
Mùa xuân, về làng đảo Hà Nam (TX Quảng Yên) nghe câu hát đúm, du khách sẽ hiểu hơn, yêu hơn về mảnh đất và con người nơi đây.

Theo sử sách, đảo Hà Nam xưa kia là một bãi triều lớn ở cửa sông Bạch Đằng nhưng dân cư thưa thớt, phân tán. Trong khi đó, việc bảo vệ đê điều, làm thuỷ lợi và thời vụ nông nghiệp lại cần phải có sự liên kết và thống nhất cao. Do nhu cầu cố kết cộng đồng mà cư dân xưa đã sáng tạo ra các loại hình dân ca, trong đó có hát đúm. Vì vậy, mở đầu và kết thúc mỗi một lượt hát, nghệ nhân sẽ bắt đầu bằng câu: "Duyên kết bạn mình ơi!". Câu hát giúp tìm bạn kết thành hội phường để hợp tác trong lao động. Câu hát còn giúp họ nguôi quên cái nhọc nhằn của cuộc sống vật lộn đối diện với sóng gió, nắng mưa, thuỷ triều, hạn mặn.
Qua bao đời, câu hát liên tục được những nghệ nhân dân gian khuyết danh bổ sung, chỉnh lý, bồi đắp. Từ câu hát trong lao động, nghỉ ngơi, trong lễ hội hát đúm dần trở thành lối hát giao duyên, kết bạn trăm năm của những người nông dân, ngư dân một nắng hai sương gắn bó với biển cả, với ruộng đồng quê hương. Vậy nên, câu hát đúm từ chỗ bắt đầu bằng “Duyên kết bạn mình ơi” mới được hát rằng "Duyên kết bạn tình ơi!".

Về làn điệu hát đúm duy nhất chỉ một làn điệu, hát khi xưa không có nhạc đệm, lời là sáng tác dân gian truyền miệng có từ nhiều đời, mỗi đời, mỗi người hát đôi khi lại thêm bớt một chút, sửa sang theo ý mình, so với làn điệu dân gian khác thì điểm khác biệt này đã tạo nên những nét riêng, những nét độc đáo rất có duyên, phù hợp với đời sống hiện thực phong phú và đa dạng.
Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết, hội viên Hội VNDG Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Hát đúm Quảng Yên, cho biết: Về hình thức, hát đúm thường một nam một nữ gọi là giao duyên hoặc tốp nam, tốp nữ, thường diễn ra trong lễ hội xuân, trong lao động sản xuất trên đồng ruộng hoặc trên sông biển. Chữ “Đúm” nói lên số lượng người trong một nhóm hay một tốp từ 5 đến 10 người, hát đối đáp trong một nhóm có thể là mới gặp nhau hay gặp nhau lần đầu, người ta hát chào giống như một lời giới thiệu sơ lược về bản thân mình, đồng thời mong muốn được kết bạn. Ví dụ thế này: “Rằng duyên kết bạn mình ơi/ Thoạt vào em chào hội xuân/ Em chào quý khách xa gần ngồi chơi...".

Cũng theo bà Thanh Quyết, các câu hát được mở đầu bằng câu “Duyên kết bạn mình ơi” và kết thúc cũng thế như một lời báo hiệu gọi nhau để hát. Đó là những lời hát đưa đẩy, chêm xen, không nằm trong nội dung. Nhưng thực chất, theo phân tích bên trên, cái tính chất kết bạn, dù là "mình ơi" hay "tình ơi" thì cũng đều thể hiện lối giao duyên theo tập thể của hát đúm.
Chính vì chức năng kết bạn giao duyên và sự sâu sắc trong nội dung lời hát mà hát đúm hấp dẫn người tham gia, nhất là những trai thanh gái sắc xưa kia. Thường ngày, họ có thể hát bên bờ sông, cánh đồng, đình làng. Hát đúm tổ chức trong hội xuân sao cho tình tứ, có tổ chức, có địa điểm trang trọng. Đặc biệt, người hát không lồng lời thô thiển, tục tĩu, hát sao cho đáng mặt người nho nhã. Trong hội xuân, nhiều nam thanh nữ tú hát đúm rất say sưa đến mức quên sớm quên tối. Từ chỗ mê hát họ mê nhau mà nên duyên chồng vợ.
Thực ra, cuộc hát đúm kéo dài vì tính chất đối đáp có hát đố lẫn nhau, một bên giải đố. Vì sự thi thố ấy mà người hát cần khả năng ứng đối, cần vốn liếng dày dặn. Tuy nhiên, dù thắng dù thua trong cuộc hát ai nấy đều không buồn vì chẳng qua có kéo dài thì cũng là có thêm thời gian để tìm hiểu nhau. Hát càng nhiều càng có thêm cơ hội tuyển chọn ý trung nhân của mình. Bởi vậy, mỗi khi giã bạn, lời hát đúm bao giờ cũng đầy thắm thiết, luyến lưu. Hội đã tan rồi nhưng kẻ ở người về chưa đành lòng xa nhau.
Theo Nghệ nhân Ưu tú Thanh Quyết, lời hát đúm bình dị như hoa đồng cỏ nội nhưng cũng chân thành như bản tính người dân quê nơi thôn dã. Đó là tiếng hát hàm chứa nhiều câu chuyện trong văn hoá truyền thống sâu sắc, cần tiếp tục được trân trọng, gìn giữ và bảo tồn.
Ý kiến ()