
Thượng viện Mỹ phê chuẩn kế hoạch cắt giảm 9 tỷ USD ngân sách liên bang
Thượng viện Mỹ ngày 17/7 đã thông qua dự luật điều chỉnh ngân sách được Tổng thống Donald Trump đề xuất, trong đó cắt giảm hơn 9 tỷ USD vốn dành cho các chương trình viện trợ nước ngoài và truyền thông công cộng.
Dù gây tranh cãi và vấp phải sự phản đối từ một số nghị sĩ thuộc cả hai đảng, nhưng dự luật trên vẫn được Thượng viện – do phe Cộng hòa kiểm soát – thông qua với 51 phiếu thuận và 48 phiếu chống.
Đây được coi là phép thử đầu tiên cho khả năng Quốc hội có thể hiện thực hóa các kế hoạch cắt giảm chi tiêu mà Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) hoạch định, trong bối cảnh tỷ phú Elon Musk – người từng lãnh đạo bộ này - đã rời chính phủ hồi cuối tháng 5 vừa qua, sau khi xảy ra mâu thuẫn với Tổng thống Trump về ngân sách và thâm hụt.
Việc ban hành luật để thu hồi khoản ngân sách đã được Quốc hội phê duyệt rất hiếm khi được thông qua trong lịch sử Mỹ. Dự luật trên sẽ loại bỏ khoảng 8 tỷ USD dành cho viện trợ nước ngoài, chủ yếu thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) - vốn là mục tiêu sớm của DOGE. Ngoài ra, khoảng 1 tỷ USD sẽ bị cắt từ Tập đoàn Phát thanh Truyền hình công cộng Mỹ (CPB), ảnh hưởng đến hơn 1.500 đài phát thanh và truyền hình địa phương.
Trong phiên bản dự luật ban đầu do Hạ viện Mỹ thông qua hồi tháng 6, có điều khoản cắt 400 triệu USD đối với các chương trình y tế, bao gồm cả Quỹ cứu trợ AIDS toàn cầu PEPFAR – được Tổng thống trước đây là ông George W. Bush sáng lập. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã bị loại bỏ do vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một số thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa.
Hiện dự luật cắt giảm ngân sách đã được đưa trở lại Hạ viện để xem xét lần cuối. Nếu không được thông qua trước hạn chót là ngày 18/7, Chính phủ Mỹ bắt buộc phải chi tiêu số tiền đã được Quốc hội phê duyệt lúc ban đầu./.
Ý kiến ()