
Nhớ Bác, khắc ghi lời dạy của Người
Cứ mỗi độ tháng 5 về, mọi người dân Việt Nam đều nhớ đến sinh nhật Bác, dành tấm lòng thành kính tri ân đối với vị anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài của đất nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 9 lần về thăm Quảng Ninh, để lại ấn tượng vô cùng sâu đậm trong lòng các thế hệ cán bộ và các tầng lớp nhân dân Vùng mỏ bằng những lời chỉ dạy ân cần, sâu sắc...
Vẹn nguyên ký ức
Nhân dân TP Móng Cái (tỉnh Hải Ninh cũ) có 2 lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc. Lần đầu tiên là vào tháng 2/1960, Bác đã đến thăm Trạm Hải quan cửa khẩu Bắc Luân, rồi có buổi nói chuyện thân tình với đông đảo cán bộ, nhân dân tại SVĐ Móng Cái. Lần thứ hai là vào tháng 5/1961, Bác đến thăm, nói chuyện với nhân dân và học sinh ở Trà Cổ. Những lời căn dặn khi đó của Người vẫn luôn được các thế hệ cán bộ, nhân dân khắc ghi, rằng: “...Tỉnh Hải Ninh có nhiều dân tộc, đã sẵn có truyền thống đoàn kết, nay càng phải đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết Việt - Trung, đoàn kết lương giáo. Đoàn kết là sức mạnh, có sức mạnh đoàn kết thì làm gì cũng thành công”.

Một nhân chứng lịch sử đặc biệt được may mắn có mặt trong cả 2 lần tỉnh Hải Ninh đón Bác, đó là ông Vũ Thế Kỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái, hiện là Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố. Theo lời kể, năm 1960 ông Kỳ được tham gia trong đoàn thanh thiếu nhi Bình Ngọc vào SVĐ dự cuộc mít tinh đón Bác. Lần thứ hai Bác về thăm là khi ông Kỳ đang học lớp 7 tại Trường cấp II Trà Cổ. Cả 2 lần vinh dự được tham gia đón Bác đã để lại trong tâm trí người đội viên năm xưa những ấn tượng, cảm xúc khó quên.
Đó là bầu không khí vui sướng, hân hoan của mọi người già trẻ, lớn bé khi được trực tiếp đến gần với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Giọng Bác chậm rãi, ôn tồn, mà cũng rất trang nghiêm. Người hỏi thăm nông dân, ngư dân sản xuất có tốt không, rồi ân cần dặn dò các cháu thiếu niên, nhi đồng phải luôn chăm ngoan, đoàn kết, ra sức học tập, rèn luyện, để sau này góp sức xây dựng quê hương...

Lời dặn dò ân cần, ấm áp của Bác Hồ năm xưa vẫn luôn là động lực giúp ông Vũ Thế Kỳ phấn đấu, trưởng thành trên mọi vai trò, cương vị được giao. Là người chiến sĩ cách mạng, trở về sau khi hòa bình lập lại ông Kỳ phấn đấu trở thành cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, rồi Trưởng Đài TTTH Móng Cái, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Móng Cái. Nay dù đã nghỉ hưu những ông Kỳ vẫn hăng hái với các phong trào, hoạt động đoàn thể.
Điều mà ông Kỳ tự hào nhất là được chứng kiến các thế hệ ở vùng đất địa đầu Tổ quốc không quên lời Bác dặn dò năm xưa, hăng hái tham gia lao động sản xuất, đoàn kết giữ gìn vững chắc an ninh, quốc phòng, chủ quyền biên giới quốc gia, tạo dựng nên cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Đó chính là cách để viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc.
Kỷ niệm được tặng hoa Bác Hồ
Tháng 10/1957, Bác Hồ về thăm TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long). Tại SVĐ thị xã lúc đó, Bác căn dặn: “...Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng ăn trên, ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đầy tớ của nhân dân, phải hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân...”.
Sự kiện ngày hôm đó đến nay vẫn luôn là ký ức không thể nào quên đối với bà Bùi Thị Nghĩa (phường Bạch Đằng, TP Hạ Long). 14 tuổi, bà Nghĩa lúc đó là Liên đội trưởng xuất sắc của khu phố Chợ Cũ, vừa giỏi văn nghệ, lại gương mẫu đi đầu trong sinh hoạt đoàn, đội, nên thường xuyên được tham gia đội thiếu nhi tặng hoa các đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm thị xã.
Điều thú vị là buổi sáng đặc biệt hôm ấy bà Nghĩa không hề biết rằng chính mình được chọn để thay mặt cho thanh thiếu nhi và nhân dân khu Hồng Quảng tặng bó hoa tươi thắm cho Bác Hồ khi Người về thăm. Chỉ đến khi tập trung tại khu vực cánh gà SVĐ, bà Nghĩa mới biết nhiệm vụ của mình.


Bà Nghĩa kể: Tôi vô cùng vui sướng, hạnh phúc, xúc động khi ôm bó hoa tiến lên lễ đài giữa sân khấu tặng cho Bác Hồ. Còn bên dưới khán đài, cả biển người cứ như sóng dào dạt, mãi đến khi Bác giơ tay ra hiệu thì mới lắng lại. Mọi người trước đó hầu như chỉ được biết Bác qua ảnh, nghe tiếng Bác qua đài phát thanh, nên khi được gặp Bác trực tiếp ai cũng như cố tiến đến để được gần Bác hơn. Vị lãnh tụ của dân tộc mà sao lại giản dị đến vậy trong bộ quần áo kaki, đôi dép cao su, nhất là nụ cười nhân hậu ấy, cùng với ánh mắt sáng như sao, vầng trán cao và chòm râu bạc... đã quá quen thuộc trên bức ảnh chân dung mà nhà nào cũng có.
Sau ngày hôm đó, bạn bè ai cũng chia vui với Liên đội trưởng khu phố Chợ Cũ đã vinh dự được tặng hoa cho Bác, được Bác hỏi thăm, xoa đầu động viên. Bà Nghĩa đã kể lại cho các bạn trong liên đội về lời dặn của Bác, rằng thiếu nhi Hồng Quảng phải chăm ngoan hơn nữa, trong sinh hoạt đoàn, đội nền nếp hơn, rèn luyện không ngừng, xứng đáng là mầm non tương lai, góp sức tham gia xây dựng quê hương, đất nước.

Theo dòng hồi tưởng, có một khoảnh khắc khiến bà Nghĩa nhớ kỹ nhất, đó là lời hỏi thăm ân cần của Bác khi nhận hoa: “Cháu có mỏi chân không?”. Người quay lại nhắc nhở mấy đồng chí lãnh đạo: “Từ lần sau các đồng chí nhớ phải để ghế cho các cháu ngồi”. Lúc ấy bà Nghĩa thấy vui sướng, xúc động vô cùng vì được Bác quan tâm, động viên. Sau này ngẫm lại bà Nghĩa càng thấy cảm phục sự chu đáo, nhân hậu, gần gũi giản dị của Người. Bác dù lo trăm nghìn công việc lớn, vẫn luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, đặc biệt là dành tình cảm cho thiếu niên, nhi đồng.
Với những người vinh dự từng được gặp Bác Hồ như ông Kỳ, bà Nghĩa, kỷ niệm về vị lãnh tụ kính yêu - Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ luôn sống mãi, in sâu trong tâm trí với cảm xúc tự hào và thiêng liêng nhất.
Huyện đảo Cô Tô là nơi đầu tiên và cũng là nơi duy nhất được phép dựng tượng Bác Hồ khi Người còn sống, trở thành biểu tượng, điểm tựa tinh thần cho người dân đảo trước sóng gió biên cương. Đây là nơi được đón Bác về thăm vào ngày 9/5/1961. Khi đó, quân dân huyện đảo được Bác căn dặn: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo. Mong đồng bào đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.
Mỏ Đèo Nai (TP Cẩm Phả) là nơi nổ ra cuộc bãi công của hàng vạn thợ mỏ năm 1936; cũng là đơn vị duy nhất của ngành Than được đón Bác Hồ về thăm vào năm 1959. Người đã lên tận tầng 10 công trường khai thác và dặn dò: “Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng. Để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng với vai trò làm chủ. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa”.
|
Ý kiến ()