Mong mọi người xếp hàng
Không biết có phải vì xếp hàng gắn với ấn tượng không tốt một thời gian dài mà hiện nay chúng ta loại bỏ việc xếp hàng trong đời sống? Một điều rất trái ngược là, trong khi người nước ngoài khi giao dịch hoặc sử dụng dịch vụ nơi công cộng luôn luôn xếp hàng trật tự, thì người Việt Nam ta gần như không cần quan tâm đến điều đó.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ, thay vì thứ tự vượt qua nơi xảy ra sự cố, mọi người cả hai phía đua nhau chen lên, thế là tắc đường kéo dài nhiều giờ. Ở nhiều nước, tại các điểm đón xe buýt, mọi người xếp hàng thứ tự lên xe. Còn ở nước ta, đến việc đi thang máy cũng tranh nhau, người trong thang máy chưa kịp bước ra đã bị người ở ngoài chen nhau vào trong thang máy.
Tại bệnh viện, nhiều bệnh nhân có “quan hệ” với bác sĩ là được khám ngay, làm cho những bệnh nhân xếp hàng chờ đợi chỉ biết thở dài.
Hoá ra người Việt Nam ta chưa có thói quen xếp hàng. Trước đây thời bao cấp, mọi người coi việc xếp hàng chỉ là bắt buộc, và nếu họ không nhiệt tình xếp hàng thì sẽ “mất phần”. Xếp hàng như thế chỉ là “xếp lốt”, là “xí chỗ” mà thôi. Tâm lý này chính là đà trượt để đến hôm nay mọi người chưa thấy hết ý nghĩa tốt đẹp của việc xếp hàng. Xếp hàng là hoạt động trật tự, khoa học, thể hiện công bằng. Bởi xếp hàng còn là cơ sở để ưu tiên người già, người tàn tật, phụ nữ mang thai, trẻ em...
Một hướng dẫn viên du lịch cho biết, ở nhiều sân bay, người nước ngoài rất ngạc nhiên khi thấy du khách người Việt chen ngang khi xếp hàng làm thủ tục. Một cán bộ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh kể, tại một bữa tiệc đứng ở nước ngoài, cán bộ ta cứ vô tư chen ngang, chen dọc để lấy đồ ăn, trong khi người nước ngoài thì bình tĩnh xếp hàng.
Nhiều người Việt Nam đã biết tới câu chuyện xếp hàng lĩnh khẩu phần ăn của cậu bé 9 tuổi người Nhật Bản sau thảm họa sóng thần vừa qua. Thấy cậu bé xếp ở cuối hàng, một cảnh sát gốc Việt và là người kể lại chuyện này, đã đưa khẩu phần ăn của mình cho cậu. Cậu bé cầm khẩu phần ăn đó đi thẳng đến nơi đang phân phát đồ ăn và trao lại suất ăn ở đó, rồi quay lại vị trí cũ xếp hàng. Qua bình tĩnh, trật tự xếp hàng nhận đồ cứu trợ sau thảm họa sóng thần, người Nhật Bản đã cho thế giới biết về tinh thần, bản lĩnh kiên cường, bất khuất của mình.
Xếp hàng không chỉ là đảm bảo trật tự, khoa học, công bằng mà còn là sự tôn trọng người khác, tôn trọng kỷ cương xã hội.
Bạn đừng cho rằng phải có biển đề “yêu cầu xếp hàng” mới phải xếp hàng. Xếp hàng là yêu cầu tự biết, là biểu hiện văn minh của mỗi người.
Mong sao mọi người đều có được “phẩm chất” xếp hàng để góp phần tạo dựng nền nếp trật tự, văn minh trong mọi hoạt động của xã hội.
Ý kiến ()