
Kiên quyết xử lý hàng lậu, hàng giả
Hàng nghìn hộp thực phẩm chức năng bị vứt bỏ giữa bãi rác là hồi chuông cảnh tỉnh về một thực trạng hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc đang “bủa vây” người tiêu dùng. "Cuộc chiến" chống hàng giả đang ngày một phức tạp, đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ lực lượng chức năng mà còn là trách nhiệm từ mỗi người dân.
Hàng giả tràn lan

Sáng 18/6/2025, người dân ở khu vực đường Tuyển Than (phường Hạ Long), phát hiện một lượng lớn thực phẩm chức năng bị vứt bỏ tại bãi rác trong khu dân cư với nhiều loại thực phẩm, như: Yến chưng, sữa, thuốc bổ cho trẻ em và cả các sản phẩm đã hết hạn sử dụng. Những hộp sản phẩm từng được bày bán với giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu đồng, được quảng cáo là “chất lượng cao”, “nhập khẩu chính hãng”, “tốt cho sức khỏe”… ngổn ngang giữa đống rác thải sinh hoạt. Chỉ sau ít phút, hình ảnh này đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến người tiêu dùng giật mình lo lắng.
Hình ảnh đó như một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ về mức độ thâm nhập và tàn phá âm thầm của vấn nạn hàng giả, hàng lậu đang không chừa một ai, từ người tiêu dùng thành thị đến nông thôn. Điều đáng nói, các mặt hàng bị làm giả, buôn lậu không còn giới hạn ở thuốc lá, mỹ phẩm hay thực phẩm đông lạnh, mà ngày càng mở rộng sang những lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người dân như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc hỗ trợ điều trị. Đây là những sản phẩm dễ ngụy trang, khó kiểm tra, lại đánh trúng vào tâm lý “sính ngoại”, “hàng xách tay” của một bộ phận người tiêu dùng.

Lo ngại hơn cả là phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, với chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ. Các đối tượng thường lợi dụng địa hình biên giới, tuyến đường mòn, sông biển để vận chuyển hàng hóa trái phép, trong đó nổi bật là thuốc lá, pháo, nội tạng động vật, mỹ phẩm và hàng điện tử. Tại khu vực cửa khẩu, các đối tượng vận chuyển trái phép tiền nhân dân tệ qua cửa khẩu với phương thức thủ đoạn cất giấu trong người, hành lý mang theo khi làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Tại khu vực biên giới, nội địa, nhiều đối tượng tập kết ở khu vực nhà các hộ dân có nhà giáp sông biên giới, dùng xe cá nhân vận chuyển hàng hóa đưa vào nội địa để tiêu thụ. Trên tuyến đường bộ, các đối tượng hoạt động chủ yếu vào ban đêm, lợi dụng địa hình phức tạp để tập kết hàng hóa tại nhà dân vùng giáp biên. Trên tuyến biển, lợi dụng sương mù, thời tiết xấu cũng trở thành “lá chắn tự nhiên” để hàng lậu cập bờ. Không chỉ có hàng hóa truyền thống, hiện nay các đối tượng còn chuyển hướng sang mặt hàng có giá trị cao, dễ ngụy trang và khó kiểm tra như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc hỗ trợ điều trị. Đây đều là những sản phẩm gắn liền trực tiếp với sức khỏe người dân.

Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Ban chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, các lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.464 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử lý hình sự 35 vụ, với 60 đối tượng. Riêng trong tháng cao điểm, các lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 380 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, trị giá hàng hóa vi phạm là 8,8 tỷ đồng. Trong đó, có rất nhiều vụ việc nghiêm trọng, điển hình: Vụ 624 bình khí cười, nặng hơn 3 tấn được phát hiện trên vùng biển Tràng Vĩ; vụ vận chuyển trên 25.000 con gia cầm giống không giấy tờ từ xã Tiên Yên. Đáng chú ý là tại Cửa khẩu Bắc Luân, một phụ nữ bị bắt quả tang giấu 4kg vàng trong người để đưa lậu qua biên giới, với tổng giá trị hơn 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số này có thể chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm". Không ít sản phẩm vi phạm đã len lỏi trót lọt vào thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều đợt cao điểm theo Công điện số 65/CĐ-TTg, Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các tổ công tác liên ngành được thiết lập, tăng cường mật phục trên biển, kiểm tra đột xuất tại các tuyến đường bộ, tuần tra khu vực biên giới, kiểm soát chặt chẽ tại các cửa khẩu... Tuy nhiên, các lực lượng chức năng chỉ có thể có các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm. Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức và trách nhiệm tẩy chay hàng giả.
Cần sự chung tay của người dân

Dự báo những tháng cuối năm, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng cấm và gian lận thương mại tiếp diễn với mức độ tinh vi, phức tạp hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, tiêu dùng và dịch vụ logistics. Khu vực cửa khẩu, tiềm ẩn nguy cơ một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp hoặc lái xe chuyên chở hàng hóa XNK tiếp tục lợi dụng việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, sự thông thoáng trong thủ tục hải quan để thực hiện các hành vi vi phạm. Nổi bật như: Không khai, khai sai tên hàng, chủng loại, số lượng, trị giá để gian lận thuế, trốn thuế; trà trộn, cất giấu hàng hóa trên phương tiện vận tải hoặc trong hàng hóa làm thủ tục hợp pháp để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới. Bên cạnh đó, tình trạng lợi dụng hoạt động XNC của hành khách và mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới để thực hiện các hành vi vi phạm; hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn tiềm ẩn tiếp diễn với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi thông qua việc lợi dụng triệt để địa hình tuyến biên giới đường bộ, đường sông dài, phức tạp, sát khu dân cư, nhiều đường mòn, bến, bãi tự phát để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nhiều đối tượng lợi dụng giao dịch thương mại điện tử và dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu. Việc một số cửa hàng, cửa hiệu, trung tâm thời trang bày bán các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ có lúc, có nơi vẫn diễn ra.
Tại Hội nghị toàn quốc về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu tập trung rà soát, xây dựng thể chế, pháp luật; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, địa phương. Các lực lượng chức năng phải liên tục ra quân, không phải làm mạnh một đợt, một kỳ, một tháng mà phải làm thường xuyên, xử lý một vụ để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực; làm ngày, làm đêm, làm thêm ngày nghỉ; mỗi ngày đều là cao điểm.

Ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan khu vực VIII (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh) cho biết: Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 đã xây dựng một loạt các giải pháp cho những tháng cuối năm. Trong đó căn cứ tình hình thực tế địa bàn quản lý, nhiệm vụ chức năng được giao của 54 phường, xã, và đặc khu để kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo 389; tổ chức đánh giá đúng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với các biện pháp nghiệp vụ đồng bộ nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; chủ động, phối hợp tuần tra, kiểm soát nhằm bắt giữ, xử lý các đối tượng ngay từ khu vực biên giới trên bộ và trên biển. Đặc biệt, Công an tỉnh phối hợp cùng với các đơn vị chức năng lập chuyên án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng; xây dựng đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Ngọ 2026.
Cùng với những nỗ lực của cơ quan chức năng trong công tác chống hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, mỗi người dân trở thành “người gác cửa” thông thái cho túi tiền và sức khỏe của mình, chung tay đấu tranh để hàng giả, hàng kém chất lượng không xâm nhập địa bàn.
Ý kiến ()