Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Đến cuối năm 2024, Quảng Ninh có 403 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt 3-5 sao. Thời gian qua, các địa phương luôn chú trọng nâng cao chất lượng, uy tín cho sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Những năm qua, các địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng phát triển chương trình khoa học phục vụ xây dựng các sản phẩm OCOP. Riêng năm 2024, Sở KH&CN đã tham mưu triển khai nhiệm vụ KHCN “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Khoai lang Móng Cái” dùng cho sản phẩm từ khoai lang của TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh” và “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ruốc tôm Hạ Long” dùng cho sản phẩm từ ruốc tôm của TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”.
Đồng thời, sở triển khai 6 nhiệm vụ thuộc chương trình phát triển tài sản trí tuệ, như: Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận gà râu Hải Hà; xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế của huyện Đầm Hà; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồi Bình Liêu…
Các ngành hỗ trợ nhiều dự án trong nội dung nhiệm vụ thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN thúc đẩy phát triển KT-XH nông thôn, miền núi, vùng DTTS, như: Dự án ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất và nuôi thương phẩm sò huyết (Anadara granosa Linaeus, 1758) tại TP Móng Cái do Công ty TNHH Ngọc Khánh VT chủ trì thực hiện; Dự án ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm hàu Thái Bình Dương (Crassosưea gigas) tại tỉnh Quảng Ninh do Công ty TNHH Thủy sản Minh Hàn chủ trì thực hiện…
Sở NN&PTNN tiếp tục duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin vào Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đến nay đã hỗ trợ cấp được 1.332 tài khoản vận hành cho các cơ sở tham gia Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; cấp 2.489 mã QR cho các sản phẩm nông sản, thủy sản tham gia hệ thống…
Cùng với đó, các địa phương đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu an toàn phục vụ phát triển các sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh đã có 63 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, 9 cơ sở đóng gói. Các địa phương tiếp tục duy trì sản xuất an toàn với diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP là 322,35ha (27 cơ sở); 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản (cá tầm Nga, cá lăng nha) được chứng nhận VietGAP, diện tích 0,405ha; 1 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ với 329ha quế; 2 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAP; 39 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP và các chứng nhận khác tương đương …
Toàn tỉnh hiện có 694 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành NN&PTNT, trong đó có 430 cơ sở nông sản, thủy sản. Hầu hết các cơ sở tự xây dựng, áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), quy trình vận hành tiêu chuẩn vệ sinh (SSOP), phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP)...
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Quảng Ninh còn tăng cường quản lý bảo đảm ATTP. Các sở, ngành, lực lượng QLTT và chính quyền địa phương thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, kiểm soát nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các chợ, siêu thị và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm các dịch bệnh vào địa bàn tỉnh.
Mặt khác, tỉnh tiếp tục mời gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn cho doanh nghiệp đầu tư; tổ chức các hội chợ, triển lãm và hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp... tham gia để giới thiệu, quảng bá nông sản an toàn, đặc biệt là sản phẩm trong Chương trình OCOP… Riêng năm 2024, tỉnh đã tổ chức 3 hội chợ OCOP cấp tỉnh và 1 hội chợ cấp vùng; hướng dẫn các địa phương đăng ký tham gia nhiều hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP do các tỉnh, thành phố tổ chức.
Thông qua triển khai các giải pháp đã giúp tăng khả năng nhận biết và bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm, giúp chứng nhận các đặc tính chất lượng của sản phẩm OCOP gắn với nguồn gốc xuất xứ, nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm; đem lại hiệu quả về mặt KT-XH cho địa phương và người dân. Hầu hết các sản phẩm đã được cấp sao tiếp tục phát triển, nâng cấp, duy trì được tiêu chuẩn chất lượng ATTP.
Ý kiến ()