![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Để "theo kịp, tiến cùng và vượt lên" với ngành công nghiệp bán dẫn
Phát triển công nghiệp bán dẫn là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tiếp tục là xu thế tất yếu trong tương lai.
Việt Nam với nhiều điểm lợi thế, đang nổi lên như một thị trường trọng điểm cho các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, công nghiệp bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận các cơ hội và phát triển một cách hiệu quả, trong đó đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mang tính chất nền tảng. Chính phủ đã ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi…
![UBND tỉnh họp triển khai thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2312776_ubnd_tinh_hop_trien_khai_thuc_hien_chuong_trinh_phat_trien_nguon_nhan_luc_nganh_cong_nghiep_ban_dan_den_nam_2030_dinh_huong_den_nam_2050_tren_dia_ban__16300712.jpg)
Với tinh thần "theo kịp, tiến cùng và vượt lên", Quảng Ninh cũng nhanh chóng đề ra các kế hoạch phát triển công nghiệp bán dẫn trên địa bàn, kịp thời khai thác thế mạnh của động lực tăng trưởng mới này. Tuy nhiên, bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ rất rộng, liên quan đến nhiều ngành, nghề khác nhau, từ vật liệu, hóa học, vật lý, điện, điện tử, cơ khí đến ngành ứng dụng cao hơn như công nghệ thông tin, khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo... Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/20232; Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 4/4/2024 và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan, mục tiêu đào tạo lao động đến năm 2030 của tỉnh mới tập trung đào tạo các ngành công nghệ thông tin truyền thông; khoa học công nghệ; công nghiệp chế biến, chế tạo, chưa định hướng chi tiết đến ngành công nghiệp bán dẫn.
Trên cơ sở kết quả tổng hợp, rà soát hiện trạng của các đơn vị liên quan cho thấy, Quảng Ninh chưa có các dự án bên ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế liên quan đến công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; chưa có các trường đại học, cao đẳng đào tạo các ngành học liên quan đến công nghệ bán dẫn. Trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh chỉ có các dự án gần tương đương lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, với lao động chủ yếu sản xuất các linh kiện điện tử, điện dân dụng, thiết bị thông minh...
Đến hết tháng 12/2024, tổng số lao động liên quan đến lĩnh vực gần tương đương lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đang làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế là khoảng 6.000 lao động, trong đó với công đoạn thiết kế và phát triển là 30 lao động; sản xuất: 4.000 lao động; đóng gói: 300 lao động; kiểm thử: 350 lao động. Trình độ đào tạo của lao động trong các công đoạn cũng rất đa dạng, từ đại học, cao đẳng đến tốt nghiệp THCS, THPT, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là lao động có trình độ THCS, THPT (chiếm 83,57%, tập trung ở các công đoạn sản xuất và đóng gói); trình độ đại học, cao đẳng (chiếm tỷ lệ 16,43%, tập trung ở công đoạn thiết kế và phát triển).
Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu lao động liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh cần trên 13.000 người; trong đó, trình độ đại học cần khoảng 315 người (chiếm 2,3% tổng số lao động cần tuyển mới) trong công đoạn thiết kế và phát triển; trình độ cao đẳng cần khoảng 750 người (chiếm 5,5% tổng số lao động tuyển mới) trong công đoạn sản xuất; tốt nghiệp THCS, THPT cần khoảng 12.476 người (chiếm 92,1% tổng số lao động tuyển mới), trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử.
Xác định đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, được ưu tiên hàng đầu, Quảng Ninh đã đề ra các giải pháp để hiện thực hoá các mục tiêu đặt ra. Trong đó, nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển trong ngành công nghiệp bán dẫn. Bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo về ngành công nghiệp bán dẫn; tham gia và tăng cường hợp tác nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và tạo đầu ra cho nguồn nhân lực.
Để nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội mà ngành công nghiệp bán dẫn mang đến, tỉnh cần có sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ vào các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và phát triển, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ. Đồng thời, cần tạo điều kiện đa dạng hóa về hình thức đào tạo (đào tạo chính quy, đào tạo chuyên gia, đào tạo nâng cao, đào tạo lại); về trình độ đào tạo (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ); về nguồn lực đào tạo (nhà nước, doanh nghiệp, xã hội, hợp tác công tư), đáp ứng yêu cầu về nhân lực của các doanh nghiệp bán dẫn trong địa bàn tỉnh, dần tiến tới đáp ứng nhu cầu bên ngoài tỉnh.
Ý kiến ()