![](https://media.baoquangninh.vn/upload/files/logo/logo-mb-white.png)
Lễ hội dân gian ở Ba Chẽ: Đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc
Xuân đã về, các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Ba Chẽ cùng đón mùa xuân mới trong không khí vui tươi, phấn khởi với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Các lễ hội đầu xuân mang đậm đà bản sắc văn hoá các dân tộc được diễn ra trong niềm hân hoan mừng Đảng quang vinh, mừng đất nước đổi mới, hội nhập, bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
![Nghi thức cuốc hố, tra hạt trong lễ hội đình Làng Dạ mở ra một năm sản xuất mới, thể hiện mong ước mùa vụ bội thu.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202301/medium/2049980_nghi_thuc_cuoc_ho_tra_hat_trong_le_hoi_dinh_lang_da_mo_ra_mot_nam_san_xuat_moi_the_hien_mong_uoc_mua_vu_boi_thu_13272030.jpg)
Hàng năm, trên địa bàn huyện Ba Chẽ diễn ra nhiều lễ hội với quy mô lớn, nhỏ khác nhau, như: Lễ hội đình Làng Dạ, Lễ hội miếu Ông - miếu Bà, Lễ hội Bàn Vương, Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay, Lễ hội đình Đồng Chức và Lễ hội Xuống đồng. Trong đó, Lễ hội đình Làng Dạ do xã Thanh Lâm chủ trì tổ chức, diễn ra vào mùng 9 và mùng 10 tháng Giêng. Lễ hội có các hoạt động như: Lễ rước thần, lễ dâng hương thành hoàng làng; nghi lễ cuốc hố tra hạt và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian và các hoạt động ẩm thực.
Hay như Lễ hội đình Đồng Chức và Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) do xã Lương Mông chủ trì thực hiện, diễn ra vào các ngày từ 20 đến 22 tháng Giêng, với các hoạt động như: Lễ rước thần, lễ dâng hương, lễ xuống đồng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian và các hoạt động ẩm thực.
Lễ hội miếu Ông - miếu Bà do xã Nam Sơn chủ trì thực hiện, diễn ra vào ngày 1/3 âm lịch, với lễ mộc dục, lễ rước linh vị thần Tam Trĩ, lễ dâng hương của nhân dân và du khách thập phương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chèo thuyền, trò chơi dân gian. Miếu Ông và miếu Bà tạo thành một quần thể di tích thể hiện tín ngưỡng thờ cúng dân gian hòa hợp. Lễ hội tạo ra động lực để nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện ra sức thi đua trong lao động, sản xuất, học tập, công tác, cùng nỗ lực vươn lên để xây dựng huyện Ba Chẽ ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Sau các lễ hội mùa xuân tại huyện Ba Chẽ còn có Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay do xã Thanh Sơn chủ trì thực hiện vào ngày 5/5 âm lịch gắn với Tết Đoan Ngọ, Ngày hội văn hóa dân tộc Tày do xã Đạp Thanh chủ trì thực hiện vào tháng 9 âm lịch gắn với Lễ cơm mới của người Tày, Lễ hội Bàn Vương do các xã Nam Sơn, xã Đồn Đạc chủ trì thực hiện vào ngày 1/10 âm lịch.
Đối với các lễ hội được tổ chức quy mô cấp huyện, gồm Lễ hội Bàn Vương và Lễ hội Trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ quyết định tổ chức định kỳ 2 lần trong 5 năm gắn với các sự kiện lớn của địa phương. Đối với các Lễ hội miếu Ông - miếu Bà (xã Nam Sơn), Lễ hội đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm), Lễ hội đình Đồng Chức, Lễ hội Xuống đồng (xã Lương Mông), Ngày hội Văn hóa dân tộc Sán Chay (xã Thanh Sơn) và Ngày hội Văn hóa dân tộc Tày (xã Đạp Thanh) sẽ được tổ chức một lần với quy mô cấp huyện trong 5 năm, tùy từng điều kiện thời gian những năm còn lại tổ chức ở quy mô cấp xã.
![Tái hiện hành trình vượt biển của tổ tiên người Dao huyện Ba Chẽ trong lễ hội Bàn Vương năm 2022.](https://media.baoquangninh.vn/upload/image/202212/medium/2032674_tai_hien_hanh_trinh_vuot_bien_cua_to_tien_nguoi_dao_huyen_ba_che_trong_le_hoi_ban_vuong_nam_2022_15214305.jpg)
Với cộng đồng người Dao Thanh Phán ở huyện miền núi Ba Chẽ, mùa xuân có nhiều nghi lễ quan trọng, như: Lễ dâng hương Bàn Vương đầu năm, lễ cấp sắc (Lễ đặt tên âm) công nhận người đàn ông chính thức là con cháu Bàn Vương - Thủy tổ của người Dao, lễ khai đàn, lễ dâng đèn, lễ thượng quang, lễ giao dấu ấn, lễ cấp binh và lễ kết hôn. Sự ra đời và tồn tại của các nghi lễ này gắn liền với sự hình thành, phát triển tộc người Dao, thể hiện đặc trưng văn hóa tộc người, góp phần thắt chặt tình đoàn kết và duy trì truyền thống giáo dục trong cộng đồng người Dao Thanh Phán.
Tất cả các lễ hội đều nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được an lành, ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, người dân, du khách về dự lễ hội có thể tham quan khu trưng bày các nghi lễ cấp sắc, trang phục, dụng cụ, lao động sản xuất tại nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc, qua đó nhằm giáo dục truyền thống nhớ ơn tổ tiên, gắn kết cộng đồng, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn, giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuy không phải là lễ hội nhưng các hoạt động chợ phiên văn hoá vùng cao tại các xã Lương Minh và Đồn Đạc đều có tính chất của ngày hội, là nơi hội tụ bản sắc văn hoá các dân tộc. Đầu năm, các chợ phiên văn hoá vùng cao đều diễn ra trong không khí rộn ràng, náo nhiệt. Chợ phiên còn là một điểm hẹn văn hóa độc đáo, nơi người dân và du khách có thể thưởng thức các tiết mục văn nghệ, dân ca, dân vũ đặc sắc, tham gia những trò chơi dân gian và thể thao dân tộc, thưởng thức ẩm thực các dân tộc và xem trình diễn trang phục của đồng bào.
Không chỉ giữ vai trò kinh tế, chợ phiên văn hoá vùng cao còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết và khát vọng vươn lên, nơi các giá trị truyền thống được giữ gìn và tự tin hội nhập cùng cộng đồng các dân tộc Quảng Ninh.
Ý kiến ()