
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương và đối mặt với nhiều nguy cơ tiềm ẩn, như tai nạn thương tích, bị xâm hại, bạo lực… Để trẻ em được an toàn, phát triển trong môi trường lành mạnh cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Hè 2025, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh triển khai chuỗi lớp học kỹ năng sống miễn phí dành cho học sinh từ 7-11 tuổi. Lớp học mang đến một môi trường học tập cởi mở, linh hoạt, gần gũi với tâm lý trẻ. Ở đây, trẻ không học để thi, mà học để sống an toàn hơn, tự tin hơn và biết bảo vệ chính mình.
Thông qua các chuyên đề được xây dựng công phu và giảng dạy bởi đội ngũ có chuyên môn, các em được tiếp cận với nhiều kiến thức thực tiễn, như: Quyền và bổn phận của trẻ em theo Luật Trẻ em; các dấu hiệu cần nhận biết để phòng tránh bị xâm hại, kỹ năng từ chối người lạ, ứng phó với bắt nạt học đường, cách sử dụng mạng xã hội an toàn, kỹ năng thoát hiểm và phòng chống tai nạn thương tích… Đồng thời được tham gia vào những hoạt động trải nghiệm, đóng vai, trò chơi tình huống, giúp hình thành kỹ năng qua thực hành và ghi nhớ kiến thức một cách tự nhiên.
Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, giáo viên dạy tại lớp học, cho biết: Ở đây chúng tôi hướng đến việc trang bị các kiến thức cần thiết nhất để trẻ biết cách bảo vệ bản thân. Các chuyên đề như cách phòng tránh xâm hại, bạo lực được các em hiểu đúng, biết cách gọi tên những vấn đề mình gặp phải ở ngoài cũng như tại trường học. Nhiều em ban đầu đến lớp học còn rụt rè, ngại chia sẻ các vấn đề của bản thân; nay đã tự tin, thoải mái, cởi mở hơn. Cô và trò được giao tiếp, hoạt động trong môi trường mở, thân thiện, gần gũi, nên chúng tôi được kết nối, chia sẻ nhiều hơn.

Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành từ tỉnh tới cơ sở. Các mô hình bảo vệ trẻ em được nhân rộng tại cơ sở, giúp các em trang bị được những kỹ năng cần thiết, ứng phó với nhiều tình huống xảy ra ngoài cộng đồng. Tiêu biểu như các mô hình: “Trường học an toàn, thân thiện, không bạo lực”; “Chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ”; “Quản lý thanh thiếu niên có nguy cơ làm trái pháp luật”; CLB “Quyền trẻ em”... Đặc biệt mô hình “Ngôi nhà Ánh Dương” được duy trì hoạt động với chức năng hỗ trợ khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại nhà tạm lánh đối với phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị xâm hại hoặc bị buôn bán người...
Bên cạnh công tác đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo sức răn đe; các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua nhiều hình thức: Hội họp, tuyên truyền trực quan, mạng xã hội..., giúp vừa nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi gia đình, toàn xã hội trong việc phòng chống xâm hại trẻ em, vừa giúp trẻ em được trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân khi cần thiết.

Toàn tỉnh hiện có gần 4.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có gần 2.000 trẻ thuộc diện mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng..., là những trường hợp yếu thế. Hội LHPN tỉnh đã triển khai hiệu quả mô hình “Mẹ đỡ đầu” từ năm 2020 đến nay; đã vận động đỡ đầu hằng tháng 435 trẻ em (91 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 344 trẻ em mồ côi). Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động các cơ quan, doanh nghiệp đỡ đầu 270 trẻ. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (nay là Ban Chỉ huy BĐBP tỉnh) có chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng”...
Bảo vệ trẻ em không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm của chung của toàn xã hội. Chung tay hành động chính là cách để chúng ta xây dựng một thế hệ tương lai khỏe mạnh, an toàn và hạnh phúc hơn.
Ý kiến ()