
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh góp ý vào nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Ngày 5/5, sau phiên khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thảo luận tại tổ số 9 cùng các đoàn: Tây Ninh, Bến Tre và Hòa Bình.
Nhấn mạnh một số mục đích của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, mục đích thứ nhất là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Hai là, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Ba là, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phải dựa trên kết quả rà soát, đánh giá thực tiễn việc thi hành quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, nhất là các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước. Đại biểu cũng bày tỏ đồng tình, việc sửa đổi khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 là phù hợp, qua đó tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến nhân dân; chú trọng công tác truyền thông, bảo đảm đúng định hướng trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Cũng tại phiên thảo luận, đối với định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung: Thứ nhất về các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; thứ 2 là các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Ý kiến ()