
Hành trình tri ân – Từ trái tim đến hành động
Tỉnh Quảng Ninh luôn giữ vững và phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", xem công tác tri ân người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên. Với nhiều cách làm chủ động, thiết thực và hiệu quả, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng trong việc chăm lo toàn diện cho các đối tượng chính sách, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với những hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh.
Những nghĩa cử đầy nhân văn
Toàn tỉnh hiện có trên 48.000 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đang được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định. Trong đó, có trên 8.300 người có công trực tiếp với cách mạng như cán bộ lão thành, mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học... Để chăm lo chu đáo cho người có công với cách mạng, thời gian qua, bên cạnh thực hiện tốt những chính sách chung, tỉnh đã có một số chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ, chăm lo cho người có công với cách mạng trên địa bàn.

Trong đó nổi bật là Nghị quyết 23/2023/NQ-HĐND và Nghị quyết 46/2024/NQ-HĐND, mở rộng hỗ trợ vượt khung so với quy định của nhà nước đối với đối tượng thương bệnh binh, người có công, như: Nâng mức quà tặng, hỗ trợ điều dưỡng, chi phí thăm viếng di tích, BHYT cho thân nhân… Đặc biệt là Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh quy định các chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn, ngoài mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, tỉnh hỗ trợ thêm tiền điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo niên hạn điều dưỡng hằng năm và hai năm một lần, như: Điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh được nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 1,4 triệu đồng/người/lần lên 1,8 triệu đồng/người/lần. Người có công điều dưỡng tại nhà được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần (trước đây là 700.000 đồng)…
Đối với các thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61-80%; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày còn được tỉnh hỗ trợ điều dưỡng trong năm khi mà đối tượng không thực hiện điều dưỡng theo chính sách của Trung ương…

Ngoài ra, hàng năm, tỉnh còn bố trí nguồn ngân sách hàng trăm tỷ đồng để chi trả trợ cấp, hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục và tổ chức các hoạt động tri ân thiết thực. Điển hình như sau khi hoàn thành hơn 12.000 căn nhà giai đoạn 2013-2021, từ năm 2023 đến nay, tỉnh hỗ trợ thêm hàng trăm hộ xây dựng nhà ở. Riêng năm 2025, tỉnh đã phê duyệt danh sách 306 hộ (122 hộ xây mới, 184 hộ sửa chữa), phấn đấu hoàn thành trước ngày 27/7 theo yêu cầu tại Công điện số 102/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Nguyễn Hữu Trí, phường Hạ Long, mang về thời bình vết thương chiến tranh chỉ cách cột sống vài cm. Đó là dấu tích không phai của những năm tháng chiến đấu khốc liệt. Là thương binh hạng 4/4, ông luôn cảm thấy được an ủi, động viên bởi sự quan tâm sát sao từ chính quyền địa phương. Gia đình ông đã được hỗ trợ 80 triệu đồng từ nguồn kinh phí chăm lo người có công để sửa lại nhà cửa khang trang và sạch đẹp hơn. Ông Trí chia sẻ: Sau khi rời quân ngũ và trở về cuộc sống thường ngày, mỗi người lính đều có những công việc và hoàn cảnh khác nhau. Với riêng gia đình tôi, sự quan tâm của Nhà nước, đặc biệt là khoản hỗ trợ để sửa chữa nhà cửa, đã giúp cuộc sống ổn định hơn, bớt đi nhiều lo toan. Điều đáng quý là sự giúp đỡ ấy không chỉ mang ý nghĩa vật chất, mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao.
Quảng Ninh cũng đặc biệt chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho người có công. Trung tâm Điều dưỡng Người có công Quảng Ninh là một trong những đơn vị kiểu mẫu, hàng năm đón tiếp và điều dưỡng hàng nghìn lượt người có công, giúp họ phục hồi sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Không chỉ cung cấp các dịch vụ điều dưỡng cơ bản, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vật lý trị liệu, văn hóa, thể thao phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ thêm kinh phí cho việc điều dưỡng, đặc biệt là điều dưỡng tại nhà, đã thể hiện sự linh hoạt và quan tâm sâu sát của tỉnh, đảm bảo mọi người có công đều được hưởng các chế độ chăm sóc tốt nhất, phù hợp với điều kiện và nguyện vọng của từng cá nhân.

Vào các dịp lễ, Tết truyền thống và đặc biệt là Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), các hoạt động thăm hỏi, tặng quà được triển khai rộng khắp từ cấp tỉnh đến cơ sở. Các đoàn lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đều tích cực tham gia, mang đến sự động viên kịp thời và những món quà ý nghĩa. Những buổi gặp mặt thân mật, những câu chuyện về ký ức chiến tranh, về những hy sinh thầm lặng đã tạo nên sợi dây kết nối chặt chẽ giữa các thế hệ. "Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình cảm chân thành của cả cộng đồng dành cho những người đã cống hiến tuổi xuân và xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc," ông Nguyễn Văn An, một cựu chiến binh tại phường Hạ Long, xúc động chia sẻ.
Gìn giữ ký ức – Bồi đắp tương lai
Việc chăm sóc người có công là nhiệm vụ thiêng liêng, là đạo lý của dân tộc. Chúng ta không chỉ chăm lo vật chất mà cần quan tâm đến đời sống tinh thần, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc. Trên quan điểm đó, tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khoá XIV, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc tặng quà cho người có công với cách mạng, thân nhân người có công, người thờ cúng liệt sĩ và một số đối tượng đặc thù nhân dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025). Đây là Nghị quyết đầy tính nhân văn được cử tri và nhân dân trên địa bàn đồng tình và đánh giá rất cao. Hầu hết các ý kiến đều nhận định việc trao quà nhân dịp đại lễ không chỉ mang giá trị vật chất mà quan trọng hơn là thông điệp nhân văn: “Không ai bị lãng quên trong hành trình tri ân của quê hương”. Cách tri ân theo sự kiện đặc biệt sẽ vừa giúp lan tỏa tinh thần nghĩa tình, bù đắp cho những đối tượng thiệt thòi chưa được chế độ trung ương bao trùm. Theo đó, hơn 31 tỷ đồng quà sẽ trao tận tay gần 16.000 người, từ đó tiếp tục lan tỏa hơi ấm tình người và tiếp thêm niềm tin để họ vững vàng tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Đó cũng chính là cách Quảng Ninh gìn giữ ký ức hào hùng của lịch sử, bồi đắp nền tảng nhân văn cho những bước tiến mới trên hành trình xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đồng thời tiếp tục khẳng định thông điệp mạnh mẽ và xuyên suốt của tỉnh là tăng trưởng kinh tế phải song hành với tiến bộ, công bằng xã hội; thành quả phát triển phải được ưu tiên chia sẻ với những người đi trước.

Trước đó, tháng 5/2025, Tỉnh Đoàn phối hợp với nhóm phục dựng ảnh Skyline triển khai dự án “Tô màu ký ức” nhằm phục dựng và trao tặng ảnh chân dung các liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Dự án không chỉ góp phần nối lại ký ức thiêng liêng cho các gia đình liệt sĩ mà còn lan tỏa hình ảnh đẹp về thế hệ trẻ sống biết ơn, sống có lý tưởng bằng những việc làm cụ thể, cảm động và đầy trách nhiệm. Mục tiêu ban đầu của dự án là phục dựng tối thiểu 100 bức ảnh chân dung liệt sĩ và trao tặng miễn phí cho thân nhân trên địa bàn tỉnh, nhưng với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, dự án đã thu hút được sự quan tâm hưởng ứng, chung tay thực hiện của nhiều bạn trẻ, nhiều doanh nghiệp trẻ trong tỉnh. Bởi vậy, đến hết năm 2025, sẽ có gần 1.000 bức ảnh tiếp tục được phục dựng và trao tặng miễn phí cho gia đình liệt sĩ. Theo anh Phùng Quang Trung, Trưởng nhóm Skyline, chia sẻ: Chúng tôi không coi đây là công việc, mà là sứ mệnh. Mỗi bức ảnh là một lần tri ân. Chúng tôi muốn giúp gia đình liệt sĩ "đoàn tụ" theo cách đặc biệt nhất - bằng ký ức sống dậy".
Thực tế cho thấy, khi thế hệ trẻ được tiếp cận và thấu hiểu giá trị của sự hy sinh, các em sẽ trưởng thành hơn trong nhận thức và hành động. Mỗi hành động tri ân hôm nay không chỉ là lời cảm ơn, mà còn là cách gieo mầm cho một thế hệ biết ơn - biết học - biết cống hiến, góp phần xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt, trong những ngày tháng Bảy - mùa tri ân những người có công với cách mạng - nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động thiết thực, không chỉ nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các thương binh, liệt sĩ, mà còn hướng đến giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ trẻ.

Mới đây, tại phường Đông Triều, Đoàn Thanh niên đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Hành trình về địa chỉ đỏ” dành cho các học sinh, sinh viên tiêu biểu. Các em đã được đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà Trần, dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ và lắng nghe câu chuyện của những cựu chiến binh từng chiến đấu bảo vệ quê hương. Những bài học không có trong sách giáo khoa đã gieo vào lòng các em tình yêu đất nước, lòng biết ơn những người đi trước và ý thức học tập, cống hiến cho tương lai. Cũng trong thời gian này, tại một số địa phương đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt tri ân, như tuyên dương giáo viên là con em thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách tiêu biểu đang công tác tại các trường học trên địa bàn. Đây là những “người truyền lửa” thầm lặng, đã và đang lan tỏa tinh thần vượt khó, tận tụy dạy dỗ học sinh bằng cả tấm lòng tri ân và tự hào dân tộc...
Có thể thấy, tri ân người có công không chỉ là hành động “trả nghĩa” của hôm nay, mà còn là cách gìn giữ ký ức lịch sử, vun đắp cho những giá trị tốt đẹp của tương lai. Quảng Ninh đang và sẽ tiếp tục là điểm sáng trong công tác chăm sóc người có công với cách mạng – như một minh chứng sống động cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Ý kiến ()