![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Cần tăng chế tài xử phạt đối với vi phạm về an toàn thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, trong tháng 1/2025, toàn tỉnh có 72 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, tổng số tiền xử phạt gần 1 tỷ đồng.
![](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202502/medium/2312246_2295230_2_10363422_10071811.jpg)
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh xử phạt 57 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt 856 triệu đồng; Công an tỉnh xử phạt 2 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 26 triệu đồng; UBND các địa phương xử phạt 13 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền 73 triệu đồng. Trong đó có 18 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP do có hành vi vi phạm mức độ và nguy cơ cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bị phạt ở mức cao nhất là Công ty TNHH Mậu dịch Sa Hữu (tầng 1 Zone 5B, Trung tâm thương mại và giải trí Hạ Long Marina Plaza, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) với mức 180 triệu đồng do hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là thực phẩm.
Các tổ chức, cá nhân nói trên có các hành vi vi phạm chính là: Kinh doanh hàng hoá nhập lậu là thực phẩm; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ là thực phẩm; kinh doanh dịch vụ ăn uống mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở thuộc diện phải cấp giấy; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy theo quy định; không có ủng hoặc giầy dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm; khu vực kho không có giá kệ biển tên, nội quy, quy trình chế biến không bảo đảm 1 chiều; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn…
Trước đó, trong tháng 12/2024, toàn tỉnh có 35 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, tổng số tiền xử phạt gần 270 triệu đồng.
Sở dĩ số cơ sở vi phạm quy định về ATTP tăng đột biến trong tháng 1/2025 bởi trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu dùng về thực phẩm tăng cao, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm nhập lậu đưa vào nội địa tiêu thụ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Quảng Ninh là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu, địa hình miền núi phức tạp, chia cắt, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Hoạt động buôn bán, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, trong đó có thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố quy mô nhỏ lẻ, cá thể, hộ gia đình cũng là nguyên nhân khiến các cấp, các ngành khó kiểm soát. Cùng với đó, nhận thức và ý thức chấp hành quy định về ATTP của một bộ phận doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan chưa cao. Hành vi vi phạm ATTP hiện nay ngày càng tinh vi và kín đáo hơn nhằm qua mặt cơ quan chức năng, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng để thu lợi bất chính.
Trong khi đó, hằng năm, các cơ quan liên quan tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra về ATTP, song vi phạm về ATTP vẫn không giảm. Chỉ tính riêng đợt 1 trong chiến dịch kiểm tra ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, đến ngày 17/1, toàn tỉnh thành lập 198 đoàn kiểm tra (3 đoàn kiểm tra cấp tỉnh, 24 đoàn kiểm tra cấp huyện và 171 đoàn kiểm tra cấp xã) kiểm tra 669 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Điều đó cho thấy, mặc dù thanh, kiểm tra nhiều song vi phạm trong lĩnh vực ATTP vẫn phổ biến. Có nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử lý vi phạm ATTP hiện nay chưa đủ mạnh.
Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập đến trong cuộc tổng kết công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của BCĐ liên ngành Trung ương về ATTP tổ chức ngày 9/1 vừa qua. Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng BCĐ liên ngành Trung ương về ATTP đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề tăng mức chế tài xử phạt đối với vi phạm ATTP; phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, sửa đổi về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với các chức danh chưa được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, tuyên truyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, mỗi người dân cần hình thành thói quen tiêu dùng thông minh, văn hóa tiêu dùng, mua, bán và sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ý kiến ()