20
18
/
1100532
Hồi sinh những “lá phổi xanh” - Bài 3: Rừng giữ đất quê hương
longform
Hồi sinh những “lá phổi xanh” - Bài 3: Rừng giữ đất quê hương

Cover

Với tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55%, trên 370.000ha đất có rừng, Quảng Ninh có diện tích rừng lớn đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong nước. Không dừng lại ở đó, những năm qua, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, đặc biệt ưu tiên nhân rộng nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn. Từ những cơ chế chính sách đột phá, những mầm xanh đã và đang được gieo xuống, bén rễ và không lâu nữa những cánh rừng gỗ lớn như lim, lát, giổi sẽ vươn mình tỏa bóng, hình thành nên cánh rừng “giữ đất quê hương” và “giữ nước quê hương”, mang giá trị cao cho thế hệ mai sau.

Ảnh với chú thích

Ảnh căn phải

Tại lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Nhâm Dần 2022 (ngày 6/2/2022 tại huyện Ba Chẽ), đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: "Tỉnh luôn xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh, không chỉ cho hôm nay mà cho cả các thế hệ mai sau để núi rừng Quảng Ninh càng xanh hơn”.

Hiện thực hoá chủ trương về trồng rừng gỗ lớn, đặc biệt là trồng giống cây có giá trị kinh tế cao như lim, giổi, lát, năm 2019, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Tiếp đó, năm 2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Đây là một trong những chủ trương quan trọng để Quảng Ninh quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, nâng cao công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết số 19-NQ/TU và Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND đã đề ra những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và cơ chế, chính sách khuyến khích đi kèm rất thiết thực, góp phần tăng cường, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp, ngành. Công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực: Rừng tự nhiên được bảo vệ tốt; diện tích rừng trồng mới hằng năm tăng cả về diện tích và chất lượng; đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Ảnh với chú thích

Trong giai đoạn 2025-2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 55%, tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 4 -5%, giảm số lượng cơ sở chế biến nhỏ xuống dưới 170 cơ sở. Sản lượng khai thác gỗ đạt từ 600.000-700.000m3/năm, nhựa thông đạt từ 3.000-3.500 tấn/năm, nguyên liệu dược liệu đạt 5.000 tấn/năm.

Đặc biệt, ở giai đoạn này, tỉnh tập trung phát triển các loại cây dược liệu là thế mạnh của địa phương gồm: 7.000ha hồi, 3.790ha quế, 1.700ha sở, 2.179ha ba kích và 2.135ha cây dược liệu. Đồng thời, duy trì 24.000ha rừng gỗ lớn, 70.000ha rừng gỗ nhỏ và nguyên liệu, chuyển hóa 6.000ha rừng keo gỗ nhỏ thành gỗ lớn.

Thay vì lồng ghép, đây là lần đầu tiên tỉnh quy định rõ việc bố trí nguồn lực từ ngân sách cho ngành lâm nghiệp. Theo Nghị quyết 19, hằng năm tỉnh bố trí tối thiểu 3% tổng chi ngân sách thường xuyên, một phần kinh phí từ nguồn vốn bảo vệ môi trường, nguồn vốn đầu tư hàng năm cho phát triển lâm nghiệp và các cơ chế, chính sách đi cùng.

Ảnh với chú thích

Nghị quyết 337/2021/NQ-HĐND ngày 24/3/2021 quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững được triển khai thí điểm tại TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ; hỗ trợ 100% giống, lãi suất vay vốn ngân hàng thương mại, vay vốn tín dụng chính sách.

Đồng chí Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ra đời góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, gia tăng hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Nghị quyết xác định rõ việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền; cơ quan nhà nước; tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và toàn xã hội.

Ảnh với chú thích

Chiến lược tập trung trồng rừng gỗ lớn theo Nghị quyết 19 cùng những cơ chế, chính sách đột phá theo Nghị quyết 337 sẽ từng bước làm thay đổi cơ cấu cây trồng trong ngành lâm nghiệp của tỉnh theo hướng tích cực, đó là tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng. Từ những cánh rừng này sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động lâm nghiệp, góp phần ổn định trật tự xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh vùng biên giới, hải đảo.

Ảnh với chú thích

Nghị quyết 19, sau đó là Nghị quyết 337 đã tạo ra bước ngoặt trong hành trình hồi sinh những cánh rừng, phủ xanh những khoảng trống, gìn giữ “lá phổi xanh”.

Đến những thôn, bản vùng cao, miền núi của Quảng Ninh giờ đây dễ dàng bắt gặp cảnh bà con dậy từ sáng sớm, í ới gọi nhau cùng đi nương. Họ coi những cánh rừng như ngôi nhà thứ hai để bảo vệ, chăm sóc: Người dọn thực bì, người đào hố trồng cây, người thu hoạch dược liệu dưới tán rừng gỗ lớn... Ở nhiều nơi đã không còn tư duy “làm xổi, ăn xổi”, các hộ dân cùng bàn bạc gây dựng những cánh rừng gỗ lớn, hướng tới thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.

Ông Triệu Quý Trình (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) dự định sẽ mở rộng diện tích trồng giổi trong vụ sau. Theo tính toán của ông, giống giổi ghép này sẽ bắt đầu cho trái sau 4-5 năm. Với giá thị trường từ 700.000-800.000 đồng/kg quả, ông có thể lãi hàng trăm triệu đồng mỗi ha. 

Ảnh với chú thích

"Giổi là cây gỗ lớn thân thuộc với người dân Ba Chẽ. Đây là loại gỗ quý, có mùi thơm, thớ mịn, ít bị cong vênh, mối mọt nên gỗ thường được nhiều người ưa chuộng. Trong quá trình sinh trưởng, cây giổi còn cho thu hoạch hạt, là một mặt hàng giá trị với nhiều công dụng, vừa để chiết xuất tinh dầu, vừa dùng làm gia vị, xuất hiện trong những bài thuốc dân gian. Hạt sau khi bán, rồi đi mua phân bón về bón tiếp cho cây, phần còn lại thì vẫn còn có lãi. Ngoài ra, cây có khả năng phòng hộ, chống xói mòn, tăng cường khả năng giữ nước, bảo vệ đất... Gia đình tôi trồng giổi thấy phát triển tốt nên cũng kêu gọi mọi người xung quanh làm theo. Chúng tôi thấy rất tiếc vì trước đây không biết trồng, chưa biết làm ăn để đất đai lãng phí, không làm giàu được" - ông Trình hồ hởi chia sẻ.

Bà Đặng Thị Nhất (thôn Loỏng Toỏng, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ) thì khoe: Gia đình tôi có 2ha lim, 1ha quế. Vừa rồi, 2ha keo được thu hoạch, gia đình đã khai thác, dọn thực bì, trồng phủ kín toàn bộ bằng cây quế. Quế giờ đang hợp đất, hợp khí hậu, hợp người nên lớn nhanh lắm.

Ảnh với chú thích

Năm 2021, toàn huyện Ba Chẽ trồng mới 3.000ha rừng, trong đó 660ha cây gỗ lớn, 500ha chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Nhận thức của nhiều hộ trồng rừng thay đổi tích cực, loại bỏ tư duy trồng rừng “ăn xổi”, chủ động chuyển hóa rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng, mang lại thu nhập ổn định và làm giàu bền vững.

Ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, cho biết: Huyện hiện có 16.400ha rừng sản xuất, chiếm 1/3 diện tích rừng toàn tỉnh, tỷ lệ che phủ rừng đạt 72%. Từ năm 2018, huyện xây dựng Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn giai đoạn 2019-2025. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn với quy mô 5.000ha.

“Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã khuyến khích, hỗ trợ người dân trồng các loài cây bản địa, cây có chu kỳ kinh doanh dài, như lim, lát, thông mã vĩ, thông nhựa, quế, sa mộc..., ưu tiên vốn hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn tại các khu vực rừng đầu nguồn sông suối, các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt để duy trì nguồn sinh thủy, phòng chống sạt lở, lũ quét” - ông Vinh cho biết thêm.

Không riêng huyện miền núi Ba Chẽ, những tín hiệu tích cực trong tư duy, nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong việc trồng rừng gỗ lớn đang lan tỏa ở các địa phương trong toàn tỉnh. “Nhiều gia đình trong thôn nhờ cây gỗ lớn mà có nguồn thu thừ 350-450 triệu đồng/năm. Đời sống kinh tế của nhiều hộ ổn định lắm, có hộ còn xây được nhà mới, sắm ô tô, có điều kiện cho con cái học hành đầy đủ” -  ông Chíu Sồi Thoòng (già làng ở thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) tự hào.

Ảnh với chú thích

2.000ha lim, giổi, lát trồng mới ở những nơi có đủ điều kiện là mục tiêu mà toàn tỉnh Quảng Ninh đặt ra trong năm 2022. Đây là con số không nhỏ trong khi đó chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh mới chỉ dành cho hộ gia đình, cá nhân tại huyện Ba Chẽ và TP Hạ Long.

Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra văn bản gửi tới hơn 900 doanh nghiệp, tổ chức, phát động đăng ký, hưởng ứng trồng rừng, đây cũng chính là “chìa khoá” quan trọng để tỉnh có thêm nguồn lực lớn, sớm nhân lên những cánh rừng gỗ lớn. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều tổ chức, cá nhân đã đăng ký, triển khai, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, như: Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh hỗ trợ TP Hạ Long và huyện Ba Chẽ 15ha; Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ huyện Ba Chẽ 7,7ha; KCN Tiền Phong hỗ trợ huyện Tiên Yên 13,1ha; Công ty CP Đầu tư XNK Quảng Ninh hỗ trợ huyện Hải Hà 10ha; Công ty TNHH Quan Minh hỗ trợ huyện Vân Đồn 50ha...

Điều này cho thấy, xã hội hóa trồng rừng gỗ lớn đang có sức lan tỏa mạnh mẽ với sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, cộng đồng. Quan trọng hơn là đã thể hiện trách nhiệm trong trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ “lá phổi xanh".

Ảnh với chú thích

Trong hành trình gìn giữ “lá phổi xanh”, những khó khăn vẫn còn không ít. Thế nhưng, những trở ngại đang được dần tháo gỡ với sự vào cuộc tích cực bằng trách nhiệm của tỉnh, chính quyền và người dân với rừng. Để việc chuyển đổi rừng gỗ lớn thực sự bền vững, nâng cao năng suất, ổn định cuộc sống, nhiều mô hình kinh tế dưới tán rừng, “lấy ngắn nuôi dài”, đảm bảo sinh kế đã được thực hiện hiệu quả. Qua từng năm, trà hoa vàng, ba kích, cát sâm, đàn gà, đàn trâu, đàn dê... dưới tán rừng; sau đó đến quế, hồi, sở cho thu hoạch và mươi năm sau sẽ là những cánh rừng lim, giổi, lát trùm bóng. 

Đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh đã trồng được trên 1.045ha rừng lim, giổi, lát (bằng 44% kế hoạch tỉnh giao và bằng 55% so với mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU). Tới đây, những cánh rừng hồi, quế, lim, lát, giổi,… sẽ phủ kín những sườn núi, đồi, mang lại màu xanh tràn đầy sức sống và tỏa ra hương thơm của sự sống. Những cánh rừng loang lổ vết thương xưa đến nay dần hồi sinh trở lại; những loài chim, con thú vì thế cũng kéo về khiến cho mỗi người thấy tự hào vì đã góp phần nhỏ vào thành quả ấy. Không lâu nữa, những cánh rừng này sẽ mang lại cho người dân một cuộc sống ấm no, đủ đầy và hạnh phúc.

Thực hiện: Thu Chung - Cao Quỳnh
 
Trình bày: Mạnh Hà

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu