
Khát vọng quốc gia biển
Hiểu và làm chủ biển nhằm tận dụng tốt nhất giá trị, vai trò của biển trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Việt Nam thuộc nhóm 10 quốc gia có chiều dài bờ biển hàng đầu thế giới với hơn 3.260km (không kể các đảo), mở ra cả 3 hướng đông, nam và tây. Hiểu và làm chủ biển nhằm tận dụng tốt nhất giá trị, vai trò của biển trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ chủ quyền quốc gia là công việc đã được tiến hành hàng trăm năm qua tại Viện Hải dương học - cơ quan tiên phong trong nghiên cứu hải dương học và điều tra tài nguyên-môi trường trên Biển Đông.
Thế kỷ 21 được mệnh danh là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ, hướng tới năm 2045, “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn…”; trong đó, một trong những khâu đột phá được xác định là “phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới…”.
Những người đứng phía sau
Biển cả bao la, rộng lớn nhưng để nghiên cứu biển, những nhà khoa học phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như phân tích sự sống trong từng giọt nước biển. Có lẽ bởi vậy, cho nên người đầu tiên mà Viện Hải dương học sắp xếp cho tôi được gặp là Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Như Hải, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, người đã gắn bó với đơn vị từ năm 1993, đồng thời là chuyên gia về sinh vật phù du - những sinh vật nhỏ bé giữ vai trò nền tảng trong hệ sinh thái biển. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, chậm rãi, ông giải thích rõ vì sao chúng lại là cốt lõi của biển.
Chiếm tới hơn 70% diện tích bề mặt Trái đất và nếu tính cả về độ sâu, biển lớn hơn rất nhiều so với không gian sống của con người. Muốn đánh giá một thủy vực biển thì điều tiên quyết là phải đánh giá được khu hệ sinh vật phù du hoạt động tại đó như thế nào, tương tác với các yếu tố còn lại ra sao, có tạo điều kiện tốt nhất cho mục đích khai thác nguồn lợi từ biển (nuôi trồng, đánh bắt…) hay không. Cụ thể, một trong những chuyên ngành hẹp của nghiên cứu thực vật phù du là tảo gây hại - lĩnh vực mà Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Như Hải dành nhiều thời gian, tâm huyết. Tảo khó nhìn thấy bằng mắt thường và không thể tự bơi, nhưng lại có mặt ở mọi nơi. Bên cạnh những hiện tượng bất thường như nhân bản “bùng nổ” (hiện tượng “thủy triều đỏ”), gây tích lũy độc tố, làm cạn kiệt oxy, đe dọa sự sống của các loài khác trong thủy vực, tảo gây hại có thể tích tụ trong các loài thủy sản, ảnh hưởng không tốt về lâu dài đến sức khoẻ con người theo đường đi của chuỗi thức ăn.
Năm 1991, EU ra quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ từ Việt Nam, trong đó có yêu cầu về chương trình giám sát tảo độc/tảo gây hại, khiến mặt hàng này phải ngừng xuất khẩu. Năm 1997, Viện Hải dương học, trong đó có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Lâm và Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Như Hải, đã hỗ trợ Trung tâm An toàn thực phẩm, Bộ Thủy sản (cũ) tập huấn, xây dựng đội ngũ; đồng thời thiết lập một phòng thí nghiệm tiêu chuẩn cho quy trình giám sát. Tháng 10/1999, đại diện EU tới tham quan và xác nhận Việt Nam có đủ năng lực kiểm tra, giám sát tảo độc/tảo gây hại.
“Tháng 11/1999, EU quyết định công nhận các quy trình hợp lệ, mở đường cho nhuyễn thể hai mảnh vỏ của ta xuất khẩu trở lại. Chúng tôi rất tự hào. Chúng tôi có thể đứng phía sau, không ai biết đến. Công việc của chúng tôi sẽ hỗ trợ ai đó, ở đâu đó, về những vấn đề gì đó, không rơi cụ thể vào đâu cả bởi mọi quá trình trong sự sống liên quan với nhau bằng cách này hay cách khác. Nhưng chúng tôi rất vui khi mình đã làm được...”, Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Như Hải chia sẻ.
Bảo tồn để phát triển
Chiến lượcphát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay không thể tách rời nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà, Viện trưởng Viện Hải dương học chia sẻ: “Một trong những định hướng của viện trong thời gian tới là triển khai hiệu quả chương trình bảo vệ các hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn; quản lý, bảo vệ các bãi đẻ, các vùng tập trung sinh sản. Việc bảo vệ các bãi đẻ, ương giống của các loài nguồn lợi cần được coi trọng và triển khai theo hình thức thiết lập các khu bảo tồn nguồn giống thủy sản”. Căn cứ yêu cầu của thực tiễn, Viện Hải dương học đã nghiên cứu cơ sở khoa học để khai thác, quản lý, phát triển bền vững các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều địa phương cũng như mở rộng các đối tượng nuôi trồng mới phục vụ kinh tế dân sinh, xuất khẩu.

Đã làm việc tại viện hơn 32 năm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Động vật biển là một chuyên gia trong lĩnh vực rạn san hô và bảo tồn biển. Với phong thái mạnh mẽ, hào sảng của người miền biển, ông cho biết, hiện Việt Nam có 16 khu bảo tồn biển, trong đó 12 khu đã đi vào hoạt động. Các kết quả nghiên cứu của viện và cá nhân ông đã góp phần xây dựng hồ sơ, lập phương án phân vùng quản lý 50% trong số đó. Là điều phối viên quốc gia trong Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu (GCRMN) và thành viên của tổ chức Sáng kiến rạn san hô quốc tế (ICRI), ông trực tiếp tập huấn cho cán bộ tại các khu bảo tồn biển, cập nhật những kết quả nghiên cứu và công nghệ mới như ứng dụng AI trong giám sát rạn san hô.
Đáng chú ý, trong khoảng 10 năm trở lại đây, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long là người đầu tiên ở Việt Nam đưa quan điểm cần đánh giá và bảo vệ các bãi đẻ, bãi ương giống trong quy hoạch các khu bảo tồn biển. Việc này có giá trị rất quan trọng trong tái đàn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, gìn giữ sự đa dạng sinh học vốn có của khu vực đó. “Quan điểm của tôi là phải giữ cho được những giá trị cốt lõi, còn những cái khác cũng phải chấp nhận hy sinh phần nào, sao cho bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển chứ không thể khăng khăng giữ tất cả trong khi kinh tế-xã hội, đời sống của người dân không đi lên. Muốn vậy thì việc phục hồi các hệ sinh thái và nguồn lợi quan trọng là rất cần thiết. Bên cạnh các kết quả nghiên cứu khoa học, cần kết hợp đưa khoa học vào phân tích các tri thức bản địa, biến nó thành cơ sở khoa học, từ đó đưa ra hoạch định và thuyết phục các nhà quản lý”, ông nhấn mạnh.
Hiện Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1539/QĐ-TTg ngày 10/12/2024 phê duyệt Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để bảo đảm diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam. Công việc của những nhà khoa học còn rất bộn bề. Trong khi đó, cũng như nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học, Viện Hải dương học đang thiếu cán bộ trẻ và khó tuyển cán bộ.
Phải có đam mê
Có một thực tế đáng băn khoăn là Việt Nam chưa có một cơ sở nào đào tạo sâu về chuyên ngành Khoa học biển. Hiện chỉ một số trường đại học dạy vài bộ môn có liên quan nhưng chưa hoàn chỉnh bởi Hải dương học cần kiến thức của cả 4 ngành chính: Vật lý hải dương, Địa chất hải dương, Hóa học hải dương và Sinh học hải dương. Những nhà khoa học như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà, Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Như Hải, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long… đều tốt nghiệp đại học ngành Sinh học, sau đó được tuyển dụng về viện rồi mới tiếp tục tu nghiệp tại nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế.
Nhân lực đầu vào thiếu; khi tuyển dụng được phải tiếp tục đưa đi đào tạo, chuẩn hóa và nâng cao trình độ chuyên môn; công việc thực tế vất vả do khối lượng lớn cũng như đặc thù phải đương đầu với sóng gió, nắng mưa… - những lý do đó khiến Viện Hải dương học luôn thiếu cán bộ. Để vượt qua, các nhà khoa học đều chia sẻ họ phải bắt nguồn từ tình yêu với biển.
“Nhiệm vụ chuyên môn của chúng tôi dứt khoát phải có sự đam mê, nếu không đam mê sẽ không làm được. Đó cũng là điều đặc biệt trong thời đại ngày nay bởi vì thu nhập hay mức đãi ngộ của công việc này chưa đủ sức hấp dẫn những người trẻ. Trong khi đó, chúng ta phải làm việc nhiều hơn bởi chúng ta đang đi sau so với các nước tiên tiến trong ngành này. Chúng ta chạy theo họ là cũng mệt rồi đúng không? Vậy lấy đâu ra động lực để làm? Chỉ có yêu và say mê thì chúng ta mới làm được!”, Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Như Hải khẳng định.
Nếu thiếu nghiên cứu biển, Việt Nam không thể trở thành quốc gia biển mạnh như mục tiêu đã đề ra. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được kỳ vọng sẽ khơi thông điểm nghẽn trong phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long chia sẻ: “Nước mình còn hạn chế về nguồn lực tài chính, giới khoa học hiểu được điều đó. Vấn đề là định hướng đầu tư có đúng hay không và đầu tư có dài hạn hay không? Trong khoa học, khó có thể bảo đảm rằng một công trình hay hướng nghiên cứu cứ 5 năm là có thể hoàn thành và kết thúc. Kể cả thất bại, nhưng qua đó chúng ta rút ra được những bài học quý thì cũng cần được xem là kết quả nghiên cứu. Cho nên, những quyết sách mới của Trung ương và Chính phủ hy vọng sẽ sớm đi vào cuộc sống, tháo gỡ những điểm bất cập”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Việt Hà: “Giải pháp căn cơ trước mắt của viện là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực hiện có; đồng thời, tìm kiếm nguồn nhân lực trẻ, tiềm năng và tận dụng Chương trình thu hút các nhà khoa học trẻ vào công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để bổ sung nhân lực”. Đó chính là nền tảng để viện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu xa hơn, rộng hơn như tại các vùng biển sâu và xa bờ; nghiên cứu dự báo biển, trong đó chú trọng dự báo nguồn lợi thuỷ sản, biến động ngư trường, vấn đề xói lở bồi tụ ven biển và hải đảo, các sự cố môi trường và tác động của biến đổi khí hậu đến vùng ven biển và đảo. Những nghiên cứu ứng dụng của viện đã và đang triển khai chắc chắn sẽ có hiệu quả cao trong phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, chuyển giao công nghệ cho các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…
Với điểm tựa từ lịch sử hơn một thế kỷ hoạt động, Viện Hải dương học vẫn như ngọn hải đăng âm thầm ngày đêm góp sức soi rọi tri thức về biển. Dù con đường phía trước còn không ít thách thức, nhưng chính từ những đam mê, tinh thần cống hiến, những nhà khoa học nơi đây đang nỗ lực góp phần xây dựng nên một nền khoa học biển vững mạnh cho đất nước.
Ý kiến ()