20
18
/
862299
Khe Phương - Khi "3 không" thành "3 có"
longform
Khe Phương - Khi "3 không" thành "3 có"

 

Nhiều năm qua, người dân thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, huyện Hoành Bồ, sinh sống ở địa bàn hiểm trở, giao thông, liên lạc khó khăn, nên cuộc sống luôn quẩn quanh với nghèo đói. Thế nhưng, tất cả những khó khăn ấy đang trở thành quá khứ, khi ước mơ về con đường bê tông thẳng tắp và sóng điện thoại phủ rộng khắp thôn đã trở thành hiện thực. Giờ đây, người dân Khe Phương có thể tập trung sản xuất, hy vọng vào một tương lai tươi sáng, ấm no hơn.

Theo đoàn công tác của Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) khảo sát lắp đặt trạm phát sóng điện thoại, tôi có dịp trở lại Khe Phương sau 3 năm. Nhớ ngày đầu tiên đặt chân đến đây, con đường độc đạo kết nối thôn với trung tâm xã dài gần 9km, lởm chởm đất đá với những đoạn lên dốc, xuống đèo. Ngày ấy, chúng tôi phải đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ mới tới Khe Phương. Càng xa trung tâm xã, những mái nhà càng thưa thớt, xung quanh hun hút rừng keo bạt ngàn và vực sâu thăm thẳm.

Có đi mới càng thấu hiểu những khó khăn của bà con. Năm đó, chúng tôi may mắn đi vào ngày trời khô ráo, đường đất dễ đi. Còn với bà con sống lâu năm ở đây, những con đường đầy bùn sình, lầy lội mỗi khi mưa lớn đã trở nên quá quen thuộc. Quen thuộc như những câu chuyện “dở khóc dở cười” mà người dân Khe Phương thường kể về sóng điện thoại, để một chỗ thì có sóng mà cầm trên tay thì... “tịt”. Nhiều khi, phải tìm đến con dốc cao nhất, buộc điện thoại lên ngọn cây cao để bắt sóng. Nhưng có khi cũng chẳng ăn thua. Bởi mỗi lần mưa lớn, thôn lại bị chia cắt hoàn toàn. Khe Phương khi ấy gây ấn tượng với “3 không”: Không đường nhựa, không sóng điện thoại di động, không sóng truyền hình.

Đỉnh điểm, sau trận mưa lũ cuối tháng 8/2017, sóng điện thoại cũng không thể liên lạc khiến việc chỉ đạo, hỗ trợ bị vô hiệu hóa. Ngay trong cuộc họp nghe báo cáo khắc phục hậu quả mưa bão, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo huyện Hoành Bồ liên hệ với Công ty Viễn thông Viettel, lắp dựng trạm thu, tiếp sóng di động tại một số vị trí còn chưa phủ sóng, trong đó có thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng, không để tái diễn tình trạng Khe Phương bị cô lập như trận mưa lũ vừa qua.

Đi cùng chúng tôi, anh Linh Hồng Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, chia sẻ: “Năm 2016, tôi được lãnh đạo xã phân công theo dõi và bám sát địa bàn để phấn đấu đưa thôn Khe Phương ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Đó cũng là quãng thời gian tôi ăn nằm với cơ sở, hàng tháng đi vài lần qua “con đường đau khổ” là chuyện bình thường. Có khi đi qua đỉnh đồi gặp đúng cơn mưa lớn lại hì hục đẩy xe mất một tiếng đồng hồ. Thậm chí, gặp những đoạn suối lởm chởm đá to, nước chảy xiết, không về được, coi như ở lại thôn luôn. Càng gắn bó với người dân, tôi càng mong muốn thôn sớm có đường mới, trạm phát sóng để người dân đi lại, liên lạc thuận tiện hơn”.

Thời gian đó, thôn Khe Phương xuất hiện dày đặc trên các bài viết của Báo Quảng Ninh, với những thông tin khó khăn về đường đi, sóng điện thoại. Từ kiến nghị của cử tri đến Chương trình 135, Đề án 196, nhắc đến Hoành Bồ không thể thiếu Khe Phương. “3 không” vẫn là bài toán khó mà chính quyền địa phương đang cố gắng tìm lời giải.

Trở lại trong chuyến công tác lần này, chúng tôi đón nhận nhiều tin mừng. Có lẽ, niềm vui lớn nhất đón chúng tôi chính là con đường dẫn vào thôn Khe Phương đã được bê tông hóa một nửa. Điều ấy có nghĩa thời gian đi lại sẽ rút ngắn một nửa, những khó khăn sẽ vơi bớt một nửa và giá trị nông sản sẽ tăng lên. Vừa vào đến trung tâm thôn, chúng tôi đã nghe thấy tiếng trò chuyện rôm rả của người dân đang mua chăn, đệm. Anh Bùi Minh Nhật, chủ xe hàng cho biết: Tôi chuyển hàng từ Bắc Giang về đây. Nếu đường mới không được làm, có cho tiền tôi cũng không dám chở. Bây giờ nhờ có đường mới, người dân đi lại, buôn bán cũng thuận tiện hơn”.

Trong lúc trò chuyện cùng bà con, chúng tôi gặp ông Bàn Sinh Trời, người sinh ra, lớn lên và gắn bó với Khe Phương. Ông bảo: “Trước đây, dân Khe Phương đông lắm, cỡ 70 nóc nhà, nhưng vì khó khăn quá, đường sá đi lại không có, người dân rời bỏ dần nơi này. Chứ thực ra, đất rừng ở đây rất tốt, là một trong những địa phương có đất tốt nhất của huyện. Phải có đường đi thuận tiện người dân mới dám định cư lâu dài, mới mạnh dạn sản xuất và phát triển”.

Đúng như lời ông Bàn Sinh Trời nói, gia đình chị Lý Thị Lan năm nay bán keo đúng dịp có đường mới. Giá keo năm nay cao hơn những năm trước khiến câu chuyện của chúng tôi thêm rôm rả. Chị Lan kể: “Nhà có gần 1ha keo được thu hoạch, bán được hơn 30 triệu đồng. Năm nay, tiền xe chỉ mất 15 triệu đồng thôi, chứ như mấy năm trước phải lên 20-25 triệu đồng mới có người chở. Tôi đang tính năm sau keo được thu hoạch tiếp, đường mà xong thì cũng phải lãi 40-50 triệu đồng/ha, chúng tôi mừng lắm”. Được biết, tuyến đường được huyện Hoành Bồ triển khai thi công từ cuối tháng 4/2018, chia làm 2 giai đoạn. Tuyến đường được thiết kế cơ bản tận dụng mặt bằng tuyến cũ, bề rộng nền đường 5m, bề rộng mặt đường 3,5m. Đến nay, 3/4km đường của giai đoạn 1 đã đổ bê tông. Năm 2019, sau khi giai đoạn 1 hoàn thành, huyện sẽ hoàn tất đoạn đường còn lại.

Không chỉ niềm vui đường mới, giấc mơ Khe Phương còn được “hiện thực hóa” với sóng điện thoại phủ khắp toàn thôn. Giám đốc Sở TT-TT Lê Ngọc Hân, nguyên là lãnh đạo Báo Quảng Ninh, cũng đến Khe Phương 3 năm trước, lần trở lại này chị đã không giấu được niềm hạnh phúc. Chị hỏi thăm từng người dân, ghi nhận ý kiến của lãnh đạo địa phương và trực tiếp làm việc, trao đổi với cán bộ Viettel phụ trách khu vực Hoành Bồ để đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ đưa sóng điện thoại về cho người dân Khe Phương. Chị chia sẻ: “Ngay khi nhận công tác tại Sở TT-TT, một trong những vấn đề tôi trăn trở chính là phủ sóng cho một số điểm lõm ở các xã khó khăn, trong đó có Khe Phương. Đến nay, Khe Phương đã có sóng điện thoại. Chẳng có niềm vui nào bằng được góp một phần công sức nhỏ bé cho sự đổi thay nơi này. Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể và theo hướng Nhà nước và doanh nghiệp cùng làm để các địa phương khó khăn khác sớm được phủ sóng điện thoại”.

Còn riêng với Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Khe Phương Bàn Văn Vy, anh vẫn ấp ủ một mô hình kinh tế để hướng dẫn cho bà con: “Chúng tôi mong muốn được chính quyền hỗ trợ giống và nguồn vốn để xây dựng mô hình trồng cây dược liệu, phù hợp với đặc tính đất của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời hoàn thiện nốt phần đường còn lại để người dân yên tâm sản xuất, phát triển”.

Với chúng tôi, những người đã đến Khe Phương 3 năm trước, câu chuyện không có sóng điện thoại, “con đường đau khổ” của bà con nơi đây giờ đã trở thành ký ức của một thời khó khăn. Hy vọng lần trở lại tới, Khe Phương sẽ thoát nghèo. Chúng tôi tin tưởng vào điều đó!

Bài, ảnh: Hoàng Quỳnh

Trình bày: Vạn Thảo

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu