![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt
Điều mà người dân trên địa bàn Quảng Ninh cảm nhận rõ nét trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chính là không còn nhiều tình trạng nghẽn mạng, hay phải xếp hàng đi rút tiền mặt ở các cây ATM. Mặc dù lượng mua sắm của người dân khá lớn trong dịp này, nhưng đa số người mua, người bán đã sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lượng người mua hàng (thịt gia súc, gia cầm) của chị Bùi Thị Vinh (khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) tăng cao. Phần lớn người mua đều sử dụng dịch vụ thanh toán qua tài khoản. Khác với năm trước đó, vào những ngày Tết, việc chuyển khoản thường bị nghẽn mạng không thực hiện được, thì nay hầu hết các giao dịch đều thực hiện suôn sẻ. Chị Vinh tâm sự: Thông qua dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp tôi không còn rơi vào tình trạng thiếu tiền lẻ để trả lại cho khách hàng, việc mua bán cũng nhanh hơn.
![Khách hàng thanh toán bằng hình thức quét mã QR tại chợ Trung tâm Tiên Yên (huyện Tiên Yên). Ảnh: Nguyễn Trang](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/original/1165e85cd33bbeeb7c13a62784bef7a5.jpg)
Không chỉ ở các thành phố lớn, tại các huyện, thị, người mua, người bán cũng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt rất nhiều. Chị Hoàng Thị Mai kinh doanh tại Chợ trung tâm huyện Đầm Hà cho biết: Ở Đầm Hà phần lớn người dân là nông dân nên trước đây chỉ có thói quen mua, bán bằng tiền mặt. Nhưng qua Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cho thấy bà con sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt rất nhiều. Bản thân tôi năm ngoái để sắm Tết cho gia đình còn phải xếp hàng rút tiền từ cây ATM vì nhiều mặt hàng như rau, thịt, cá… người bán chỉ nhận tiền mặt. Nhưng năm nay, tình trạng xếp hàng rút tiền không còn, do hầu hết việc mua bán đều sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản.
Được biết, trong nhiều năm nay, Quảng Ninh đã nỗ lực rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị đã tích cực tuyên truyền đến các đối tượng liên quan thuộc lĩnh vực quản lý và người dân bằng nhiều hình thức.
Về phía Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; hướng dẫn, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong cài đặt xác thực sinh trắc học tại các điểm giao dịch của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán…
![Người dân thanh toán bằng cách quét mã QR code tại cửa hàng xăng dầu trên địa bàn huyện Vân Đồn. Ảnh: Cao Quỳnh](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2312161_nguoi_dan_thanh_toan_bang_cach_quet_ma_qr_code_tai_cua_hang_xang_dau_tren_dia_ban_huyen_van_don_anh_cao_quynh_08214411.jpg)
Công an tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Trung tâm Truyền thông tỉnh thường xuyên phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong thanh toán điện tử; cảnh báo các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tội phạm công nghệ cao và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa…
Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp triển khai các hình thức thu phí, lệ phí giải quyết TTHC không dùng tiền mặt, trong đó, đảm bảo 100% các trường hợp không thu tiền mặt tại các trung tâm phục vụ hành chính công; thực hiện hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với 100% các khoản thu, chi phục vụ hoạt động dịch vụ của trường học…
Ngân hàng Nhà nước tỉnh tích cực thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đề nghị các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nghiên cứu, áp dụng các chương trình, chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, ưu tiên thực hiện miễn phí duy trì tài khoản, phí rút tiền mặt đối với khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội; phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng nhằm khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3,4 triệu tài khoản cá nhân, trong đó có 2,5 triệu tài khoản đang hoạt động, 620.000 tài khoản mở bằng hình thức trực tuyến (eKYC); có 62.404 tài khoản doanh nghiệp; bình quân khoảng 2,5 tài khoản đang hoạt động/người dân từ 15 tuổi trở lên.
![Người dân bản Quảng Mới, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà) sử dụng điện thoại thanh toán lệ phí tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại xã. Ảnh: Minh Đức](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2312162_nguoi_dan_ban_quang_moi_xa_quang_son_huyen_hai_ha_su_dung_dien_thoai_thanh_toan_le_phi_tai_bo_phan_tiep_nhan_va_tra_ket_qua_hien_dai_xa_anh_minh_duc_08221411.jpg)
Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 427 máy ATM, 3.223 máy POS với khoảng 2.500 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại hầu hết các cơ sở bán lẻ, chuỗi phân phối, khách sạn và tiếp tục mở rộng ra các cơ sở y tế, trung tâm phục vụ hành chính công, trường học... Bên cạnh đó, việc thanh toán sử dụng mã QR đã được ứng dụng và triển khai rộng rãi nhằm thúc đẩy, khuyến khích và tạo thói quen thanh toán qua thiết bị di động phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Tổng số điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt tăng thêm trong năm 2024 là 8.945 điểm. Toàn tỉnh có 19 chợ hạng 1, 19 chợ hạng 2 và 30 chợ hạng 3 đã triển khai mô hình Chợ 4.0. Tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình là 78%. Các đơn vị cung ứng dịch vụ, như: Trung tâm Phục vụ hành chính công, Công ty CP Nước sạch; Công ty Điện lực; các cơ sở y tế, giáo dục... tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đáp ứng nhu cầu thanh toán thanh toán không dùng tiền mặt.
Ý kiến ()