20
18
/
976815
Mô hình quản lý chuyên nghiệp, đột phá cho Vân Đồn
longform
Mô hình quản lý chuyên nghiệp, đột phá cho Vân Đồn

 

Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), được xác định là 3 khu kinh tế trọng điểm, 3 điểm đột phá phát triển Bắc – Trung – Nam của đất nước.

Với những đặc thù riêng mỗi khu kinh tế được trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tạo những cơ chế chính sách đặc biệt để thúc đẩy sự phát triển, đạt mục tiêu là những điểm phát triển đột phá của đất nước. Đối với Khu Kinh tế Vân Đồn, từ năm 2007 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập là Khu kinh tế ven biển, năm 2008, Thủ tướng quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.

Đây là Khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang- một vành đai” kinh tế Việt- Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Toàn bộ diện tích khu kinh tế nằm trong địa giới hành chính của huyện Vân Đồn. Khi quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm phát triển Vân Đồn, trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và hoàn thành việc xây dựng Vân Đồn đến năm 2050 là: “một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, năm 2012, tỉnh Quảng Ninh xây dựng và đề xuất mô hình Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn và đã được Quốc hội đưa vào Hiến pháp 2013, chương trình xây dựng luật.

Trong thời gian chờ các quyết sách lớn của trung ương, tỉnh đã linh hoạt, chủ động trong việc huy động nguồn lực để triển khai các dự án động lực, tạo nền cho sự phát triển của Vân Đồn. Vì vậy, tính từ năm 2012 đến hết năm 2017, đã huy động, thu hút được trên 57.000 tỷ đồng đầu tư các dự án phục vụ cho sự phát triển của Khu Kinh tế Vân Đồn. Trong đó nổi bật như dự án cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư đã hoàn thành, vận hành hoạt động từ cuối năm 2018. Đây là một trong những dự án động lực quan trọng, kếp hợp với các dự án đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái mở cơ hội kết nối không gian phát triển tầm quốc tế cho Vân Đồn.

Cũng trong giai đoạn vừa qua, để sự phát triển của Vân Đồn đi đúng hướng, đảm bảo sự bài bản, khoa học, chắc chắn, tỉnh Quảng Ninh đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được thuê đơn vị tư vấn là Tập đoàn PricewaterhouseCoopers (PwC – Mỹ) thực hiện lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu Kinh tế Vân Đồn. Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018.

Hiện tại việc quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn đang do Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh (hợp nhất từ Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh) đảm nhiệm. Trước yêu cầu đổi mới, phát triển của tỉnh Quảng Ninh, môi trường đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đổ vốn vào các Khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn đã khiến cho công tác quản lý của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh bị quá tải. Với tổng diện tích các khu công nghiệp, khu kinh tế toàn tỉnh là 368.434,3 ha - lớn nhất cả nước, trải dài trên địa bàn 12/14 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nên đã nảy sinh hạn chế trong tổ chức hoạt động, công tác quản lý và tham mưu của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, chưa thể hiện được vai trò động lực trong phát triển vùng, các mục tiêu chính (tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các dự án động lực) của Khu kinh tế Vân Đồn đã được Thủ tướng phê duyệt.

Đặt trong bối cảnh phát triển và vị thế của Vân Đồn hiện tại, tương lai thì việc có một ban quản lý chuyên sâu, chuyên nghiệp thực hiện việc quản lý, vận hành Khu Kinh tế Vân Đồn là rất cần thiết. Ban Quản lý này không chỉ là đầu mối quản lý nhà nước về Khu Kinh tế mà đây chính là đầu mối chính nghiên cứu, tham mưu, bám sát hiện thực hóa các mục tiêu: Phát triển kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Vân Đồn nhanh và bền vững, dựa trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn; chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ tiên tiến; phát huy nội lực và thu hút ngoại lực. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn mang tính đột phá, tập trung vào các ngành nghề có lợi thế cạnh tranh, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích quốc gia, với giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội; tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại.

Lộ trình cho sự phát triển của Khu Kinh tế Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị rất kỹ lưỡng, từ những định hướng, chủ trương của trung ương, các điều kiện về cơ sở hạ tầng, tâm lý của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn Khu kinh tế và tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh Quảng Ninh xác định cùng với Hạ Long, Quảng Yên, Móng Cái, Khu Kinh tế Vân Đồn sẽ là một trong những bổ trợ cho mục tiêu xây dựng thành phố Quảng Ninh trước năm 2030.

Chính vì vậy, để tạo sự chuyên nghiệp, đột phá trong cách thức quản lý, vận hành mô hình khu kinh tế này, tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, lập Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn. Ngày 14/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn. Đây là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.

Với một mô hình thí điểm về quản lý nhà nước tại địa phương, nhằm hoàn thiện những vấn đề từ thực tiễn xây dựng cơ sở lý luận, hoàn thiện mô hình đặc khu hành chính-kinh tế theo quy định tại Hiến pháp, tỉnh Quảng Ninh đã rất thận trọng trong việc xây dựng các nguyên tắc khi được thí điểm vận hành mô hình này. Đó là, sẽ không làm tăng tổng biên chế chung của tỉnh được cơ quan có thẩm quyền giao, thẩm định và phê duyệt; Không đầu tư xây dựng mới, sử dụng cơ sở vật chất hiện có (sử dụng văn phòng đại diện của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh tại huyện Vân Đồn).

Đặc biệt hoạt động của Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ với UBND huyện Vân Đồn, tuân thủ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ. Đồng thời, không chồng chéo chức năng nhiệm vụ đối với UBND các địa phương có Khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn. Theo thẩm quyền được giao tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sau khi Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn thành lập, UBND tỉnh sẽ ban hành quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh với Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, giữa UBND huyện Vân Đồn với Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.

Dư luận nhân dân, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cho rằng, tỉnh Quảng Ninh với sự quyết tâm chủ động tìm những hướng đi, cách làm đột phá đã thành công với nhiều mô hình thí điểm trong đổi mới công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nên chắc chắn đã tính toán rất đầy đủ, đảm bảo cho sự thành công của thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.

Tỉnh Quảng Ninh đã sẵn sàng cho việc vận hành thí điểm thêm một mô hình mới vì sự quản lý chuyên nghiệp, đột phá và phát triển cho cực tăng trưởng của đất nước – Khu Kinh tế Vân Đồn.

Ngọc Lan

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu