
Nghịch lý trong vấn đề lương thực ở Mỹ Latinh
Khu vực Mỹ Latinh và Caribe đang đối mặt với nghịch lý lớn, khi là nơi có chi phí cho chế độ ăn lành mạnh đắt đỏ nhất thế giới, dù sở hữu nền nông nghiệp dồi dào.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, phát biểu tại Diễn đàn khu vực về Bữa ăn học đường diễn ra ngày 15/7 ở Honduras, ông Máximo Torero, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) nhấn mạnh mức chi phí trung bình 4,5 USD/người/ngày tại các nước Mỹ Latinh và thậm chí cao hơn ở khu vực Caribe đang trở thành rào cản lớn đối với mục tiêu xóa đói vào năm 2030.
Báo cáo mới nhất của FAO ghi nhận khu vực này đã giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng từ 7% xuống 6,2% trong giai đoạn 2021-2023, giúp 4,3 triệu người thoát khỏi tình trạng đói ăn. Thành công này chủ yếu đến từ các chính sách an sinh xã hội hiệu quả như chương trình chuyển tiền có điều kiện, cùng với việc mở rộng sản xuất nông nghiệp và tự do hóa thương mại, tuy nhiên tiến bộ trên phân bổ không đồng đều khi các nước Nam Mỹ tỏ ra lạc quan, trong khi khu vực Trung Mỹ chỉ duy trì ở mức ổn định và khu vực Caribe vẫn chưa thể phục hồi sau những tác động do đại dịch COVID-19.
Tình hình càng trở nên phức tạp khi lạm phát thực phẩm tiếp tục gia tăng bất chấp giá nguyên liệu thô như lúa mì, ngô và gạo đã giảm sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine. Nguyên nhân được xác định là do các khoản chi phí cho việc vận chuyển, đóng gói và năng lượng vẫn ở mức cao.
Trước tình hình này, FAO kêu gọi tăng cường đầu tư công vào nông nghiệp bền vững, thu hút vốn tư nhân cho chuỗi cung ứng, tối ưu hóa chi tiêu ngân sách và tăng cường phối hợp với hệ thống tài chính quốc tế.
Ông Torero đặc biệt nêu bật sự cần thiết phải cân bằng giữa sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, đồng thời thúc đẩy thay đổi thói quen ăn uống trong người dân để giảm thiểu các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng.
Theo Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, hiện có tới 22% dân số ở khu vực Mỹ Latinh đang sống trong tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cao gấp đôi so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19 với mức độ đặc biệt nghiêm trọng tại Haiti, Venezuela và các quốc đảo nhỏ ở khu vực Caribe vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu lương thực./.
Ý kiến ()